Doanh nghiệp ngành sắn cần chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch

19:03' - 18/03/2022
BNEWS Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp xuất khẩu sắn cần chuyển mạnh sang xuất khẩu theo hướng chính ngạch.
Ngay từ bây giờ các doanh nghiệp xuất khẩu sắn cần chuyển mạnh sang xuất khẩu theo hướng chính ngạch, bởi hiện tại, Đề án xuất khẩu qua biên giới theo con đường chính ngạch đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ để sớm phê duyệt trong thời gian tới.

Hơn nữa, từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc đã trở thành thành viên của Hiệp định Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nên sản phẩm xuất khẩu không đạt các tiêu chí tiêu chuẩn của các thị trường thành viên RCEP sẽ không chỉ đối diện với việc mất thị trường mà còn có nguy cơ mất cả một ngành sản xuất.

Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra tại buổi làm việc với Hiệp hội Sắn Việt Nam ngày 18/3 tại trụ sở Bộ Công Thương theo kế hoạch tiếp công dân hàng tháng.

Tại buổi làm việc, Hiệp hội Sắn Việt Nam cho rằng, sắn và sản phẩm sắn là một trong ba cây trồng xuất khẩu chủ lực, có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam và được đưa vào danh sách cây chủ lực quốc gia. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn đạt cao tới 1,35 tỷ USD/năm.

Thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn chủ yếu vẫn xuất khẩu chính vào thị trường Trung Quốc, chiếm khoảng 93% tổng sản lượng sắn và sản phẩm sắn xuất khẩu. Tuy nhiên, trong số này có tới hơn 65% sản lượng sắn xuất khẩu theo hình thức giao hàng tại biên giới, qua các cửa khẩu khu vực tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Lào Cai.

Hiện tại, ngành sắn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi việc dừng hoàn thuế giá trị gia tăng của Tổng cục Thuế theo Công văn số 2495/TCT-TTKT ngày 8/7/2021 và Công văn số 632/TCT-TTKT ngày 7/3/2022.

Điều này có thể dẫn tới việc doanh nghiệp bị phá sản rất cao, ảnh hưởng đến hơn 1,2 triệu người lao động ngành sắn và hàng trăm doanh nghiệp sản xuất, các cơ sở sản xuất sẽ phải dừng thu mua cho bà con trồng loại cây chủ lực này. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 kéo dài khiến cửa khẩu đóng biên, xuất khẩu chính ngạch với giá xuất khẩu thấp do cạnh tranh với Thái Lan, Indonesia. Ngoài ra, chuỗi cung ứng container không đáp ứng, dịch bệnh khảm lá sắn chưa có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu...

Bởi vậy, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã đề xuất với Bộ Công Thương phối hợp và kiến nghị Bộ Tài chính – Tổng cục Thuế căn cứ hồ sơ thực tế của doanh nghiệp xuất khẩu và pháp luật hiện hành về hoàn thuế giá trị gia tăng, chỉ đạo các Cục thuế địa phương hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp xuất khẩu sắn như trước đây, tạo sự đồng thuận cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, Bộ Công Thương kiến nghị với Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn thể hoàn thuế giá trị gia tăng phù hợp với thực tế hoạt động xuất khẩu biên mậu giữa Việt Nam với Trung Quốc nhằm thích ứng với hoạt động xuất nhập khẩu biên giới với các nước có chung biên giới.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương đồng tình với các kiến nghị nêu trên của Hiệp hội Sắn Việt Nam và sẽ phối hợp, hỗ trợ với Hiệp hội và các doanh nghiệp ngành sắn để kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét, giải quyết.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, doanh nghiệp phải xuất trình được căn cứ xác đáng theo quy định của pháp luật hiện hành. Từ đó, Bộ Công Thương sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chức năng của Bộ để làm việc với các cơ quan của Bộ Tài chính.

Do đó, Hiệp hội Sắn Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên quan tâm nghiên cứu tiềm năng, nhu cầu sử dụng sản phẩm của các thị trường cũng như có chuyển đổi cần thiết. Mặt khác, tiến hành rà soát lại quy hoạch vùng trồng và tổ chức lại sản xuất để sản phẩm của Việt Nam phải là sản phẩm sạch, đáp ứng được tiêu chí thị trường, nhất là trong bối cảnh tới đây thực hiện Đề án xuất khẩu chính ngạch; tiếp tục mở rộng thị trường, hạn chế xuất thô, xuất tươi cũng như nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm sắn Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục