Chủ động thích ứng để gia tăng xuất khẩu sang các thị trường

16:09' - 24/02/2024
BNEWS Kịp thời nắm bắt thông tin, chính sách mới từ các thị trường để điều chỉnh, thích ứng... là "chìa khóa" giúp doanh nghiệp Việt giữ vững thị trường và tận dụng cơ hội để tăng tốc.

Mặc dù đón nhận nhiều tín hiệu vui từ những tháng đầu năm nhưng theo dự báo, tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Cùng đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư không đồng đều cũng như rủi ro gia tăng.

Vì vậy, để tăng trưởng xuất khẩu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2024, việc kịp thời nắm bắt thông tin, chính sách mới từ các thị trường để điều chỉnh, thích ứng; nâng chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm… là "chìa khóa" giúp doanh nghiệp Việt giữ vững thị trường và tận dụng cơ hội để tăng tốc.

Ngay từ những ngày đầu năm 2024, 150 công nhân tại nhà máy công ty TNHH Forimex Thịnh Hoàng (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã hối hả sản xuất nhằm đáp ứng đơn hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật Bản, Canada và Hoa Kỳ.

Hiện tại, công ty đã có đơn hàng đến hết quý II/2024. Đồng thời, nhận gia công thêm hàng nội thất cho thị trường nội địa. Ông Võ Ngọc Tường Linh – Giám đốc Công ty TNHH Forimex Thịnh Hoàng cho biết, đơn hàng hiện đã có nhiều nên để kịp tiến độ giao hàng, công nhân đã tăng ca ngay từ đầu năm.

 

Đại diện Hợp tác xã GAP Cù Lao Giêng cho biết, đầu tháng 1/2024, Hợp tác xã Cù Lao Giêng cũng ký kết với Công ty TNHH Vina T&T để xuất khẩu xoài tượng da xanh sang thị trường Australia và HoaKỳ. Đặc biệt, ngày 19/2 vừa qua hợp tác xã đã ký kết để tiêu thụ sản phẩm xoài sang thị trường Hàn Quốc.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ngoài các mặt hàng như sầu riêng, thanh long, chuối… xoài đã trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn trang ngành rau quả. Việc xuất khẩu lô xoài hạt lép của Hợp tác xã GAP Cù Lao Giêng vào thị trường Hàn Quốc mở ra tiềm năng lớn cho xuất khẩu xoài vào thị trường này. Thế nhưng, Hàn Quốc là thị trường khó tính, đòi hỏi kỹ thuật cao, xoài xuất khẩu sang thị trường này phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe về xử lý nhiệt.

Số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, lũy kế từ ngày 1/1 đến hết ngày 14/2/2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 82,56 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng thời gian năm 2023. Trong số đó, xuất khẩu hàng hóa đạt tổng trị giá gần 43,83 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng thời gian năm 2023 và nhập khẩu hàng hóa đạt tổng trị giá 38,73 tỷ USD, tăng 12,4%. Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến hết ngày 14/2, cán cân thương mại của Việt Nam xuất siêu 5,1 tỷ USD.

Hơn 1.000 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa. Ảnh: Chí Tưởng -TTXVN
Thống kê cũng chỉ rõ, trong thời gian Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (từ ngày 8/2 - 14/2), trên phạm vi toàn quốc có hơn 1.000 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa. Cùng đó là gần 10 nghìn tờ khai xuất nhập khẩu hàng hóa đã được đăng ký tại 116 Chi cục Hải quan với tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước đạt 1,41 tỷ USD. Tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa đạt 0,73 tỷ USD và tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa đạt 0,68 tỷ USD.

Đáng lưu ý, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện là nhóm mặt hàng có trị giá xuất khẩu lớn nhất với 282,8 triệu USD, chiếm 38,7% tổng trị giá xuất khẩu trong dịp Tết; mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt trị giá 263,6 triệu USD, chiếm 36,1%; tiếp theo là nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị đạt 54,4 triệu USD, chiếm 7,5%…

Cũng trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ 59 nước, vùng lãnh thổ; trong đó, hàng hóa nhập khẩu nhiều nhất có xuất xứ từ Hàn Quốc với trị giá gần 239 triệu USD, chiếm 35,2% tổng trị giá nhập khẩu trong dịp Tết; tiếp theo hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc với 196,7 triệu USD (chiếm 29%), Campuchia từ 41,3 triệu USD (chiếm 6%).

Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa khởi sắc, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu khoảng 6% trong năm 2024 thực sự là sức ép rất lớn. Do đó, doanh nghiệp, ngành hàng phải tận dụng mọi cơ hội dù là nhỏ nhất để có được đơn hàng, tăng tốc sản xuất, xuất khẩu, bên cạnh sự chủ động xúc tiến thương mại của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng cần chặt chẽ hơn; kịp thời nắm bắt các vấn đề mới và những thay đổi nhanh chóng từ bên ngoài; phân tích thông tin thị trường. Việc ứng phó với các cú sốc bên ngoài cũng đòi hỏi phải linh hoạt, chủ động hơn nữa.

Chia sẻ với doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Quân, tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU lưu ý, năm 2024, EU thực hiện nhiều quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững như Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) với mặt hàng sắt thép, phân bón; chống phá rừng và có thể ban hành quy định sinh thái trong ngành dệt may…Đồng thời, EU tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra an toàn thực phẩm với nhóm hàng thực phẩm, bao gồm cả hàng nhập khẩu và hàng sản xuất nội khối. Tương tự, Hoa Kỳ cũng có nhiều thay đổi về chính sách thương mại trong năm 2024.

Tương tự, theo ông Đỗ Ngọc Hưng- Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, sau vài năm bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nền kinh tế Hoa Kỳ đang dần ổn định trở lại. Năm 2024, Hoa Kỳ tiến hành bầu cử Tổng thống nên để thu hút cử tri, chính quyền hiện tại có thể sẽ đưa ra nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ ngành sản xuất trong nước, tạo ra rào cản về thương mại đối với các nước xuất khẩu.

Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngành hàng và địa phương cần nắm bắt thông tin, biến động về chính trị, chính sách của Hoa Kỳ có ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó đưa ra cảnh báo và phản ứng kịp thời. Riêng với doanh nghiệp, cần tiếp tục đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu và có hướng tiếp cận bài bản, phù hợp để hàng Việt có thể phát huy được lợi thế cạnh tranh, gia tăng hiện diện tại thị trường xuất khẩu.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, hoạt động xuất, nhập khẩu tiếp tục đối diện nhiều rủi ro khó đoán định, khi sức cầu tại nhiều thị trường lớn vẫn yếu. Hơn nữa, việc phải cạnh tranh về giá, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, các nhà cung ứng Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn xanh hóa và phát triển bền vững khi đưa hàng vào Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.

Theo ông Vũ Bá Phú, chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, vì thế Bộ Công Thương đã nhận thức rõ ba việc cần phải làm để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng, các địa phương thực hiện. Cụ thể, Cục sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền của sự cần thiết chuyển đổi xanh tới cộng đồng doanh nghiệp.

Mặt khác, Cục sẽ đề xuất kiến nghị các chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp ngành hàng, địa phương để đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi của chuyển đổi xanh; hoàn thiện chính sách về chuyển đổi xanh trong thương mại, công nghiệp. Qua đó nhằm khuyến khích các ngành hàng chuyển đổi sản xuất, đáp ứng các yêu cầu; nâng cao hiệu quả thực thi cơ chế chính sách về chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, ngành hàng, địa phương mà Chính phủ, các bộ, ngành đề ra.

Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp tốt nhất những quy định mới, hướng dẫn mới liên quan đến thỏa thuận xanh, kinh tế tuần hoàn… cho các ngành sản xuất, đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp chủ động sáng tạo trong việc phát triển thị trường cho sản phẩm. Mặt khác, phối hợp sát sao với đơn vị thuộc Bộ Công Thương, cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc xây dựng và triển khai xúc tiến thương mại thiết thực, hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác đa dạng thị trường xuất khẩu cũng như nhập khẩu phục vụ phát triển sản xuất…

Cùng đó, Bộ cũng hỗ trợ tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường, thực hiện đồng bộ giải pháp xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường truyền thống, thị trường lân cận còn tiềm năng cũng như thị trường đối tác ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục