Doanh nghiệp thủy sản đối mặt với khả năng lợi nhuận sụt giảm

07:53' - 12/06/2023
BNEWS Giới phân tích cho rằng, năm 2023, các doanh nghiệp thủy sản sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.
Thực tế cho thấy, sau nhiều năm kinh doanh có lãi, các doanh nghiệp thủy sản đã phải chịu thua lỗ. Lường trước những thách thức, nhiều doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2023 giảm so với năm ngoái.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ và cơ quan quản lý cũng đã họp bàn và đưa ra giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản.

 
Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - nhà xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam là ví dụ điển hình. Quý I/2023, doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ ròng 97 tỷ đồng, trong khi quý I/2022 lãi ròng 90 tỷ đồng. Doanh nghiệp thua lỗ trong quý I năm nay là do lợi nhuận gộp giảm 75%. Với kết quả này, Minh Phú chính thức ghi nhận lỗ sau gần 7 năm liên tiếp có lãi (lần lỗ gần nhất là quý II/2016).

Năm 2023, nhà sản xuất tôm hàng đầu đặt mục tiêu sản lượng đạt 45.000 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 540 triệu USD. Cụ thể, “vua tôm" Minh Phú đặt mục tiêu doanh thu đạt 12.789,5 tỷ đồng, giảm 22% so với thực hiện năm 2022; lợi nhuận sau thuế đạt 639,3 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ.

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán: VHC) – doanh nghiệp đầu ngành cá tra cũng có doanh thu và lợi nhuận quý I/2023 giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu quý I/2023 của “nữ hoàng cá tra” đạt 2.221 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Vĩnh Hoàn thu về gần 219 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý I/2023, giảm tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhận định sẽ có nhiều khó khăn phải đối diện, năm 2023, Vĩnh Hoàn đặt kế hoạch doanh thu 11.500 tỷ đồng, giảm 13,1% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế 1.000 tỷ đồng, giảm 49,4% so với thực hiện trong năm 2022.

Tiếp đến, Công ty cổ phần Nam Việt (Thủy sản Nam Việt - mã chứng khoán: ANV) – doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thủy sản, ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.155 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của Thủy sản Nam Việt trong quý I/2023 chỉ đạt 92,4 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2023, Thủy sản Nam Việt đặt kế hoạch tổng doanh thu 5.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng. Như vậy, doanh thu kế hoạch năm 2023 của công ty tăng 6% so với thực hiện năm 2022, nhưng kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm 35%.

Thực tế, doanh nghiệp thủy sản có kết quả kinh doanh tiêu cực cũng là điều dễ hiểu do mức tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu chính suy giảm nghiêm trọng.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong 5 tháng đầu năm 2023, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính có giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm tới 28% so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều mặt hàng thủy sản giảm sâu như: xuất khẩu cá tra chỉ đạt 690 triệu USD, giảm 40,7%; xuất khẩu tôm đạt 1,22 tỷ USD, giảm 34,4%...

Theo chuyên gia phân tích Nguyễn Thị Thanh Hằng, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), giá trị xuất khẩu các mặt hàng thủy sản chủ lực giảm mạnh là do nhu cầu thị trường chính bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát cao, suy thoái kinh tế khiến cả lượng xuất khẩu và giá bán bình quân đều giảm.

Năm 2022 được đánh giá là năm thành công rực rỡ của ngành thuỷ sản với tổng doanh thu và lợi nhuận ròng của các công ty thủy sản niêm yết tăng lần lượt là 29% và 86% nhờ nhu cầu thị trường Mỹ bật tăng sau đại dịch.

Nhưng bước sang năm 2023, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chuyển biến tiêu cực. Theo ước tính của VNDIRECR, kết quả kinh doanh quý I/2023 của các công ty thủy sản niêm yết sụt giảm đáng kể, với doanh thu của các công ty xuất khẩu thủy sản giảm 32% so với cùng kỳ năm 2022.

Biên lợi nhuận gộp của các công ty hầu hết đều giảm, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khi giá bán cá trung bình giảm mạnh 12% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp thủy sản niêm yết ghi nhận mức giảm 74% so với cùng kỳ năm 2022.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra có kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh do mức nền cao trong quý I/2022 khi nhu cầu của thị trường Mỹ tăng mạnh, cùng với việc các nhà nhập khẩu tăng cường đặt hàng để bù đắp lượng hàng tồn kho thiếu hụt.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn hay Công ty Cổ phần Nam Việt (mã chứng khoán: ANV) cho biết, cá tra dù được coi là mặt hàng thực phẩm hợp túi tiền người tiêu dùng, nhưng cũng không tránh khỏi tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế và lạm phát cao khiến sức mua yếu đi.

Trong khi đó, chi phí đầu vào sản xuất như cá nguyên liệu hay thức ăn cho cá đều giảm nhẹ hơn nhiều so với sự sụt giảm của giá bán bình quân, cùng với chi phí lãi vay trong môi trường lãi suất cao đã “bào mòn” lợi nhuận của các công ty.

Do nhu cầu yếu từ các thị trường xuất khẩu chính và chi phí sản xuất ở mức cao, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản niêm yết trong ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp cá tra đã đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng hơn so với năm 2022.

Hầu hết các doanh nghiệp đều đặt kế hoạch doanh thu 2023 lớn hơn, hoặc bằng doanh thu năm 2022, nhưng lợi nhuận giảm đáng kể trong năm 2023. Điều này cho thấy các doanh nghiệp nhận định lợi nhuận gộp sẽ giảm, dù giá bán bình quân của sản phẩm có thể duy trì ở mức cao do lạm phát.

Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm có phần lạc quan hơn về kết quả kinh doanh năm 2023 khi kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận đều tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với những thách thức trong năm 2023, chuyên gia phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), bà Nguyễn Thị Thanh Hằng cho rằng, kế hoạch này của các doanh nghiệp là khá tham vọng.

“Với nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính vẫn đang bị ảnh hưởng, chúng tôi cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng âm trong năm 2023 khi biên lợi nhuận gộp giảm và mức nền cao của năm 2022”, bà Hằng nói.

Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu thủy sản giảm vì đây là mặt hàng chịu tác động rất lớn từ nhu cầu thị trường thế giới.

Xuất khẩu thủy sản giảm do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển. Các chính sách thắt chặt tiền tệ, nhất là ở các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong ký kết và thực hiện các đơn hàng.

Nhiều quốc gia thực thi chính sách tăng cường bảo hộ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung khiến việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản; trong đó có thủy sản của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, để đảm bảo mục tiêu kế hoạch năm 2023 về thủy sản, ngành nông nghiệp sẽ kịp thời chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản trước diễn biến của thời tiết, nhu cầu của thị trường. Đồng thời, tiếp tục phối hợp các địa phương triển khai nghiêm các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp.

Tất cả các khâu từ giống, quy trình canh tác, chăm sóc, thú y phòng bệnh đến sơ chế, đóng gói… đều phải thông suốt nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt, vượt qua khó khăn trước mắt và lâu dài để Việt Nam có nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Hồi trung tuần tháng 4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản tiếp tục đối mặt với những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng thách thức nhiều hơn.

Thủ tướng yêu cầu các ngành chức năng tập trung gỡ khó cho doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách liên quan đến hoàn thuế VAT; thúc đẩy xúc tiến thương mại, đặc biệt là các thị trường lớn, thị trường mới nổi. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực thi pháp luật, đảm bảo thực hiện hiệu quả việc truy xuất nguồn gốc thủy sản; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản liên quan đến quy chuẩn về nước thải chế biến thủy sản và nước thải ao nuôi thủy sản…./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục