Doanh nghiệp thiếu hụt về dòng tiền

08:23' - 20/09/2021
BNEWS Qua khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do dịch chỉ còn dòng tiền giúp duy trì hoạt động ít hơn 1 tháng chiếm khá cao, gần 40%.

Theo khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, có nhiều lý do khiến các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh kể từ khi làn sóng dịch thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4/2021.

35,4% doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời

Giám đốc Văn phòng Ban IV Phạm Thị Ngọc Thủy cho biết, trong số 14.890 doanh nghiệp trả lời tạm thời ngừng hoạt động trong bối cảnh dịch, gần 32,5% doanh nghiệp là diện tự nguyện ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh chờ hết đợt dịch bùng phát, gần 2,5% doanh nghiệp buộc phải đóng cửa do có người bị mắc COVID-19, hơn 6% buộc phải ngừng hoạt động theo yêu cầu khi áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16/16+ của các tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động.

Lý do khiến 35,4% doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời, theo bà Thủy phân tích: Việc thực hiện phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là khi dịch bùng phát, các văn bản chỉ đạo của chính quyền địa phương chỉ cho phép “hàng thiết yếu” được lưu thông qua địa bàn, các chốt chặn, kiểm tra được dựng lên trên khắp cung đường với các điều kiện đối với lái xe, hàng hóa được lưu thông khác nhau, đã tạo ra rất nhiều bất cập trên thực tế vì khái niệm “hàng thiết yếu” các cấp thực thi mỗi nơi hiểu một kiểu.

Ngay cả khi có văn bản chỉ đạo của Chính phủ cho phép hàng hóa được phép lưu thông “trừ hàng cấm”, các địa phương vẫn mỗi nơi đưa ra một quy định, hướng dẫn khác nhau khiến việc lưu thông hàng hóa hết sức khó khăn. Không những thế, còn làm gia tăng chi phí vận chuyển vì thời gian lưu thông tăng gấp nhiều lần, chưa kể hàng loạt chi phí phát sinh để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, bao gồm chi phí xét nghiệm của lái xe. Vấn đề lưu thông nguyên liệu, phụ liệu cho sản xuất, cũng như lưu thông hàng hóa thành phẩm gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp buộc phải đóng cửa do không đáp ứng được các yêu cầu về phòng, chống dịch của địa phương chiếm tới hơn 21%. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp không thể thực hiện các đơn hàng cho các doanh nghiệp khác.

“Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc tại miền Bắc, trước khi dịch bùng phát, nguồn nguyên, phụ liệu cho ngành may được cung cấp chủ yếu bởi các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, hoặc Đồng Nai. Khi dịch bùng phát tại các tỉnh, thành phố phía Nam, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, các doanh nghiệp miền Bắc bị mất nguồn cung ứng nguyên, phụ liệu dẫn tới tình trạng buộc phải đóng cửa tạm thời chờ đối tác khôi phục lại sản xuất hoặc chờ có nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu để thay thế”, bà Thủy dẫn chứng.

Trả lời khảo sát của Ban IV về việc dự kiến đóng cửa tạm thời trong bao lâu, có tới 45% doanh nghiệp cho biết không dự tính được. Có thể thấy, các doanh nghiệp hiện khá bị động, không thể dự tính được các kế hoạch sử dụng lao động, đặt nguyên liệu hay các kế hoạch khác dù trong ngắn hạn.

Tỷ lệ cao thứ hai trong số các lựa chọn trả lời là khoảng 28,5% doanh nghiệp cho biết họ dự tính tạm đóng cửa 1-3 tháng. Số doanh nghiệp lạc quan nhất có thể lượng hóa được thời gian dự kiến đóng cửa chỉ trong vòng 2 tuần là 2,5%, tỷ lệ này cũng tương đương với số doanh nghiệp bi quan nhất với dự kiến đóng cửa hơn 6 tháng. Số doanh nghiệp dự kiến đóng cửa trong vòng 4 tuần hay phải đóng cửa trong vòng 3-6 tháng là hơn 10%.

Khó khăn về dòng tiền

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, dòng tiền được ví như “máu” của doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do dịch chỉ còn dòng tiền giúp duy trì hoạt động ít hơn 1 tháng chiếm khá cao, gần 40% và gấp 2,5 lần (17,7%) so với ở các doanh nghiệp đang duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hộ kinh doanh là đối tượng dễ tổn thương nhất với 45% số hộ trả lời có dòng tiền duy trì hoạt động ít hơn 1 tháng.

Với doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần của Việt Nam, tỷ lệ này là 39,5%; doanh nghiệp nhà nước là 30%; còn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là khoảng 23,5%. Điều này cho thấy, nếu các doanh nghiệp tiếp tục phải đóng cửa dài hơn 1 tháng mà không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, thì khả năng giải thể là rất cao.

Tỷ lệ doanh nghiệp có dòng tiền hiện tại có thể giúp duy trì hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng ở cả hai nhóm doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do dịch và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh đều quanh mức 46%. Như vậy, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do dịch có thể tiếp tục tồn tại hay không phụ thuộc khá nhiều vào khả năng được phép hoạt động trở lại hay không.

Nếu nhóm doanh nghiệp này chỉ có dòng tiền đủ để duy trì hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng mà vẫn tiếp tục ở trong các khu vực đang thực hiện cách ly, giãn cách thì xác suất rơi vào nhóm giải thể là rất cao, vì họ không có nguồn tiền từ bên ngoài bổ sung dưới mọi hình thức.

“Vì thế, thời điểm tháng 9/2021 có thể xem là thời điểm mang tính chất "quyết định" để "cứu nguy" cho hai nhóm doanh nghiệp nêu trên nếu chính quyền có thể hỗ trợ doanh nghiệp vận hành trở lại hoạt động hoặc tự thân các doanh nghiệp tổ chức được sản xuất, kinh doanh”, Ban IV nhận định.

Đây cũng là một bài học cho các doanh nghiệp về trích lập dự phòng, và qua các đợt bùng phát dịch lần trước (mặc dù quy mô, thời gian không dài như đợt dịch này) có thể có những doanh nghiệp đã chuẩn bị các phương án dự phòng tài chính cho doanh nghiệp mình, nên qua kết quả khảo sát vẫn có số doanh nghiệp có dòng tiền đủ để duy trì hoạt động hơn 6 tháng.

Tỷ lệ doanh nghiệp đang duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh có dòng tiền để duy trì hoạt động hơn 6 tháng là 17%, cao hơn gần 6 lần so với tỷ lệ này (3,1%) ở nhóm doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do dịch.

Để giải quyết khó khăn về dòng tiền bị thiếu hụt, đa số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do dịch và đang duy trì sản xuất, kinh doanh chủ động chọn giải pháp giảm chi phí hoạt động như cắt giảm lao động, tiền lương, tổ chức lại sản xuất (chiếm khoảng 64%). 

Nguồn bên ngoài để các doanh nghiệp có thể giải quyết khó khăn về dòng tiền là việc đi vay, trong đó, vay từ ngân hàng thương mại là cách thức phổ biến nhất. Có 30% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tiếp cận nguồn vay từ các ngân hàng thương mại, trong khi đó tỷ lệ này của các doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh là hơn 39%.

 

Nguồn vay thứ hai đó là từ tổ chức tài chính vi mô hoặc cá nhân, với 22% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và 18% doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh tiếp cận nguồn vay này. Bên cạnh đó, hai nhóm doanh nghiệp cũng thực hiện vay gói hỗ trợ của nhà nước để giải quyết khó khăn (chiếm 17%). Song, cũng có 2,4% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trả lời không có cách nào khác để giải quyết khó khăn về dòng tiền, “không thể tiếp cận được gói hỗ trợ của nhà nước”, “không thể vay”...

Khảo sát cũng cho thấy, gần 37% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do dịch và 11% doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh dự kiến doanh thu năm 2021 giảm trên 75%. Có 32% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trả lời doanh thu dự kiến giảm từ 25%-50%. Như vậy, tính chung tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu dự kiến giảm trên 50%, ở các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là hơn 68%. Tỷ lệ này ở các doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh chỉ bằng một nửa, khoảng 34%.

Khó khăn tài chính lớn nhất mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt là trả tiền lương cho người lao động, tiếp đến là trả lãi vay cho ngân hàng, trả tiền thuê đất, kho bãi, nhà xưởng, văn phòng cho khu vực tư nhân, đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, trả nợ gốc cho ngân hàng, thanh toán tiền điện, nước, nhiên liệu đầu vào.

Chi phí cho phòng, chống dịch chiếm tỷ lệ không nhỏ

Giám đốc Văn phòng Ban IV cho biết, so sánh các khó khăn về thanh toán các khoản chi của hai nhóm doanh nghiệp trong cùng một khoản mục chi như chi trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn hay chi trả lãi vay, trả gốc các khoản vay, tiền thuê đất đai, nhà xưởng, văn phòng cho tư nhân thì tỷ lệ của nhóm doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do dịch thường cao hơn một chút hoặc bằng so với tỷ lệ của nhóm doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, đáng chú ý, có sự khác biệt khá lớn khi xem xét khó khăn trong việc thanh toán các khoản chi liên quan đến phòng, chống dịch. Có 30% doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh cho biết, họ gặp khó khăn với các khoản chi liên quan đến xét nghiệm COVID-19 và các khoản chi khác theo yêu cầu chống dịch, trong khi ở doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chỉ dao động quanh 10%.

Kết quả này cũng phản ánh khá khách quan tình hình thực tế mà nhiều hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị thời gian qua. Trong báo cáo “Khuyến nghị phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế sau 15/8/2021” của Tổ tư vấn về chính sách phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh đã đề cập đến gánh nặng tài chính của doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ bao gồm: Chi phí trợ cấp tiền lương cho người lao động (75 - 150 nghìn đồng/ngày) để họ chấp nhận ở lại công ty, nhà máy để tham gia sản xuất; chi phí ăn uống 3 bữa; chi phí xét nghiệm (220 - 250 nghìn đồng/lượt); chi phí tổ chức ở và mua sắm vật dụng sinh hoạt”. Báo cáo khảo sát này đã thống kê ở 5 doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ và cho biết, bình quân phải trả chi phí tăng thêm cho 1 người lao động là 9,33 triệu đồng/tháng.

Báo cáo cũng nhận xét “do gánh nặng tài chính và không đủ nguồn lực để tổ chức về cơ sở vật chất, nên có một tỷ lệ không cao doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ’" và một số doanh nghiệp thực hiện nhưng không đảm bảo đúng các điều kiện, có lỗ hổng nên dịch bị lây lan”./.

>>>Đọc tiếp: Bài 3 - Cắt giảm lao động, tiền lương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục