Doanh nghiệp FDI gấp rút thực hiện tăng lương tối thiểu vùng

16:08' - 01/12/2015
BNEWS Thực hiện Nghị định 122 của Chính phủ, từ đầu tháng 11/2015, các doanh nghiệp trên địa bàn đã xây dựng thang bảng lương mới để đảm bảo kịp tăng lương cho công nhân lao động từ 1/1/2016.

Nhiều doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai đã xây dựng bảng lương mới cho lao động. Ảnh: TTVXN

Đa số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai đang trả lương cho người lao động cao hơn quy định của Nhà nước từ 300.000 đến 500.000 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, thực hiện Nghị định 122 của Chính phủ, từ đầu tháng 11/2015, các doanh nghiệp trên địa bàn đã xây dựng thang bảng lương mới để đảm bảo kịp tăng lương cho công nhân lao động từ 1/1/2016. 
Đến thời điểm này, Công ty Pouchen Việt Nam (Công ty Pouchen - xã Hóa An, thành phố Biên Hòa) đã xây dựng xong thang bảng lương và trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai phê duyệt. Từ tháng 1/2016 trở đi, hơn 22.000 công nhân toàn Công ty này sẽ được tăng lương 12,4%/tháng. 
Ông Nguyễn Minh Quang, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pouchen Việt Nam chia sẻ: năm 2015, Nhà nước quy định lương tối thiểu vùng I là 3,1 triệu đồng/người/tháng song Pouchen đã trả gần 3,5 triệu đồng/người/tháng (người mới vào làm). Năm 2016, theo quy định, mỗi người sẽ được tăng 400.000 đồng lương tối thiểu vùng nhưng Công ty Pouchen điều chỉnh tăng cao hơn mức Nhà nước đưa ra (thấp nhất là 450.000 đồng/tháng, cao nhất là 2,5 triệu đồng/tháng). 
Bên cạnh tăng lương, Công ty Pouchen sẽ giữ nguyên phụ cấp chuyên cần (200.000 đồng/tháng) và phụ cấp sinh hoạt (550.000 đồng/tháng). Như vậy, thu nhập của lao động tại Công ty Pouchen năm 2016 thấp nhất sẽ đạt khoảng 4,8 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, với mức tăng 12,4%, nhiều công nhân làm việc trên 15 năm, đang đảm nhiệm các chức vụ khác nhau, sẽ nhận được mức lương mới từ 17 đến 22,5 triệu đồng/người/tháng. 
Theo tính toán của Công ty Pouchen, từ năm 2016, mỗi tháng doanh nghiệp này sẽ chi thêm hàng chục tỷ đồng để trả lương cho công nhân. Hiện tại, hàng tháng Pouchen đóng các khoản bảo hiểm là 34 tỷ đồng, sang năm tới, số tiền này tăng lên gần 38,5 tỷ đồng. Dù phải chi thêm số tiền rất lớn cho lực lượng sản xuất nhưng lãnh đạo Công ty cho rằng đây là điều hoàn toàn phù hợp; tăng lương giúp công nhân nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, thực hiện tốt chế độ lương, thưởng lao động sẽ gắn bó hơn với doanh nghiệp, phấn đấu làm việc để tăng năng suất lao động, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa giới chủ và công nhân. 
Trải qua nhiều thảo luận, bàn bạc giữa công đoàn và ban giám đốc, đến nay, Công ty Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) đã xây dựng xong thang bảng lương mới. Từ 1/1/2016, toàn thể công nhân lao động tại Công ty này sẽ được trả lương theo Nghị định 122 của Chính phủ. 
Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pousung Việt Nam cho biết, Công ty Pousung Việt Nam đang trả lương tối thiểu vùng thấp nhất là 3,4 triệu đồng/người/tháng (cao hơn quy định 300.000 đồng/tháng). Mỗi lao động trong Công ty có thâm niên làm việc trên một năm đều được tăng lương cơ bản với mức 5%/năm.

Lần này điều chỉnh lương 12,4%, người ít nhất cũng được tăng 400.000 đồng/tháng, người làm việc lâu năm mỗi tháng có thêm trên 1 triệu đồng. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, năm 2016, bên cạnh tăng lương, Công ty Pousung Việt Nam còn giữ nguyên 750.000 đồng phụ cấp chuyên cần và sinh hoạt phí cho công nhân. 
Theo ông Trường, những năm qua, mỗi lần Nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu vùng, Công ty Pousung Việt Nam đều nghiêm chỉnh chấp hành. Hiện nay lương cơ bản của đa số công nhân tại Pousung Việt Nam đạt khoảng 5 triệu đồng, để tăng lương hơn 12,4% theo Nghị định 122 của Chính phủ, doanh nghiệp phải bỏ ra một số tiền rất lớn.

Hiện hàng tháng, Công ty đóng các khoản bảo hiểm gần 30 tỷ đồng, năm 2016, tiền đóng bảo hiểm cũng sẽ tăng lên. Việc điều chỉnh lương kịp thời thể hiện doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm với người lao động và cộng đồng. Công nhân vì thế cũng phải phấn đấu làm việc, đóng góp cho sự phát triển chung. 
Năm 2015, Công ty TNHH Apparel (thành phố Biên Hòa) trả lương thấp nhất cho lao động là 3,5 triệu đồng/người/tháng, cộng các chế độ phúc lợi khác, thu nhập của công nhân ở Apparel đạt khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Ông Võ Văn Lợi, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Apparel khẳng định: Lương tối thiểu vùng Công ty áp dụng hiện cao hơn 400.000 đồng so với quy định, nếu giữ nguyên mức lương này trong năm 2016, doanh nghiệp vẫn thực hiện đúng pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, người lao động đang khó khăn, mỗi lần có chính sách tăng lương là họ háo hức, chờ đợi. Công ty Apparel quyết định tiếp tục tăng lương 12,4% vào năm tới theo Nghị định 122 của Chính phủ. 
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai, đa số doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đang trả lương tối thiểu vùng cho lao động cao hơn từ 300.000 - 500.000 đồng/tháng so với quy định. Thực hiện Nghị định 122, thời gian qua, các công ty, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, sử dụng hàng chục nghìn lao động như: Công ty Chang Shin Việt Nam, Công ty Fujitsu, Công ty Hwasung Vina… đang gấp rút xây dựng thang bảng lương mới, đảm bảo tăng lương đúng lộ trình của Chính phủ. 
Ông Phạm Văn Cộng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai cho biết, để các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm được quy định của Chính phủ về việc tăng lương, Sở đã có kế hoạch tổ chức tập huấn phổ biến về đợt điều chỉnh tăng lương tối thiểu này. Thời gian điều chỉnh tăng lương sát với thời điểm thực hiện chế độ thưởng Tết Nguyên đán 2016, dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp không thực hiện đúng thời gian tăng lương.

Thậm chí, những doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất sẽ tính toán cắt giảm các khoản phụ cấp khiến quỹ lương của người lao động không tăng lên so với trước. Để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan chức năng Đồng Nai sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều chỉnh tăng lương tại các doanh nghiệp, đảm bảo quyền cho người lao động./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục