Doanh nghiệp tăng tốc cuối năm theo cách nào?

09:39' - 18/10/2022
BNEWS Doanh nghiệp tìm kiếm các nhà cung cấp mới, đa dạng hóa nguồn hàng để dành lại thế chủ động trong việc sản xuất, tránh nguy cơ phụ thuộc và tổn thất về lợi nhuận....

Hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2022. Một năm đầy biến động và thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Trong khi không ít doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường thì cũng có khá nhiều doanh nghiệp nỗ lực hết mình, căng sức chống dịch và ổn định sản xuất, nhanh chóng chuyển hướng kinh doanh để thích ứng với tình hình mới. 

Có thể bằng nhiều cách thức khác nhau, đơn vị thì cấp tập trang bị kiến thức, nhanh chóng tổ chức đào tạo lại đội ngũ; tổ chức khác thì tập trung cơ cấu lại bộ máy nhân sự, tăng cường kỹ năng quản trị và thiết kế các kịch bản dự phòng rủi ro. Hay, lại có doanh nghiệp thì tìm kiếm các nhà cung cấp mới, đa dạng hóa nguồn hàng để dành lại thế chủ động trong việc sản xuất, tránh nguy cơ phụ thuộc và tổn thất về lợi nhuận....

Phản ánh tình hình sản xuất trong những tháng cuối năm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Công ty TNHH Trần Gia cho hay, doanh nghiệp đã tập trung vào vụ hàng cuối năm từ hơn 1 tháng trước. Đây là vụ hàng cuối để bù đắp cho những thiếu hụt về năng suất và sản lượng - vốn bị sụt giảm do tác động của đại dịch vừa rồi.

Doanh nghiệp đã phải chuẩn bị mọi nguồn lực về vốn, về con người và về hàng hóa để đẩy nhanh nhất tiến độ và nhịp sản xuất. Bộ phận kinh doanh và phát triển thị trường liên tục được bổ sung người và thiết kế các chương trình khuyến mại hay các chính sách giá ưu đãi để thúc đẩy bán hàng.

Dù biết khả năng cao là sẽ khó đạt các chỉ tiêu, kế hoạch năm, song với triển vọng hiện thời của nền kinh tế, các cân đối vĩ mô đang được Chính phủ và các cấp, ngành nỗ lực duy trì ổn định, ông Tuấn bày tỏ tin tưởng rằng, những quan ngại về tỷ giá, chính sách lãi suất ngân hàng hay kể cả xu hướng tăng giá cao của nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, chất đốt, nguyên liệu... sẽ sớm được điều chỉnh để giảm thiểu tối đa những tác động tới sức khỏe doanh nghiệp như thời kỳ dịch bệnh trước đây.

Không giống Trần Gia, ông Đào Công Lăng, đại diện Công ty cổ phần May Xuất khẩu An Bình cho biết, đơn vị hầu như đã xong kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm 2022 và đang thiết kế, xây dựng kế hoạch cho năm tới. Trước đây, doanh nghiệp gần như ngừng hoạt động do bị "chôn chân" bởi quyết định giãn cách xã hội để phòng chống COVID-19. Nhờ quyết liệt tiêm phòng cho cán bộ công nhân viên và cơ cấu lại đội ngũ lao động nên ngay khi có chỉ đạo của Chính phủ, An Bình đã nhanh chóng bắt nhịp và hòa chung vào dòng sản xuất của toàn nền kinh tế.

Do quyết tâm đầu tư, chỉ trong thời gian ngắn, An Bình đã có sự hồi phục vượt xa mong đợi. Không chỉ giải quyết nhưng đơn hàng nợ đọng, thậm chí An Bình còn mạnh dạn nhận thêm các đơn hàng mới để sản xuất, lấy sản lượng bù đắp chi phí, tạo thêm việc làm và thu nhập cho công nhân. Bởi hơn ai hết, chính lao động tác động là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng  bởi dịch bệnh; bởi thiếu hụt thu nhập thậm chí là mất việc làm... 

Theo ông Lăng, chỉ trong thời gian ngắn, An Bình đã đạt và vượt kết quả kinh doanh vượt chỉ tiêu năm; thậm chí, khai thác thêm được một số thị trường mới và tìm kiếm được nhiều nhà cung cấp nguyên liệu cho sản xuất. Hiện tại, An Bình đang có ý định đầu tư dự án sang 1 lĩnh vực mới nhiều tiềm năng. Đồng thời, mở rộng thêm quy mô nhà xưởng và nâng cấp trang thiết bị.

Bởi theo nhận định của ông Lăng, lúc này dù có nguy nhưng cũng đang có cơ, nếu không kịp thời nắm bắt và tranh thủ thì việc tạo đột phá cho doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ sẽ là điều vô cùng khó khăn và khả năng cao sẽ là chậm nhịp.

Còn tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Trang Minh Đức, Giám đốc Vũ Văn Toàn chia sẻ, doanh nghiệp làm trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo, sản xuất máy nên nguồn nguyên vật liệu phải phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài, nhiều cấu kiện máy, sắt, thép trong nước không đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, việc nhập khẩu không phải dễ dàng trong thời gian qua đã khiến ông thay đổi chiến lược. Hiện nay, doanh nghiệp đang tích trữ nguyên vật liệu để sản xuất cho những tháng cuối năm, thậm chí là cả năm sau.

“Chúng tôi đang có nhu cầu mua số lượng lớn vật liệu sắt thép chuyên dụng và tích trữ dần, phòng tình hình có những biến động hay giá nguyên vật liệu tăng nóng trở lại”, ông Toàn cho biết. Trước mắt, để hoàn thành kế hoạch, doanh nghiệp sẽ cần nỗ lực gấp 200%, thậm chí là cần tăng cường thêm thu nhập để giữ chân lao động. Có như vậy, họ sẽ yên tâm công tác, cống hiến và xác định gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục