BNEWS
Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay (23/3), cổ phiếu ngành phân bón tăng mạnh, DCM tăng 1%, DPM tăng 4,5%, đáng chú ý các các mã BFC, DPR, DTT, VAF kéo lên giá trần.
Trước những biến động liên tục trên thị trường chứng khoán xung quanh căng thẳng địa chính trị giữa Nga - Ukraine, cổ phiếu ngành phân bón vẫn tận dụng được thời cơ tăng trưởng, đồng thuận tăng điểm nhiều phiên liên tiếp trở lại đây. Tín hiệu tích cực này được hỗ trợ bởi thông tin giá phân bón đang ở mức cao nhất trong khoảng 50 năm trở lại đây do những diễn biến tăng theo giá thế giới.
Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay (23/3), cổ phiếu ngành phân bón tăng mạnh, DCM tăng 1%, DPM tăng 4,5%, đáng chú ý các các mã BFC, DPR, DTT, VAF kéo lên giá trần.
Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VFA) cho hay, giá phân bón trong nước tăng mạnh phần lớn do chịu tác động từ thị trường phân bón thế giới; trong đó, có giá dầu tăng dẫn đến giá nguyên liệu sản xuất phân bón tăng và giá phân bón tăng. Cùng với đó là việc gián đoạn nguồn cung một phần do căng thẳng giữa Nga - Ukraine.
VFA dự báo, thời gian tới, nguồn nhập khẩu phân bón sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng lớn từ những tác động tiêu cực từ căng thẳng Nga - Ukraine. Trong bối cảnh này, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp phân bón trong nước.
Công ty Chứng khoán KIS cho rằng, với nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm và thế giới tăng cao, các doanh nghiệp có thể tận dụng một phần công suất thừa trong giai đoạn này để tăng cường xuất khẩu, khi đó tỷ suất lợi nhuận gộp được mở rộng nhờ vào giá xuất khẩu ở mức cao.
Đơn cử đối với Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí - CTCP (DPM), tăng cường doanh số bán hàng từ xuất khẩu có thể khiến doanh thu bùng nổ trong quý I/2022. Theo thông tin của Công ty Chứng khoán Mirae, 2 tháng đầu năm 2022, DPM đạt lợi nhuận trước thuế 1.422 tỷ đồng, tăng đột biến hơn 10 lần so với cùng kỳ.
Kết quả này nhờ sản lượng tiêu thụ duy trì mức khả quan, đạt gần 190.000 tấn. Cùng với đó, nhu cầu cao nên DPM hoạt động xuyên Tết và hiện nguồn hàng kinh doanh đủ dùng trong 6 tháng đầu năm 2022.
Năm 2022, mặc dù DPM chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu 50.000 tấn giảm 16,7% so với cùng kỳ năm trước nhưng hiện đã xuất khẩu được 80.000 tấn trong 2 tháng đầu năm. Ngoài ra, công ty kỳ vọng tiếp tục gia tăng sản lượng xuất khẩu trong các quý tiếp theo nếu nhu cầu trong nước bị ảnh hưởng bởi giá phân bón cao.
Cùng quan điểm với KIS, Công ty Chứng khoán Thành Công cho hay, nếu giá phân bón tăng quá cao ảnh hưởng tới người dân, Chính phủ sẽ can thiệp để làm giảm thiệt hại. Khi ấy, doanh nghiệp sản xuất phân bón tận dụng được thị trường xuất khẩu sẽ mang lại nhiều đột phá.
Tuy nhiên, các chuyên gia của KIS cho rằng, dù giá bán nội địa có thể neo ở mức cao trong quý II/2022, song biên lợi nhuận gộp của DPM có thể thu hẹp từ quý này vì sự gia tăng đáng kể của giá dầu FO Singapore cùng chiều với giá dầu thế giới; đồng thời, khả năng Chính phủ tăng cường kiểm soát giá bán lẫn lượng hàng xuất khẩu với mục đích đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Bởi, mối tương quan cao giữa giá FO và giá dầu thế giới dẫn đến giá vốn hàng bán của các công ty sử dụng khí gas biến động mạnh hơn so với các công ty sử dụng than trong công nghệ sản xuất ure; trong đó, có DPM khi sử dụng khí gas như nguồn nguyên liệu đầu vào chính.
Công ty Chứng khoán SSI cũng đưa ra nhận định đối với xu hướng tăng trưởng của ngành phân bón trong thời gian tới. Theo đó, căng thẳng Nga-Ukraine có thể kéo dài tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên ở châu Âu trong thời gian dài hơn. Điều này sẽ tạo cơ hội đầu tư ngắn hạn cho các cổ phiếu phân bón của Việt Nam vốn có thể hưởng lợi từ giá bán urê cao hơn trong bối cảnh thiếu khí ở châu Âu.
Tuy nhiên, về dài hạn, giá urê ước tính sẽ giảm do châu Âu dự kiến thiếu hụt nguồn cung urê, cùng với Trung Quốc có thể tăng nguồn cung urê khi tình trạng thiếu than giảm bớt. Điều này có thể giá urê sẽ giảm với tốc độ chậm hơn từ với mức đỉnh hiện nay.
Dù vậy, Công ty Chứng khoán Mirae kỳ vọng, những doanh nghiệp phân bón như Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau vẫn có lợi thế tăng trưởng; trong đó, nhà máy Đạm Cà Mau công suất đạt 800 ngàn tấn/năm. Doanh thu ure tiêu thụ chiếm đến 72% doanh thu của DCM năm 2021.
Trên cơ sở này, Mirae kỳ vọng DCM hưởng lợi năm 2022 ở cả sản lượng lẫn giá bán tiêu thụ, với nhiều cơ hội tăng xuất khẩu ra thế giới. Kết quả 2 tháng đầu năm 2022, DCM đạt lợi nhuận trước thuế 735 tỷ đồng, tăng 559% cùng kỳ nhờ giá bán và sản lượng tích cực. DCM đang thực hiện mở rộng thị trường xuất khẩu, cũng như tăng nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu cho vụ Hè Thu năm 2022.
Theo kế hoạch, DCM sẽ xuất khẩu khoảng hơn 100.000 tấn phân bón Urê tới sang một số thị trường tiềm năng của châu Á, châu Mỹ trong thời gian tới.
Trước đó, về kết quả kinh doanh năm 2021, Đạm Cà Mau ước tính doanh thu đạt 10.011 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.823 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và 175% so với mức thực hiện năm 2020. Đây cũng là doanh thu và lợi nhuận cao nhất mà DCM đạt được trong 10 năm hoạt động vừa qua./.