Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất “xanh” đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu

15:39' - 27/02/2024
BNEWS Nhiều doanh nghiệp xác định tăng tốc sản xuất xanh đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, cũng như nhu cầu tiêu dung ngày càng cao của thị trường trong nước là giải pháp cấp bách hiện nay.

Mặc dù những tháng đầu năm 2024, thị trường có nhiều tín hiệu tích cực nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn cho rằng cần chuẩn bị sẵn sàng nhiều kịch bản thích nghi với diễn biến kinh tế trong nước và toàn cầu. Trong số đó, nhiều doanh nghiệp xác định tăng tốc sản xuất xanh đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, cũng như nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường trong nước là giải pháp cấp bách hiện nay.

Theo phân tích của bà Lý Thị Cẩm Tú, Chủ tịch Công ty TNHH SX Trường Hưng, Tp. Hồ Chí Minh, với bối cảnh kinh tế khó khăn thì mạnh dạn đầu tư sản xuất và công nghệ hiện đại là bước đi cần thiết để nâng cao giá trị sản phẩm. Chỉ khi có sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu khách hàng thì doanh nghiệp mới có thể tìm cơ hội bứt phá mạnh mẽ hơn, cũng như thể hiện cam kết đầu tư sản xuất những sản phẩm tốt nhất cho thị trường.

Bà Lý Thị Cẩm Tú cho biết thêm, doanh nghiệp vừa chính thức đưa vào hoạt động nhà máy Tonybed Long An, với diện tích 12.000 m2, có mức đầu tư khoảng 5 triệu USD. Nhà máy này, được trang bị dây chuyền sản xuất hiện đại, nhằm nâng cao hiệu suất sản xuất đa dạng sản phẩm.

Với sự đầu tư mạnh tay về công nghệ, nhà máy Tonybed Long An đáp ứng được các yêu cầu phức tạp trong quy trình sản xuất phong phú dòng nệm cao cấp từ nệm Memory Foam, nệm lò xo túi, nệm dầu cọ... cho đến các loại gối foam, gối gòn, ga giường từ vải Cotton, vải Tencel và Modal. Sắp tới đây, Tonybed sẽ chế tạo và tích hợp những thành phần tự nhiên như trà xanh và dầu cọ vào sản phẩm, tối ưu độ bền bỉ, an toàn cho sức khỏe người dùng.

 

Còn một số doanh nghiệp khác ở nhóm lĩnh vực sản xuất kinh doanh chăn, ga, gối, nệm cũng đánh giá, tuy nền kinh tế gặp nhiều khó khăn trong năm, nhưng nhu cầu mua sắm chăn, ga, gối, nệm vẫn tiếp tục tăng trưởng đều đặn cả trên toàn cầu và tại Việt Nam.

Theo số liệu từ Metric (Nền tảng số liệu thương mại điện tử dành cho doanh nghiệp, thương hiệu và nhà bán), doanh thu thị trường chăn, ga, gối, nệm... trực tuyến (online) Việt Nam tăng đáng kể trong những năm gần đây. Còn thống kê số liệu năm 2023, doanh số bán hàng trên những nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki... đã đạt 91,52 triệu USD, tăng 28,57% so với năm trước, cho thấy sự dịch chuyển mạnh mẽ từ kênh mua sắm truyền thống sang kênh thương mại điện tử.

Tại Việt Nam, thị trường nệm có quy mô hơn 1 tỷ USD và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khoảng 5,8% trong giai đoạn 2023-2028 do nhu cầu ngày càng gia tăng của người tiêu dùng. Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tích cực tham gia vào thị trường xuất khẩu chăn ga gối nệm. Riêng thị trường chăn ga gối đệm gia đình trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên khoảng 161,4 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng khoảng 7,5%/năm từ năm 2023 đến năm 2030.

Trong khi đó, ở nhóm lĩnh vực sản xuất kinh doanh xi măng - vật liệu xây dựng, hóa dầu, bao bì, SCG là một trong những Tập đoàn hàng đầu Đông Nam Á, với 27 công ty thành viên hoạt động ở Việt Nam cũng cho thấy sự kiên định đối mặt với thách thức và tăng tốc phát triển các ngành kinh doanh xanh. Điển hình, với ngân sách đầu tư 27,4 nghìn tỷ đồng (1,16 tỷ USD), SCG tăng cường công nghệ xanh, thúc đẩy năng lượng sạch và giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, SCG đã bắt đầu xuất khẩu xi măng carbon thấp sang thị trường Mỹ, chính thức gia nhập thị trường Ả Rập Saudi, kết nối thương mại toàn cầu... SCG cũng đang hướng đến chiến lược chuyển đổi cơ cấu doanh nghiệp phục vụ mục tiêu nâng cao khả năng thích ứng, phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ông Thammasak Sethaudom, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành SCG chia sẻ, năm 2024, SCG đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng toàn diện ở cả thị trường Thái Lan và Đông Nam Á trên tất cả nhóm ngành kinh doanh, đồng thời thị trường Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ dần cải thiện, nhất là tại Indonesia và Việt Nam. Tập đoàn sẽ giới thiệu sáng kiến xi măng carbon thấp, giải pháp nhà ở thông minh, nhựa polymer thân thiện môi trường, giải pháp bao bì bền vững có thể tái sử dụng và tái chế, giải pháp năng lượng sạch toàn diện, polymer chất lượng cao... từ Tổ hợp Hoá dầu Long Sơn.

Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn là tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên của Việt Nam, quá trình vận hành máy móc và chạy thử nghiệm với công suất tối đa dự kiến hoàn thành vào quý I/2024, sẽ góp phần nâng cao vị thế ngành hóa dầu của Việt Nam. Đặc biệt, trên nền tảng kết quả hoạt động kinh doanh vững mạnh và khả năng phục hồi của tập đoàn trước tình hình doanh số bán hàng giảm do ảnh hưởng của nền kinh tế còn biến động, SCG sẽ tập trung thúc đẩy kinh doanh trong năm 2024.

Về phía cơ quan quan lý địa phương, ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh đã và đang không ngừng đẩy mạnh đa dạng giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng; đảm bảo tăng trưởng các chỉ tiêu công nghiệp, thương mại... ngay từ đầu năm 2024. Liên quan đến giải pháp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng trên địa bàn thành phố và mở rộng thị trường xuất khẩu, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục đổi mới hoạt động để đạt được mục tiêu tăng trưởng như gặp gỡ, kết nối Văn phòng đại diện thương nhân, doanh nghiệp, FDI, hiệp hội doanh nhân nước ngoài với hiệp hội doanh nghiệp trong nước...

Dự báo kết quả sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại trên địa bàn, địa diện Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cũng cho hay, sẽ đạt kết quả tích cực; duy trì và tăng trưởng quy mô so với cùng kỳ từ 5% (công nghiệp) và 10% (thương mại) trở lên. Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết doanh nghiệp có đơn hàng đã hoạt động trở lại từ ngay sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024, đặc biệt hai ngành gỗ và dệt may đã có đơn hàng hết tháng 6/2024 và một số doanh nghiệp còn có đơn hàng cho cả năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục