Doanh nghiệp thủy sản "kêu" nhiều về thủ tục hành chính

16:15' - 18/07/2016
BNEWS Việc bắt buộc dán nhãn phụ bằng tiếng Việt trên bao bì nguyên liệu nhập khẩu dùng đển sản xuất xuất khẩu là không cần thiết, gây tốn kém, lãng phí cho doanh nghiệp
Tồn tại nhiều thủ tục hành chính gây khó cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Ngày 18/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến từ doanh nghiệp thủy sản góp ý cho cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, ghi nhãn, công bố hợp chuẩn, hợp quy đối với hàng nhập khẩu.

Bà Đỗ Thái Hà, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, Chính phủ hiện đang tập trung cải cách và xây dựng thể chế theo hướng hội nhập, minh bạch và trách nhiệm, với chủ trương chuyển sang mục tiêu phục vụ doanh nghiệp thay vì quản lý như trước kia.

Điều đó được thể hiện qua Nghị quyết 19/2016/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển đến năm 2020.

Do đó, để xây dựng được những văn bản, thể chế đúng theo tinh thần trên đây, cần có những đánh giá tác động chính sách toàn diện, đầy đủ và những ý kiến đóng góp từ thực tiễn khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Bà Trần Hoàng Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP cho biết, tổng hợp kiến nghị từ các doanh nghiệp thủy sản về lĩnh vực ghi nhãn, công bố hợp chuẩn, hợp quy đối với các nguyên liệu, sản phẩm nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu cho thấy, việc bắt buộc dán nhãn phụ bằng tiếng Việt trên bao bì nguyên liệu nhập khẩu là không cần thiết, gây tốn kém, lãng phí cho doanh nghiệp.

Mặt khác, quy định có “số giấy tiếp nhận công bố hợp quy hoặc xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” chỉ phù hợp khi doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm, nguyên liệu hoặc phụ gia thực phẩm để tiêu thụ trong nước. Còn việc nhập khẩu những mặt hàng này để sản xuất sản phẩm xuất khẩu hoặc làm nguyên liệu sản xuất tiếp thì không phù hợp và gây lãng phí lớn cho chi phí xã hội.

Tương tự, bà Lê Thị Trang, đại diện Công ty cổ phần thực phẩm GN (tỉnh Long An) cho biết, để hoàn thành thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, nếu suôn sẻ, doanh nghiệp phải mất đến 1 tháng, còn nếu phải bổ sung giấy tờ, thậm chí mất đến 3 tháng mới hoàn thành.

Việc mất thời gian và gây khó hiểu với khách hàng đã khiến khách hàng hiểu lầm doanh nghiệp hoặc gây phiền hà dẫn đến mất khách hàng, chưa kể đến chi phí lưu kho, lưu bãi, sản phẩm giảm chất lượng.

Phản ánh về phí kiểm tra lô hàng gia vị nhập khẩu quá cao, bà Ngô Thị Hồng Thắm, đại diện Công ty TNHH Hải Nam (tỉnh Bình Thuận), cho biết, theo quy định hiện nay, các phòng kiểm nghiệm trong hệ thống Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) sẽ tính phí các lô hàng gia vị nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu, hay gia vị cần thiết cho chế biến.

Nếu trước đây, phí kiểm nghiệm là 3,9 triệu đồng/lô hàng thì nay đã tăng gấp đôi, với mức hơn 8,1 triệu đồng/lô hàng. Mức phí này tăng lên quá cao và không phù hợp với thực tế, làm tăng chi phí lớn cho doanh nghiệp, trong khi hiện nay các phòng kiểm nghiệm bên ngoài đều thực hiện với mức phí thấp hơn nhiều.

Theo nhiều doanh nghiệp, tỷ lệ lấy mẫu với tần suất cao như hiện nay không phù hợp, đánh đồng “thẩm tra” với “giám sát”. Việc lấy mẫu theo lô sản xuất thay vì lô xuất khẩu đã đưa tỷ lệ lấy mẫu lên rất cao, từ 10% đến 25%. Trong khi đó, phí phân tích, kiểm nghiệm lại do doanh nghiệp chi trả, gây tốn kém cho doanh nghiệp, trái với quy định tại điều 48 Luật An toàn thực phẩm.

Cũng tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp thủy sản đã kiến nghị Bộ Y tế chủ trì xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 89/2006/NĐ-CP nhằm đảm bảo cho nguyên liệu, thực phẩm nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu và nhập kinh doanh để sản xuất tiếp hàng xuất khẩu không phải thực hiện ghi nhãn phụ.

Đồng thời sửa đổi, bổ sung Nghị định 38/2012/NĐ-CP để các mặt hàng trên không phải thực hiện thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, hoặc xin giấy phép để giảm thiểu giấy tờ, thủ tục phiền hà cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong việc sản xuất xuất khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục