Doanh nghiệp nhỏ và vừa “chật vật” tiếp cận tín dụng ngân hàng

18:35' - 05/11/2015
BNEWS Các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí vô cùng “chật vật” khi tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tín dụng.
Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Cục Tài chính Doanh nghiệp

Dù cho ngành tài chính ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về chính sách tiền tệ, tín dụng và dư nợ cho vay của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa không ngừng tăng trưởng qua các năm, thậm chí luôn duy trì ở mức khoảng 25% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế.

Song các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí vô cùng “chật vật” khi tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tín dụng.

Đây là nhận định chung của hầu hết các diễn giả và đại biểu có mặt tại điễn đàn “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng cường khả năng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất kinh doanh”, do Viện tin học doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) phối hợp với Tạp chí Tài chính doanh nghiệp (Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính) tổ chức ngày 5/11 tại Hà Nội.

  “Chật vật” do đâu?

Tính đến hết Quý III/2015, Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã được triển khai trên 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Hết tháng 9/2015, tổng số tiền được hỗ trợ theo chương trình đạt trên 570.000 tỷ đồng cho hơn 38.000 khách hàng là doanh nghiệp và hơn 122.000 đối tượng khác là hợp tác xã, tiểu thương, hộ gia đình...

Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6% đến 9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và 9% đến 11%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn. Riêng việc gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ… cũng đạt dư nợ tín dụng lên tới hơn 70.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, so với các năm trước, mức lãi suất của Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã giảm khoảng 1%, thậm chí thấp hơn nhiều so với thời gian trước khi triển khai chương trình.

Các ngân hàng cũng đã chủ động nắm bắt nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, cam kết cung cấp sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp với từng khách hàng với lãi suất vay vốn giảm rõ rệt so với thời gian trước, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chưa kể nhiều chương trình, chính sách tín dụng khác cũng đã được triển khai và thu lại kết quả bước đầu khá tích cực.

Tuy nhiên, còn tồn tại nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đã hạn chế khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo khảo sát của VCCI về nguyên nhân doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, có 39,7% doanh nghiệp được hỏi cho rằng do lãi suất cao, 19,8% cho rằng do không có tài sản thế chấp và thủ tục phức tạp, 6,3% bị ngân hàng từ chối vì doanh nghiệp có nợ xấu và 6,3% là do kế hoạch kinh doanh của doanh không khả thi…

Phân tích thực trạng tiếp cận tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định, chính sự suy giảm và biến động của nền kinh tế thế giới, cộng thêm thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán đóng băng, hàng hóa tồn kho, ứ đọng không tiêu thụ được, lợi nhuận giảm là những yếu tố khách quan hạn chế các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Ngoài ra, một số quy định liên quan đến bảo đảm tiền vay hiện còn chưa rõ ràng, dẫn tới một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước như chính sách bảo lãnh vay vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Quỹ bảo lãnh tín dụng tại địa phương chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Cũng theo quan điểm của ông Kiêm, còn do sự phối hợp thiếu chặt chẽ, đồng nhất giữa các cơ quan, ban ngành, các tổ chức tín dụng nên sự hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa rốt ráo và hiệu quả.

Bổ sung thêm ý kiến, ông Đông nhận định, trong điều kiện thị trường chứng khoán Việt Nam chưa phát triển, thì mọi nhu cầu vay vốn ngắn, trung và dài hạn đều trông cậy vào hệ thống ngân hàng.

Trong khi phần lớn nguồn vốn huy động trong dân cư của các ngân hàng là nguồn vốn ngắn hạn. Do vậy, đây chính là một thách thức không nhỏ cho ngành ngân hàng.

Thêm nữa, các tổ chức tín dụng hiện còn gặp nhiều khó khăn trong khâu thẩm định dự án, phương án sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; khó khăn trong việc xử lý tài sản thế chấp, thu hồi nợ vay do thời gian thực hiện các thủ tục pháp lý kéo dài, cách thức xử lý chậm trễ của các cơ quan có thẩm quyền...

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là tính minh bạch, hệ thống báo cáo tài chính chưa được các doanh nghiệp thực sự quan tâm, dẫn tới các dữ kiện, số liệu phản ánh chưa chính xác, chưa được kiểm toán, thiếu tin cậy. Do vậy tổ chức tín dụng thiếu thông tin khi phân tích, đánh giá và thẩm định nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, sự hạn chế trong tiếp cận thông tin, trình độ nhân lực, quản trị điều hành dẫn tới nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa xây dựng được chiến lược kinh doanh, chưa có kế hoạch ứng phó với sự biến động của giá cả, thị trường. Năng lực hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng còn hạn chế do quy mô vốn chủ sở hữu nhỏ, thị trường tiêu thụ chưa ổn định...

Từ những vấn đề nội tại nêu trên dẫn tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa hoặc không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn theo quy định pháp luật và quy trình quản trị rủi ro tại các tổ chức tín dụng, ông Đông phân tích cụ thể.

Những giải pháp thực sự

Để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Kim Nhung, Trưởng Khoa tài chính ngân hàng, Trường Đại học Thương mại, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có những động thái thay đổi để tìm được tiếng nói chung trong việc tài trợ vốn cho sản xuất kinh doanh , khơi thông các nguồn lực cho phát triển.

Các chủ tọa điều hành diễn đàn. Ảnh: Cục Tài chính Doanh nghiệp

Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý để hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ chức tín dụng cũng cần cải thiện môi trường thông tin, tăng cường khả năng chia sẻ và tiếp cận thông tin tín dụng để việc hỗ trợ đối với các doanh nghiệp được sâu sát và chặt chẽ.

Việc xây dựng hệ thống thông tin chính sách pháp luật hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần được chú trọng nhiều hơn như xây dựng trang thông tin điện tử về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng quỹ hỗ trợ doanh nghiệp với vai trò làm cầu nối giữa doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng hay các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường đầu ra,…

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, hiện Chính phủ đang tiến hành các bước chuẩn bị xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, với những giải pháp thật sự “đến” được với doanh nghiệp.

Theo đó, Nhà nước có thể huy động các nguồn vốn giá rẻ, lựa chọn các tổ chức tín dụng đáp ứng đủ yêu cầu giúp chia nhỏ các gói hỗ trợ tạo điều kiện giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn rẻ cho nhu cầu trung và dài hạn./.

Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục