Doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn đặt hàng sẽ tốt hơn trong quý IV

16:02' - 12/10/2023
BNEWS Theo khảo sát của Cục Thống kê thành phố Cần Thơ, trong quý IV/2023, có 46,59% số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đánh giá đơn đặt hàng mới sẽ tăng.

Theo khảo sát của Cục Thống kê thành phố Cần Thơ, trong quý IV/2023, có 46,59% số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đánh giá đơn đặt hàng mới sẽ tăng; 19,32% số doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới sẽ giảm, số doanh nghiệp còn lại đánh giá không thay đổi.

 

Riêng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, có 45,24% số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đánh giá dự kiến đơn đặt hàng xuất khẩu mới sẽ tăng, chỉ có 14,29% số doanh nghiệp dự kiến giảm.

Về khối lượng sản xuất, trong quý IV/2023 có 41,84% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 24,49% số doanh nghiệp dự báo giảm và 33,67% số doanh nghiệp cho rằng khối lượng sản xuất không thay đổi. Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, trong quý IV, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp sẽ được giải phóng đáng kể.

Tính đến cuối tháng 8/2023, toàn thành phố có 14.634 doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động, tăng 1.507 doanh nghiệp (tương đương với 11,48%) so với thời điểm 31/12/2022; trong đó, doanh nghiệp là 12.887 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và tổ chức khác là 1.747 đơn vị. Số doanh nghiệp phát sinh từ ngày 01/01/2023 đến 31/8/2023 là 1.574 doanh nghiệp. Doanh nghiệp giải thể, bỏ địa chỉ kinh doanh là 914 doanh nghiệp; ngưng có thời hạn là 720 doanh nghiệp.

Qua kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2023 cho thấy, đa số doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2023 vẫn còn gặp nhiều khó khăn so với quý trước và tuy nhiên có nhiều doanh nghiệp đang kỳ vọng tích cực vào thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước trong thời gian tới…

Trong 9 tháng/2023, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ tăng 2,99% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,94%; ngành phân phối điện tăng 3,16% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải, nước thải tăng 3,17%.

Về sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp có mức tăng đáng kể so cùng kỳ như: sản phẩm quả và hạt đóng hộp khác tăng 12,20%; dầu thực vật thô tăng 45,93%; sản phẩm tinh bột lúa mì tăng 38,51%; xay xát gạo tăng 25,91%; sản phẩm thức ăn cho gia súc tăng 13,57%; sản xuất giày dép tăng 2,11 lần; sắt thép tăng 35,45%; đinh, đinh mủ, ghim dập tăng 38,31%, điện thương phẩm tăng 7,11%; nước uống được tăng 5,84%...

Nguyên nhân tăng là do các doanh nghiệp hoạt động xay xát gạo nhận được nhiều hợp đồng xuất khẩu; mức cầu của các công trình đầu tư công tăng và đầu tư mở rộng sản xuất đã đi vào hoạt động… nên tăng cường sản xuất để có đủ nguồn hàng cung ứng cho đối tác theo hợp đồng đã ký.

Tuy nhiên, một số sản phẩm sản xuất giảm mạnh so với cùng kỳ như: tôm đông lạnh giảm 19,23%, bia đóng lon giảm 18,45%, bao và túi bằng giấy giảm 20,53%, phân khoáng và phân hóa học NPK giảm 14,96%, thuốc dược phẩm giảm 33,63%...

Đến nay, sản xuất của đơn vị chế biến thủy hải sản, may mặc, đồ uống vẫn chưa được khởi sắc. Dự kiến sức tiêu thụ hàng hoá trên toàn cầu có thể tăng trở lại trong các dịp lễ lớn ở các tháng cuối năm ở các nước nên sẽ tác động tích cực đến hoạt động sản xuất trong nước, nhất là các sản phẩm thuỷ sản, may mặc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục