Doanh nghiệp gặp khó, kéo giảm sản xuất công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh

17:15' - 03/04/2023
BNEWS 3 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều thách thức do giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao; chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế..

Chiều 3/4, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin định kỳ quý I/2023, đại diện Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều thách thức do giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao; chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia...

Những yếu tố này, đã kéo chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 3 tháng đầu năm 2023 giảm 0,9% so cùng kỳ.

Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2023 giảm 15%; 2 tháng đầu năm 2023 giảm 2,5% và 3 tháng đầu năm 2023 giảm 0,9%. Bên cạnh đó, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp, sản lượng công nghiệp quý I/2023 ước tăng 8,2% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,4%).

 

Ghi nhận thực tế, ở nhóm sản phẩm linh kiện điện tử và nhóm sản phẩm điện tử dân dụng giảm do thiếu linh kiện sản xuất, cộng với tình trạng thiếu đơn hàng xuất khẩu. Còn ngành cơ khí đang có xu hướng phục hồi, nhưng sản lượng sản xuất còn tăng trưởng âm.

Ở ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic đang dần khôi phục và một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng với đối tác từ đầu năm. Ngoài ra, người dân ngày càng quan tâm hơn về sức khỏe, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và chăm sóc xã hội tăng lên theo độ tuổi là nguyên nhân giúp cho ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng trưởng.

Hầu hết công ty thuộc ngành sản xuất thuốc hóa dược đẩy mạnh sản xuất, khối lượng sản phẩm sản xuất tăng cao hơn so với cùng kỳ. Vì vậy, chỉ số IIP ngành hóa dược dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Ở ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống, cộng đồng doanh nghiệp doanh nghiệp thực phẩm cũng nỗ lực mở rộng đầu tư, đẩy mạnh sản xuất và tăng thu mua nguyên liệu tăng tích trữ để đảm bảo duy trì sản xuất ổn định đã giúp chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành này có xu hướng tăng trong thời gian tới.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy khi đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý I/2023 so với quý IV/2022, có 18,6% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên; 36,1% giữ ổn định và 45,3% khó khăn hơn.

Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước lạc quan nhất với 64,1% doanh nghiệp cho rằng tốt lên và giữ ổn định; đồng thời tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và ngoài nhà nước lần lượt là 55,1% và 53,3%.

Dự báo tình hình quý II/2023 so với quý I/2023, có 37,4% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 36,3% giữ ổn định và 26,3% khó khăn hơn. Bên cạnh đó, có 82,1% doanh nghiệp nhà nước có cái nhìn tích cực về tình hình kinh doanh trong quý II/2023; còn ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và ngoài nhà nước là 77,5% và 70,9% tương ứng.

Trong thời gian tới, ngành Công Thương Tp. Hồ Chí Minh sẽ tập trung triển khai hoạt động hỗ trợ dưa trên ba chương trình phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành cơ khí - tự động hóa, ngành cao su - nhựa, ngành chế biến thực phẩm Tp. Hồ Chi Minh năm 2023.

Theo đó, Sở Công Thương thành phố sẽ thúc đẩy giới thiệu, quảng bá sản phẩm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong và ngoài nước tương tác kết nối, tham gia chuỗi cung ứng thông qua hoạt động hội chợ, triển lãm...

Ngoài ra, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh sẽ thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh. Giải pháp này sẽ tập trung ở 3 trụ cột, gồm: quản lý nhà nước; thí điểm Đề án Chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics, năng lượng, thương mại điện tử và xúc tiến thương mại; nghiên cứu, xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ chuyển đổi số.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục