Doanh nghiệp phần mềm ít có cơ hội tại sân nhà

20:17' - 31/05/2017
BNEWS Phát triển công nghệ phần mềm Việt Nam - Bài 1: Doanh nghiệp phần mềm ít có cơ hội tại sân nhà.
Doanh nghiệp phần mềm ít có cơ hội tại sân nhà. Ảnh minh họa: TTXVN

Công nghệ thông tin có vai trò quyết định trong sự phát triển của nền kinh tế. Hiện nay, cùng với xu hướng khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử.

Các doanh nghiệp trong nước đang đứng trước các hướng đi chuyên gia công phần mềm, hay sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Vậy, đâu là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước chuyển mình.

Bài 1: Doanh nghiệp phần mềm ít có cơ hội tại sân nhà

Nhiều năm qua, Tp. Hồ Chí Minh nói riêng vẫn là điểm sáng trong thu hút đầu tư của ngành công nghệ thông tin so với cả nước.

Tuy chưa có những dự án nổi bật mang tầm vóc lớn, nhưng vẫn được các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá Tp. Hồ Chí Minh là một điểm đến hấp dẫn cho ngành công nghệ thông tin, đặc biệt là ngành gia công xuất khẩu phần mềm.

Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước lại chưa tạo ra được các sản phẩm, dịch vụ riêng mang tính sáng tạo.

Điểm đến thương hiệu công nghệ

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang nằm trong nhóm những quốc gia có khả năng cạnh tranh cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là ngành công nghệ phần mềm.

Tại Tp. Hồ Chí Minh hiện có khu Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) có quy mô và hạ tầng hoàn thiện nhất cả nước. QTSC được đánh giá là một trong các khu hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á.

Cuối năm 2016, lần đầu tiên FPT Software (công ty con của tập đoàn FPT) đạt con số 10.000 người, một lực lượng đáng kể trong ngành ủy thác dịch vụ phần mềm trên toàn cầu.

FPT Software hiện là công ty phần mềm của Việt Nam đứng trong Top 100 nhà cung cấp dịch vụ gia công (outsourcing) phần mềm toàn cầu do International Association of Outsourcing Professionals đánh giá. Riêng tại QTSC, các doanh nghiệp tăng trưởng rất tốt.

Vào thời điểm thành lập QTSC chỉ có 21 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với số lượng chuyên viên và kỹ sư là 250 người.

Sau hơn 15 năm hoạt động đã có 140 doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT với khoảng 20.000 người tham gia học tập và làm việc, với nhiều doanh nghiệp CNTT lớn trên toàn cầu. Hiện có 5 doanh nghiệp trên 1.000 người, đã chứng minh được số lượng doanh nghiệp lớn đang ngày càng tăng.

Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC, QTSC là mô hình phần mềm tập trung đầu tiên của cả nước, cụ thể hóa các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng nền kinh tế tri thức. QTSC có điều kiện chủ động về mặt hạ tầng và dịch vụ viễn thông trong cung cấp các dịch vụ cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Các doanh nghiệp tại QTSC được hưởng ưu đãi cao nhất của Chính phủ quy định cho ngành công nghệ cao, CNTT, nhưng để phát triển công nghiệp phần mềm thì cần có nhiều QTSC.

Trong năm 2017 sẽ có những chuyển biến lớn trong thu hút đầu tư ngành CNTT. Đặc biệt, Hoa Kỳ là nước sẽ có nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực CNTT vào Tp. Hồ Chí Minh, do họ có nhiều lợi thế trong tiếp cận thị trường và công nghệ. Hiện nay, Tp. Hồ Chí Minh đang triển khai xây dựng đô thị thông minh.

Đề án này sẽ mở ra nhiều cơ hội, thị trường cho doanh nghiệp CNTT không chỉ trong nước, mà còn các doanh nghiệp nước ngoài. QTSC đang chuyển mình để phù hợp với tình hình mới.

Mục tiêu của QTSC trong năm nay và những năm tới là trở thành một địa điểm ứng dụng, cung cấp và chuyển giao các giải pháp công nghệ cho cả nước và khu vực Đông Nam Á, bên cạnh các mục tiêu thu hút và phát triển các doanh nghiệp gia công, xuất khẩu phần mềm.

QTSC đang ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ trong quản lý, điều hành nhằm nâng cao năng lực hoạt động, cũng như thu hút đầu tư. QTSC đang mong muốn trở thành mô hình mẫu về đô thị thông minh của cả nước trên cơ sở lợi thế sẵn có của mình.

Quá ít cơ hội tại sân nhà

Mặc dù trong những năm qua, công nghệ phần mềm của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trên thị trường thế giới về gia công xuất khẩu phần mềm, nhưng vẫn chưa tạo được dấu ấn cho những sản phẩm công nghệ “made in Vietnam”.

Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, bản chất của gia công theo tiếng Anh là outsourcing, khái niệm gia công phần mềm không giống những ngành nghề khác mà phải hiểu theo hướng không phải là một thao tác lặp đi lặp lại mà phải dùng đầu óc, chất xám. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa tạo ra được sản phẩm của riêng mình. Thị trường gia công hiện nay còn rất lớn, 15-20 năm nữa vẫn là đất sống của doanh nghiệp Việt Nam .

Nhưng tự thân từng doanh nghiệp cũng ý thức được việc phải xây dựng sản phẩm riêng của mình, nhưng phải có sự trưởng thành thì mới làm được, các doanh nghiệp đang còn học hỏi.

GS.TS Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng điều hành Trường Đại học Hoa Sen cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu làm gia công là chính. Thật ra các doanh nghiệp trong nước cũng có sáng tạo ra phần mềm nhưng chỉ là những sản phẩm như game, chưa phải là sản phẩm phần mềm lớn và sáng giá tại thị trường quốc tế.

“Câu hỏi đặt ra có phải người Việt Nam không có khả năng hay không và CNTT đòi hỏi cơ bản phải hiểu biết về toán, trong khi người Việt Nam rất giỏi toán và rất nhiều người đã thành công ở nước ngoài. Nhưng vì gia công dễ kiếm tiền, trong khi làm một sản phẩm đòi hỏi phải có thời gian dài để phát triển, phải tồn tại được trên thị trường”, ông Thành nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo GS.TS Trương Nguyện Thành, tư duy người làm gia công khác với người làm sản phẩm, công việc đó có sẵn còn làm sản phẩm phải tự thiết kế, phải sửa đi sửa lại, thậm chí bỏ làm lại cho đến khi hoàn thiện. Những công ty lớn ở Việt Nam chủ yếu là công ty gia công vì chưa tìm thấy sức hút bởi quy mô của ngành còn nhỏ.

Còn những công ty nhỏ nhìn thấy tiềm năng nhưng nguồn lực bị hạn chế. Việt Nam là thị trường sử dụng công nghệ thông tin và sản phẩm phần mềm tiềm năng, tức thị trường chưa sẵn sàng.

Đó là những lý do mà hầu hết các phần mềm của Việt Nam đều “hướng ngoại” sang các thị trường nước ngoài như Hoa Kỳ, châu Âu vì không có đất sống ở thị trường trong nước. So với việc sáng tạo ra một sản phẩm và nuôi sống nó, có chỗ đứng thật sự trên thị trường thì việc lập trình từ đơn đặt hàng đơn giản hơn nhiều.

Còn ông Vũ Tường Thụy, giảng viên Trường Đại học Hoa Sen cho rằng, Việt Nam đang trong xu hướng của phong trào khởi nghiệp sáng tạo.

Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp khởi nghiệp tạo ra sản phẩm để bán là chính, và dần dần quay lại bài toán gia công chứ không làm ra sản phẩm riêng của mình lâu dài. Chẳng hạn như ứng dụng game Flappy bird của Nguyễn Hà Đông từng làm nên cơn sốt cách đây vài năm trên thế giới sau đó không thể phát triển được.

Theo ông Vũ Tường Thụy, hiện tại, nhiều phần mềm được sáng tạo bởi các khởi nghiệp còn rất non trẻ của Việt Nam , được ưa chuộng trên thế giới như: Monkey Uniors – phần mềm giáo dục sớm cho trẻ, Design Bold – phần mềm thiết kế dành cho doanh nghiệp...

Vậy, làm sao để những điểm sáng này không bị đơn lẻ mà trở thành ngọn lửa nội lực của ngành công nghiệp phần mềm, nhất là khi chúng ta không chỉ có tiềm năng trong ngành công nghiệp game và phần mềm mà còn đầy triển vọng ở nhiều lĩnh vực khác như kiến trúc, thủ công mỹ nghệ…

Việc này đòi hỏi phải có sự giúp sức của Nhà nước trong việc đưa tiềm năng thị trường CNTT của 100 triệu dân trở thành thị trường khởi sắc. Chẳng hạn như khuyến khích những khía cạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành về y tế, giáo dục, tạo khung pháp lý thanh toán tiền qua mạng, khung pháp lý cho những doanh nghiệp phần mềm hoạt động.../.

Bài 2:Tạo điều kiện cho ngành sáng tạo phần mềm phát triển

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục