Doanh nghiệp còn thiếu những thứ thiết yếu

18:45' - 27/09/2017
BNEWS Để phát triển sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp không thể thiếu các thành tố quan trọng như con người, quy trình sản xuất, đất đai, nguồn vốn...

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hải Phòng cần thay đổi phương thức tiếp cận nguồn lực, chủ động thích ứng, phát triển trong môi trường kinh doanh nhiều cơ hội và thách thức như hiện nay.

Đó là nhận định của TS Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương tại Hội nghị tư vấn xúc tiến đầu tư cho các doanh nghiệp Hải Phòng, do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư,Thương mại, Dịch vụ và Du lịch Hải Phòng phối hợp với Sàn Giao dịch Khoa học Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng tổ chức, ngày 27/9, tại Hải Phòng.

Doanh nghiệp còn thiếu những thứ thiết yếu. Ảnh minh họa: Hồ Cầu-TTXVN

Doanh nghiệp thiếu những thứ thiết yếu

Để phát triển sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp không thể thiếu các thành tố quan trọng như con người, quy trình sản xuất, đất đai, nguồn vốn...

Trong hội nghị xúc tiến này, hầu hết các doanh nghiệp đều kiến nghị với thành phố Hải Phòng cần tạo điều kiện để họ tiếp cận quỹ đất và nguồn vốn.

Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Bảo An, ông Phùng Duy Đức cho biết, công ty là đối tác của nhiều tập đoàn lớn như Bridgestone, TH True milk cùng với 2.000 đối tác khác.

Tuy nhiên, do khởi nghiệp từ tay trắng nên công ty không có đất đai, nhà xưởng sẵn có. Tất cả đều hình thành do vốn tích lũy của doanh nghiệp.

Do đó, công ty không có khả năng đầu tư ngay lập tức hạ tầng và nhận thêm nguồn lao động để đảm bảo khả năng sản xuất cung ứng máy móc, linh kiện cho đối tác mặc dù sản phẩm của công ty luôn được chào đón trên thị trường do chất lượng và giá cả cạnh tranh.

Đã nhiều lần công ty làm thủ tục vay ngân hàng nhưng không có tài sản thế chấp nên công ty vẫn phát triển theo hướng “tích tiểu thành đại”. Công ty đã 4 lần phải chuyển địa điểm sản xuất kinh doanh do bị đòi lại mặt bằng.

Ông Đức mong muốn thành phố Hải Phòng sẽ tạo điều kiện về quỹ đất để doanh nghiệp phát triển ổn định.

Theo ông Nguyễn Hữu Miền, Giám đốc Công ty Miền Hạ Long, đất hoạt động của công ty thuê lại từ công ty mẹ là Công ty Đồ hộp Hạ Long.

Trong 6 năm qua, ông Miền tích cực tìm quỹ đất, trong đó đã đề xuất mua 1,5 ha đất cạnh Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền nhưng đến giờ vẫn chưa giải quyết xong các thủ tục.

Ông Miền kiến nghị Hải Phòng sớm bàn giao quỹ đất để công ty có địa điểm hoạt động, phát triển kinh doanh.

Ngoài tiếp cận vốn, quỹ đất khó khăn, các doanh nghiệp còn kiến nghị thành phố nên có giải pháp để tránh tình trạng thanh, kiểm tra chồng chéo, nhiều lần, nhiều đợt trong một năm của các ngành chức năng. Đây cũng là ý kiến chung của nhiều doanh nghiệp khác tham gia hội thảo.

Biến thách thức thành cơ hội phát triển

Về vấn đề quỹ đất, Giám đốc Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền Phạm Hồng Điệp cho hay, các doanh nghiệp nên chủ động tìm quỹ đất sạch từ các Khu kinh tế và Khu công nghiệp.

Việc làm này mang lại nhiều lợi thế hơn so với doanh nghiệp tự đi tìm và đầu tư hạ tầng cho sản xuất như: không phải triển khai thủ tục giải phóng mặt bằng, không phải đầu tư hệ thống điện, nước, khu xử lý nước thải, chất thải, có hệ thống hạ tầng đồng bộ để sản xuất kinh doanh ngay.

"Trong kinh doanh, thời gian là cơ hội. Nếu phải dành quá nhiều thời gian cho các vấn đề khác, doanh nghiệp có thể bỏ lỡ thời cơ kinh doanh tốt.", ông Điệp nói.

Trao đổi với các doanh nghiệp Hải Phòng, TS Võ Trí Thành cho rằng, kinh tế thành phố đã có bước phát triển tốt, thể hiện bằng con số có 511 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đạt 14,52 tỷ USD.

Tuy nhiên, báo cáo của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch, Dịch vụ thành phố Hải Phòng vẫn thiếu vắng bóng dáng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Qua ý kiến của các đại biểu trong hội nghị có thể nhận thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hải Phòng đang quá tập trung vào những ngành nghề sản xuất truyền thống và chưa chuyển hướng sang những lĩnh vực mới như logistics, văn hóa, giáo dục, giải trí.

Hạ tầng của Hải Phòng kết nối đồng bộ, song thành phố và doanh nghiệp vẫn thiếu những kết nối quan trọng gồm kết nối con người, kết nối giữa các thị trường và kết nối với các tỉnh, thành phố khác.

Một yếu tố quyết định sự lớn mạnh của doanh nghiệp hiện nay chính là phải xây dựng được mạng, chuỗi sản xuất; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản trị và sản xuất.

Về việc tiếp cận nguồn vốn, TS Võ Trí Thành cho rằng, có nhiều cách như: sử dụng nguồn vốn đầu tư của nhà nước, vốn vay của các ngân hàng, và một nguồn vốn còn chưa được đề cập nhiều ở Việt Nam đó chính là các quỹ đầu tư.

Các yếu tố nêu trên cuối cùng chỉ để phục vụ một cụm từ là “người tiêu dùng”. Ngoài sự năng động, nhạy bén, biến thách thức thành cơ hội, các doanh nghiệp còn cần phải hiểu khách hàng đang cần gì để sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của họ.

TS Võ Trí Thành nhận định, thị trường luôn chào đón các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, có sản phẩm vượt trội. Đôi khi, ý tưởng chỉ là những cải tiến nhỏ cho một sản phẩm, dịch vụ hoàn hảo hơn hoặc các sản phẩm dịch vụ mới, có sức cạnh tranh như dịch vụ khám chữa bệnh cao cấp; dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng sang trọng, đẳng cấp.

Tại Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN, có khoảng 650 triệu khách hàng thuộc giai cấp trung lưu.

Các doanh nghiệp cần tận dụng thời cơ để có những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu phong phú của những khách hàng đầy tiềm năng này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục