Doanh nghiệp dầu khí đang chịu những ảnh hưởng nào?

08:30' - 21/10/2023
BNEWS Theo các chuyên gia, dầu khí sẽ có mức tăng trưởng dương trong nửa cuối năm 2023 trong bối cảnh tỷ giá chưa hạ nhiệt và cuộc xung đột Israel-Hamas ở Trung Đông vẫn diễn biến khó lường.

Thực tế, xung đột Israel - Hamas đã đẩy giá dầu tăng trở lại. Trong phiên giao dịch 17/10 giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 25 xu Mỹ lên 89,9 USD/thùng, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) ổn định ở mức 86,66 USD/thùng.

Cả hai loại dầu Brent và WTI đều tăng giá vào tuần trước do lo ngại xung đột Israel-Hamas có thể lan rộng. Giá dầu Brent tăng 7,5% - là mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng Hai.

Trong báo cáo đánh giá tác động xung đột Hamas-Israel, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho biết, theo Bloomberg Economics, xung đột Hamas-Israel có thể sẽ khiến giá dầu leo thang, lạm phát tăng cao hơn và khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Tùy theo các kịch bản tình hình xung đột mà mức độ tác động sẽ khác nhau.

Ở kịch bản 1 khi xung đột chỉ giới hạn ở khu vực biên giới dải Gaza, mức độ tác động lên kinh tế toàn cầu là thấp nhất. Trong khi, kịch bản 2 cho thấy mức độ tác động tăng lên dựa trên giả định xung đột tại khu vực này có sự tham gia của các lực lượng hẫu thuẫn phía sau của Hamas. Ở kịch bản 3, dù khả năng thấp là dẫn tới xung đột giữa Israel và Iran, nhưng nếu xảy ra có thể gây nên suy thoái toàn cầu.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (EIA), tổng sản lượng sản xuất dầu thô toàn thế giới năm 2022 là 75,5 triệu thùng/ngày; trong đó, khối OPEC chiếm 38%, OPEC+ chiếm 22%, Mỹ chiếm 16%, các nước khác chiếm 24%.

Bản thân Israel không phải là nguồn cung dầu lớn, nhưng xung đột giữa Hamas và Israel tạo nên rủi ro lan rộng đến Saudi Arabia và Iran, 2 nước này chiếm 17% tổng nguồn cung dầu thô, YSVN nhìn nhận.

Theo YSVN, các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ giá dầu tăng cao như dầu mỏ gồm PVD, PVS, BSR; khí đốt có GAS và CNG. Tác động của giá dầu cao lên hoạt động kinh doanh nhanh hay chậm tùy thuộc vào từng doanh nghiệp.

Cụ thể, nhóm doanh nghiệp làm dịch vụ thượng nguồn như Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (mã chứng khoán: PVD) và Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán: PVS) sẽ được hưởng lợi nhất nếu giá dầu “neo” cao một thời gian dài.

Trong khi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trung và hạ nguồn bị ảnh hưởng nhanh chóng từ thay đổi của giá dầu.

Trong khi cuộc xung đột Israel-Hamas có thể ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh trong thời gian tới với các doanh nghiệp dầu khí thì yếu tố tỷ giá đã và đang tác động tới hầu hết các doanh nghiệp ngành này trong quý III. Cụ thể, tỷ giá tăng tác động tích cực nhẹ tới kết quả kinh doanh, nhờ đa phần các doanh nghiệp dầu khi có nguồn thu bằng ngoại tệ, nợ vay ít, hoặc chi phí đầu vào và giá bán ra đều được điều chỉnh theo tỷ giá bình quân 10 - 15 ngày gần nhất.

Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam có khách hàng đến từ nhiều khu vực địa lý khác nhau và có yếu tố nước ngoài cao, do đó, tỷ trọng doanh thu bằng ngoại tệ cao (hơn 80-90% trong những năm gần đây), hầu hết là bằng USD. Đây là điểm tích cực khi tỷ giá USD/VND tăng lên. Nguồn thu USD này cũng giúp giảm rủi ro chi phí do công ty cũng nhập khẩu một phần vật tư thiết bị cho các dự án trúng thầu.

Theo Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, doanh nghiệp quản trị rủi ro tỷ giá bằng cách cân đối nguồn thu và chi ngoại tệ. Doanh nghiệp ký kết hợp đồng với khách hàng theo đối ứng với khoản ngoại tệ phải trả cho nhà cung cấp.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng giữ lại một phần doanh thu bằng ngoại tệ và duy trì số dư tối thiểu tương đương với các nghĩa vụ nợ vay bằng ngoại tệ để tránh các rủi ro về tỷ giá và thanh khoản.

Về cơ cấu nợ vay của Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, nợ vay dài hạn của doanh nghiệp 100% là bằng Việt Nam Đồng. Trong khi đó, 85% nợ vay ngắn hạn là USD.

Tính đến cuối tháng 6/2023, nợ vay ngắn hạn bằng USD của doanh nghiệp đạt khoảng 640 tỷ đồng, chỉ chiếm 2,4% tổng tài sản. Do đó, tác động của tỷ giá USD/VND tăng chỉ ở mức “tích cực nhẹ”.

Với Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR). Yếu tố tỷ giá tác động lên cả doanh thu lẫn chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

Đầu vào của công ty lọc hóa dầu này là dầu thô, được giao đều đặn hàng tháng. Giá dầu thô đầu vào được tính theo giá trung bình 30 ngày của dầu thô Brent. Trong khi đó, giá bán ra lại được “neo” theo giá niêm yết theo từng loại xăng dầu (Ron92-95, DO…) bình quân 10 - 15 ngày trên sàn giao dịch Platts (Singapore) cộng phần phụ trội (premium) dựa trên thỏa thuận giữa doanh nghiệp và khách hàng.

Do cả đầu ra và đầu vào đều được tính theo USD, trong khi đó, doanh nghiệp phải tích trữ hàng tồn kho tối thiểu 20 ngày theo quy định hiện hành, mà giá bán lại được điều chỉnh 10-15 ngày nên trong trường hợp tỷ giá lên, doanh nghiệp có thể sẽ hưởng lợi.

Trong khi đó về nợ vay, Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn không còn nợ vay dài hạn kể từ cuối quý II/2022. Với nợ vay ngắn hạn, doanh nghiệp chỉ vay 43,9 triệu USD, tương đương 1.029 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng thấp 1,37% tổng tài sản. Do đó, tỷ giá tăng sẽ không gây áp lực đáng kể lên kết quả kinh doanh của công ty lọc hóa dầu này.

Tương tự như Lọc hóa dầu Bình Sơn, tỷ giá tác động lên cả doanh thu lẫn chi phi đầu vào của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (mã chứng khoán: PLX), cụ thể là hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu.

Theo Nghị định số 95/2021/NQ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu, giá bán xăng dầu của PLX được điều chỉnh 10 ngày/lần và được xác định theo nguyên tắc tính bình quân 10 ngày theo giá xăng dầu thế giới (xăng Ron92-95, dầu DO. Jet A1, etc) công bố trên tạp chí Platts Singapore; trong đó, tỷ giá ngoại tệ để tính giá cơ sở xăng dầu là tỷ giá ngoại tệ bán ra của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, tính bình quân của 10 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc.

Ngoài ra, chi phí đầu vào của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cũng được tính dựa trên giá niêm yết trên trang Platts của Singapore (trung bình 10– 15 ngày).

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng lập báo cáo hàng ngày về tình hình tài chính, dư nợ vay ngoại tệ, tình hình mua ngoại tệ. Một trong các phương án rất hiệu quả được Tập đoàn linh hoạt áp dụng đó là trả nợ tiền hàng bằng cách vay ngoại tệ và ký hợp đồng forward (hợp đồng kỳ hạn) ngoại tệ.

Ngoài ra, nợ vay của doanh nghiệp chủ yếu là nợ vay ngắn hạn (chiếm 95-96% tổng nợ vay). Các khoản vay ngắn hạn của doanh nghiệp chủ yếu là vay bằng VND, kỳ hạn 3-12 tháng. Do đó, tác động của tỷ giá USD/VND tăng lên đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam sẽ không lớn.

Trường hợp của Tổng Công ty Khí Việt Nam (mã chứng khoán: GAS), hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này chịu tác động của tỷ giá ở cả đầu ra và đầu vào, nhưng dữ liệu lịch sử cho thấy chênh lệch tỷ giá/lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp luôn dưới 2%.

Nguyên nhân chủ yếu do các hợp đồng mua khí khô của doanh nghiệp được tính theo USD trong khi giá bán ra thả nổi theo giá dầu FO quốc tế cũng bằng USD. Vì vậy, trong các năm qua, mặc dù mỗi năm tỷ giá USD/VND vẫn tăng bình quân 2-3%, tuy nhiên GAS thường ghi nhận lãi chênh lệch từ tỷ giá dao động.

Bên cạnh đó, tỷ trọng Tổng nợ vay/Tổng tài sản tính đến cuối quý II/2023 của doanh nghiệp ở mức thấp, chỉ đạt 6,8%; trong đó, chủ yếu là vay dài hạn chiếm 86% tổng dư nợ. Dư nợ vay bằng USD là 4.077 tỷ đồng, tương đương 4,6% tổng tài sản.

Như vậy, nếu tỷ giá tăng lên 1% thì chi phí nợ vay của Tổng Công ty Khí Việt Nam sẽ tăng thêm 40 tỷ đồng, tương đương 0,26% lợi nhuận sau thuế năm 2022. Tỷ giá USD/VND tăng cũng được nhận định tác động “tích cực nhẹ” đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (mã chứng khoán: PVD), doanh nghiệp sẽ đối mặt với “rủi ro tỷ giá ở mức cao” khi nợ vay chiếm tới 18% tổng tài sản; trong đó, hầu như toàn bộ là vay bằng USD với dư nợ vay tại cuối quý II/2023 là 151,8 triệu USD, tương đương 3.554 tỷ đồng với lãi suất thả nổi theo LIBOR (lãi suất liên ngân hàng Luân Đôn) cộng biên độ. Mặc dù với tỷ trọng vay dài hạn lớn (chiếm 80% tổng nợ vay), nhưng doanh nghiệp vẫn sẽ chịu ít áp lực hơn về dòng tiền trong ngắn hạn.

Theo ước tính của ACBS, đồng USD tăng giá 1% sẽ khiến doanh nghiệp này lỗ tỷ giá 35 tỷ đồng.

Về hoạt động kinh doanh, các hợp đồng cho thuê giàn khoan của Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí cơ bản được thu bằng USD. Do đó, doanh nghiệp có đủ nguồn thu để thanh toán các khoản chi phí bằng USD cũng như giảm bớt một phần rủi ro tỷ giá với các khoản vay USD này.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sử dụng các công cụ tài chính phái sinh để đảm bảo và chủ động nguồn ngoại tệ như giao dịch hoán đổi tiền tệ chéo (Cross currency swap), hợp đồng mua lại (Repo) và hợp đồng quyền chọn (Option contract).

Thực tế, tỷ giá liên tục tăng mạnh và được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong những tháng cuối năm khi mà đồng USD mạnh lên cùng với nhu cầu ngoại tệ cuối năm tăng cao.

Giá USD tăng do sự vững mạnh của nền kinh tế Mỹ và chiến lược duy trì lãi suất điều hành cao để giảm lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng của các khu vực khác trên toàn cầu như EU, Trung Quốc.

Giá dầu cao và áp lực tỷ giá USD/VND gia tăng được cho là sẽ có tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp thuộc nhóm dầu khí trong quý III/2023.

Đến ngày 19/10, dù mới có rất ít doanh nghiệp mảng dầu khí công bố doanh thu và lợi nhuận quý III, nhưng với kết quả kinh doanh rất tích cực là tín hiệu về một quý bội thu với các doanh nghiệp ngành này.

Đơn cử, Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR) công bố kết quả kinh doanh sơ bộ quý III/2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 3.050 tỷ đồng (tăng gấp đôi quý liền trước và gấp 5 lần cùng kỳ năm trước.

BSR cho biết, trong tháng 9, doanh thu hợp nhất ước đạt 14.788 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.119 tỷ đồng, lần lượt vượt 88% và gấp 7,48 kế hoạch tháng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu hợp nhất BSR đạt 109.100 tỷ đồng, vượt 11% kế hoạch năm và lợi nhuận trước thuế đạt 6.367 tỷ đồng, bằng 3,5 lần kế hoạch năm.

Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí - PVTrans (mã chứng khoán: PVT) cập nhật tình hình kinh doanh 8 tháng năm 2023 với doanh thu và lợi nhuận cùng tăng trưởng.

Theo PVTrans, năm 2023, trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, thách thức, công ty đã đẩy mạnh nâng cấp, trẻ hóa đội tàu, nâng tổng số lượng tàu sở hữu và khai thác tăng lên 49 chiếc với tổng trọng tải khoảng 1,3 triệu DWT, đa dạng chủng loại từ tàu chở dầu thô, tàu chở dầu/hóa chất, tàu chở LPG, tàu chở hàng rời đến tàu chứa dầu FSO.

Nhờ đó, kết quả 8 tháng năm 2023 tích cực với tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt lần lượt 5.998 tỷ đồng và 899 tỷ đồng, tăng lần lượt 2% và 17% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả 8 tháng ấn tượng, dự kiến kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp này sẽ khởi sắc.

Năm 2023, PVTrans đặt mục tiêu 6.800 tỷ doanh thu và 538 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy sau 8 tháng, PVT đã hoàn thành vượt 67% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), dầu khí sẽ là 1 trong 4 ngành (cùng với thép, chứng khoán và công nghệ) có mức tăng trưởng dương trong nửa cuối 2023, khi bối cảnh nền kinh tế chung còn nhiều khó khăn.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng dự phóng kết quả kinh doanh quý III/2023 của nhóm dầu khí rất tích cực; trong đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí, Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam sẽ có lãi tăng bằng lần.

Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu dầu khí tăng tích cực kể từ đầu năm tới nay. Theo đó, đến cuối phiên sáng 19/10, các mã PVS tăng gần 76%, PVD tăng gần 56%, PVC hơn 44%, PVB tăng hơn 67%, BSR tăng hơn 52%, PLX tăng gần hơn 10%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục