Doanh nghiệp rau quả tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại

10:04' - 13/05/2021
BNEWS Việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do đang giúp mở đường ra cho các doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong năm nay.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam –EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) … đang giúp mở đường ra cho các doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong năm nay.

Đặc biệt, Hiệp định UKVFTA hứa hẹn tạo ra động lực mới cho hợp tác kinh tế - thương mại trong thời gian tới. Bởi hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả có mức thuế suất 0%. Nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… sẽ có thêm lợi thế tiếp cận thị trường trong bối cảnh các loại hoa quả từ các quốc gia cạnh tranh như Brazil, Thái Lan, Malaysia… đều chưa có hiệp định thương mại tự do với thị trường này.

Trước xu hướng tăng cường bảo hộ sản xuất trong nước, tự cấp tự túc gia tăng đã tạo ra nhiều rào cản mới như giảm nhập khẩu tiểu ngạch, nâng cao yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc…, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, cần đẩy mạnh liên kết từ sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ, liên kết vùng, địa phương tạo thành chuỗi giá trị bền vững, hiệu quả cao.

Các địa phương, doanh nghiệp cần tập trung cho sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất tốt như: VietGAP, GlobalGAP… trong sản xuất, nâng cao tỷ trọng các sản phẩm hữu cơ trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp để tạo ra khối lượng lớn sản phẩm với chất lượng cao cho chế biến và xuất khẩu.

Các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cần cung cấp thông tin thị trường; hướng dẫn, đào tạo nâng cao nhận thức và thực hành cho người sản xuất, doanh nghiệp để giảm thiểu những trục trặc và rủi ro khi tham gia vào hoạt động sản xuất, nhập khẩu rau quả.

Về sản xuất, theo Cục Trồng trọt, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho các loại rau, quả sinh trưởng phát triển. Tại nhiều địa phương, nông dân đã thực hiện giải pháp rải vụ 5 loại cây ăn quả chính như: thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, sầu riêng khá thuận lợi.

Một số vùng đã hình thành vùng sản xuất quy mô tập trung, áp dụng các giải pháp tiên tiến vào sản xuất, cung cấp sản phẩm chất lượng tốt cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm 2021 đạt 1,35 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2020. Với sự tăng trưởng liên tục trong những tháng gần đây các chuyên gia kỳ vọng nhóm sản phẩm này của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2021 với 64,7% thị phần. Xuất khẩu rau quả sang thị trường này có sự tăng trưởng khá với mức trên 16% so với cùng kỳ năm 2020.

Từ đầu năm 2021, ngành hàng rau quả của Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường tiềm năng lớn khác, như: Ai Cập, Kuwait, Ukraine, Senegal... Đặc biệt, thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh nhất là Ukraine, gấp gần 7 lần. Đây kỳ vọng sẽ là những thị trường giúp ngành hàng rau quả Việt Nam nâng cao giá trị xuất khẩu trong năm 2021 và những năm tiếp theo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục