Doanh nghiệp dệt may ứng phó ra sao khi Mỹ, EU ngừng nhập hàng?

17:23' - 20/03/2020
BNEWS Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp để ứng phó với việc các đối tác ngừng nhập hàng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

 

Ngay khi có thông tin về việc một số khách hàng Mỹ và EU đưa ra thông báo về việc tạm ngừng, giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng nhập khẩu của một số mặt hàng như: dệt may, da giày... của Việt Nam, những doanh nghiệp bị ảnh hưởng lo lắng vì vừa hết lo thiếu nguyên liệu sản xuất, thì lập tức rơi vào tình thế thiếu đầu ra.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) nhận định, quá trình diễn biến quá nhanh của thị trường, nhất là khi dịch COVID-19 lan rộng tại EU và Mỹ, khiến Chính phủ các nước buộc phải ra giải pháp quyết liệt đóng cửa biên giới, khuyến cáo công dân không ra nước ngoài, hạn chế di chuyển trong nước, đóng cửa các trung tâm thương mại, hủy bỏ các sự kiện thu hút đông người…

Chỉ trong hai ngày từ 16 và 18/3, một số khách hàng lớn từ EU và Mỹ đều có thông báo tiêu cực đối với các doanh nghiệp sản xuất dệt may trong nước. Xu hướng chính là giãn thời gian giao các đơn hàng tới 3-4 tháng để trông chờ thị trường phục hồi trở lại.

Ngoài ra, một số mặt hàng mang tính mùa vụ, kinh doanh trong tháng 3, tháng 4 rất khó khăn thì khách hủy đơn hàng. Số lượng đơn hàng bị hủy tương đương với năng lực sản xuất của nhiều đơn vị, tương ứng từ 3-3,5% sản lượng của cả năm 2020.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) cho biết, lúc đầu các doanh nghiệp trong ngành tưởng khó về nguyên liệu thì nay vừa có nguyên liệu cho sản xuất thì lại gặp khó về đầu ra. Một số đơn hàng bị hủy, một số đơn hàng tạm hoãn.

Trong khi đó, thời gian mở LC (thanh toán bằng thư tín dụng hoặc tín dụng thư) cũng kéo dài, trước kia là 60 ngày thì nay là 120 ngày. Doanh nghiệp càng làm nhiều đơn đặt hàng may mặc theo mẫu có sẵn và chuyển hàng ra ngoài cảng biển thì càng khó khăn do vốn đọng ở nguyên phụ liệu.

Quý I, doanh thu của Tổng công ty May Hưng Yên đã giảm 20% và phải rà soát từng khâu, hay toàn bộ các khâu để giảm chi phí. “Chúng tôi chưa đánh giá được toàn bộ thiệt hại và chưa biết sắp tới sẽ hành động thế nào, tình hình thay đổi từng ngày, từng giờ…” - ông Nguyễn Xuân Dương nói.

Trước mắt, không phải khách hàng nào cũng có thông tin xấu cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Duy có thị trường Mỹ, một thị trường lớn của doanh nghiệp dệt may Việt Nam là có phản ứng sớm nhất. Do đó, những doanh nghiệp có đơn hàng đi Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng sớm hơn.

Ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ cho biết, từ ngày 16/3 đến 18/3, đồng loạt các khách hàng tại thị trường Mỹ, đang giao dịch theo phương thức giao hàng lên tàu (FOB) thông báo về việc ngừng sản xuất, lùi giao hàng, hủy đơn hàng thành phẩm và ngừng việc đặt mua nguyên phụ liệu cho các đơn hàng đã xác nhận.

Tổng số hàng bị hủy  của doanh nghiệp là 350.000 sản phẩm. Tổng số đơn hàng yêu cầu lùi thời gian sản xuất 100.000 sản phẩm. Tổng số đơn hàng có nguy cơ bị dừng sản xuất hoặc hủy 150.000 sản phẩm.

Khách mua hàng họ cũng đề nghị được lùi thời gian thanh toán tiền thành phẩm từ 30 đến 60 ngày so với thời hạn đang được áp dụng. Tuy nhiên, các khách hàng tại thị trường Nhật Bản vẫn ổn định và các khách hàng tại thị trường châu Âu chưa có quyết định hủy hoặc hoãn nhập hàng.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex cho hay, do dịch COVID-19, có hiện tượng đẩy lùi thời gian giao hàng, đặc biệt là hủy hẳn đơn hàng khiến các nhà quản lý doanh nghiệp dệt may hết sức trăn trở để tìm cách khắc phục.

Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, việc Mỹ và EU quyết định tạm thời ngừng nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu của May 10 vào hai thị trường này.

"Chúng tôi gặp khó khăn kép. Trong tháng 2 các doanh nghiệp phải lo nhập khẩu nguyên phụ liệu để đảm bảo sản xuất được liên tục, đến nay thì có đủ nguyên phụ liệu thì lại tạm dừng sản xuất và dừng giao hàng những lô hàng đã sản xuất", ông Việt chia sẻ.

Ông Việt đơn cử, khách hủy toàn bộ các lô hàng đi bằng đường hàng không tới Mỹ. Các lô hàng đường biển trong tháng 3 lùi sang tháng 4 và 5/2020. Đồng thời khách hàng điều chỉnh giảm số lượng mua hàng các tháng kế tiếp. Khách hàng Hàn Quốc chưa chịu nhận 40.000 sản phẩm sơ-mi đã sản xuất xong và hoãn luôn đơn hàng 39.000 sản phẩm sản xuất trong tháng 4 theo kế hoạch.

Ngoài ra, hàng trăm ngàn sản phẩm khác sản xuất cho khách hàng Mỹ đang trên chuyền sản xuất thì cũng bị khách hàng yêu cầu dừng. "Doanh nghiệp thực sự không mong muốn nhận thêm thông tin về ngừng nhập khẩu, nếu việc ngừng này xảy ra ở tất cả các nước thì tổn thất sẽ rất lớn", Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 nói.

Vị lãnh đạo này đề xuất: "Doanh nghiệp cũng mong Nhà nước ngoài chính sách giảm lãi, giảm thuế, giãn nợ, nên hỗ trợ tiền lương cho người lao động ở các doanh nghiệp sử dụng nhiều người lao động như may mặc, da giầy giống như việc Chính phủ Mỹ, Chính phủ Đức hành động: hỗ trợ và phát tiền  trợ cấp cho người dân và người lao động bị thất nghiệp".

Ông Lê Tiến Trường cho nhận định, trong tháng 3, tháng 4/2020 các doanh nghiệp trong Tập đoàn có nhiệm vụ sản xuất phục vụ thị trường trong nước, sản xuất mặt hàng phòng dịch. Do vậy Tập đoàn đang tập trung đàm phán với khách hàng để tránh tối đa thiệt hại; Đàm phán với nhà cung cấp để lùi thời gian thanh toán tiền nguyên phụ liệu.

Đồng thời, cân đối dự phòng tài chính để có thể trả lương và duy trì sản xuất. Mặt khác, tạm dừng các dự án đầu tư trong năm 2020.

Tuy nhiên, với tình trạng ngành dệt may chủ yếu làm hàng xuất khẩu, thì vẫn phải trông chờ vào việc xử lý dập dịch của thế giới, kết thúc cuộc khủng hoảng toàn cầu. "Nếu quy trình xử lý dịch kéo dài, thì không chỉ ngành dệt may, mà các ngành khác cũng đều gặp khó khăn trong năm 2020 này", ông Trường thừa nhận.

Trước thực trạng trên, Vinatex vẫn thống nhất ưu tiên số 1 là giữ chân người lao động, bảo toàn lực lượng cho dù có khó khăn. Đây là bài toán hóc búa đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may. Trước mắt, doanh nghiệp dệt may không tăng giờ làm, cho người lao động nghỉ hai ngày/tuần.

Trong trường hợp khó khăn hơn nữa, doanh nghiệp giảm số ngày làm việc của người lao động, cả lãnh đạo và công nhân. Từ đó, cùng chia sẻ giảm thu nhập, nhưng vẫn phải đảm bảo cao hơn mức lương tối thiểu theo luật định.

Vinatex cũng đề xuất với Chính phủ giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực duy trì sản xuất, giữ giá thành hấp dẫn bạn hàng trong điều kiện tổng cầu thị trường xuống thấp, bảo toàn lực lượng lao động và đảm bảo an sinh xã hội.

Tập đoàn cũng đề nghị các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đang có dư nợ tại ngân hàng, được hưởng ân hạn chưa phải trả phần tiền lãi và gốc đến hạn trả năm 2020 của các khoản đầu tư dài hạn, để doanh nghiệp sẽ tiếp tục trả vào các năm sau..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục