Doanh nghiệp mong đợi sự ổn định và nhất quán trong các chính sách phát triển kinh tế

12:37' - 10/01/2020
BNEWS Nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn cải thiện hơn nữa về môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là sự ổn định, nhất quán trong các chính sách phát triển kinh tế.
 Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Bên lề Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 diễn ra sáng 10/1, tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp và đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam bày tỏ mong muốn cải thiện hơn nữa về môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là sự ổn định, nhất quán trong các chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam. Qua đó, hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, hiệu quả.

Bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường xuất khẩu phát triển nhanh nhất đối với Hoa Kỳ và ngược lại. Các thành viên của AmCham mong muốn có một sân chơi bình đẳng, loại bỏ những rào cản thương mại và xây dựng một khung pháp lý công bằng, minh bạch, ổn định và hiệu quả; trong đó coi trọng sự đổi mới nhằm giúp Việt Nam tiếp tục thu hút, duy trì và phát triển thương mại, đầu tư chất lượng cao. Hiện nay, AmCham đang trông đợi các chính sách thuế ổn định, công bằng, phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu để thu hút và duy trì đầu tư.

Đi vào vấn đề cụ thể của doanh nghiệp, ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho hay, Hiệp hội rất quan tâm tới vấn đề ổn định môi trường pháp lý và các biện pháp khuyến khích đầu tư mà Chính phủ Việt Nam đang tiến hành.

Tuy nhiên, vẫn có nhà đầu tư nước ngoài chưa được bảo vệ trong quá trình áp dụng các quy định của pháp luật. Ông Miura kiến nghị Chính phủ Việt Nam xây dựng hệ thống tra cứu trước các vấn đề pháp lý để doanh nghiệp có thể liên hệ với các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan thuế để được giải đáp những thắc mắc liên quan. Từ đó, khuyến khích các nhà đầu tư mạnh dạn tăng vốn hoặc có cơ sở để phát triển các ý tưởng về đổi mới sáng tạo... Ông Nobufumi Miura cũng đề cập tới việc các chính sách của Chính phủ còn thiếu nhất quán hoặc được sửa đổi, bổ sung, nhưng chưa được các địa phương cập nhật, gây khó khăn cho các nhà đầu tư.

Cũng tại diễn đàn, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cũng trình bày những khó khăn liên quan tới việc không được miễn thuế đối với các nguyên liệu được gia công bên ngoài để sản xuất hàng xuất khẩu.

Hàn Quốc hiện là quốc gia đầu tư hàng đầu tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên đến 61,7 tỷ đô la Mỹ (USD). Trong số đó, 71,5% các khoản đầu tư được thực hiện bởi các công ty công nghệ và sản xuất. Các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư vào các khu công nghiệp địa phương. Vì vậy, KoCham mong muốn Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các ngân hàng của Hàn Quốc mở Chi nhánh và thành lập pháp nhân bởi việc cấp vốn từ các ngân hàng của Hàn Quốc là rất cần thiết.

Nguyên nhân là các doanh nghiệp mới đầu tư chưa có kết quả kinh doanh thuận lợi nên phải sử dụng khoản vay bằng tín dụng hoặc tài sản của các công ty mẹ và muốn nhận được những tư vấn về tài chính từ các ngân hàng của Hàn Quốc.

Ngoài các vấn đề nêu trên, nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ, băn khoăn về việc cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các yêu cầu của Chính phủ về áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, chuyển từ kiểm tra tại cửa khẩu sang kiểm tra hàng hóa khi lưu thông vẫn chưa được phổ biến.

Cùng với đó, vẫn còn tình trạng mở rộng phạm vi, thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực an toàn lao động. Vấn đề cấp phép, giấy phép liên quan tới xây dựng, phòng cháy chữa cháy còn khó khăn, gây mất thời gian cho doanh nghiệp; hiện tượng tham nhũng vặt khi các doanh nghiệp làm thủ tục hành chính vẫn xuất hiện...

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), việc lấy ý kiến các dự thảo văn bản pháp luật cần được thực hiện một cách thực chất và thường xuyên; không ban hành, thay đổi chính sách một cách đột ngột. Các loại giấy phép kinh doanh cũng cần được kéo dài thời hạn hoặc không xác định thời hạn nhằm giúp ổn định môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp...

Với kỳ vọng, năm 2020 sẽ là năm có nhiều đột phá về cải cách và cũng là năm Việt Nam về đích với các mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh và hoàn thành việc phát triển 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, ông Vũ Tiến Lộc đã đề cập một số kiến nghị như: Nhà nước có chiến lược tổng thể về cải cách tư pháp để hỗ trợ môi trường kinh doanh, tiếp cận điện năng và tiếp tục cải thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp.

Các yêu cầu về cải cách điều kiện đầu tư kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hoá và kiểm tra chuyên ngành, kiểm soát tham nhũng và giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp cũng cần tiếp tục giải quyết trên tinh thần lấy doanh nghiệp và người dân làm đối tượng phục vụ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục