Doanh nghiệp và FTA - Bài 1: Thu hẹp khó khăn, mở rộng lợi ích

07:06' - 17/06/2019
BNEWS Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do, cùng quá trình 12 năm kể từ khi trở thành thành viên chính thức của WTO, diện mạo kinh tế Việt Nam có sự thay đổi.
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt vẫn còn yếu. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Được đánh giá là nền kinh tế có độ mở lớn với thế giới, Việt Nam đang tiệm cận gần hơn tới các chuỗi giá trị toàn cầu. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do, cùng quá trình trải qua 12 năm kể từ khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), diện mạo kinh tế Việt Nam có sự thay đổi; trong đó có sự đóng góp mạnh mẽ của lực lượng doanh nghiệp.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, nếu được tạo lập nền tảng tốt, có đầy đủ các thông tin, kiến thức về hội nhập và sự hỗ trợ tích cực của hệ thống pháp luật kinh doanh ổn định, minh bạch và có tính thúc đẩy thì chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ có những bước tiến xa hơn.

TTXVN xin giới thiệu loạt bài viết xung quanh các vấn đề này.

Bài 1: Thu hẹp khó khăn, mở rộng lợi ích

Làn sóng hội nhập đã đưa Việt Nam tiệm cận gần hơn tới các chuỗi giá trị toàn cầu và đem lại nhiều lợi ích kinh tế hơn bao giờ hết. Đó là điều đáng ghi nhận và tự hào.

Tuy nhiên, chúng ta cũng vấp phải áp lực từ những biến động của nền kinh tế thế giới như ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp xoay quanh từ các xung đột thương mại giữa các nước, sự thay đổi chính sách kinh tế, chính trị hay các rào cản thương mại...

Lợi thế và thách thức đan xen

Bình luận về lợi thế khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, tham gia sân chơi chung của toàn cầu, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác không chỉ được hưởng lợi về cam kết giảm, miễn thuế nhập khẩu nhiều sản phẩm hàng hóa; các cam kết về dịch vụ… mà còn nhận được tác động tích cực từ áp lực cải thiện thể chế, đổi mới hệ thống pháp luật hiện hành và thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững. Điều đó phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn khách quan và cũng là xu hướng chung trên toàn cầu.

Là người luôn theo sát các hoạt động pháp lý của doanh nghiệp trên thương trường, TS. Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, được loại bỏ thuế quan theo các FTA đã mang lại lợi thế hơn cho doanh nghiệp trong sản xuất và xuất khẩu; đồng thời, thu hút được nhiều nguồn vốn, công nghệ và trình độ quản lý của các đối tác đầu tư đến từ các nước đã có FTA với Việt Nam.

"Song cơ bản nhất là môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã trở nên thông thoáng và an toàn hơn, với hàng loạt văn bản chính sách, pháp luật quan trọng về đầu tư, kinh doanh được xây dựng và sửa đổi cũng như chính sách để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường được đưa ra; cải cách thủ tục hành chính được triển khai trên diện rộng. Đồng thời, thấy rõ sự tham gia ít bị động hơn của cộng đồng doanh nghiệp vào chính sách thương mại quốc tế", ông Huỳnh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vì sao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế và tính liên kết giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn rất lỏng lẻo? Và tại sao vai trò của các doanh nghiệp Việt, sản phẩm Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu còn rất ít ỏi và mờ nhạt?

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho việc doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại. Theo nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vấn đề nhận thức, rào cản về trình độ và công nghệ cùng năng lực hạn chế, không đáp ứng đủ các điều kiện về quy tắc xuất xứ… khiến nhiều doanh nghiệp Việt khó với tới những quyền lợi được giảm và miễn thuế đối với hàng xuất khẩu.

Thêm vào đó, thủ tục và trình tự cấp C/O để được hưởng ưu đãi hiện còn rất phức tạp khiến họ băn khoăn trước bài toán giữa chi phí bỏ ra và lợi ích thu được từ việc giảm thuế.

Đề cập vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) chỉ ra, ngoài việc chưa tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại, nhiều ngành hàng sản xuất của Việt Nam còn đối mặt với việc xuất khẩu có tăng nhưng giá trị gia tăng đem lại không cao, chủ yếu vẫn là cung ứng nguyên liệu thô và hàng gia công.

Trong khi đó, phải chịu sức ép cạnh tranh từ chính các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vì tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này ngày càng tăng cao. Thêm vào đó là sức ép cạnh tranh khốc liệt từ hàng hóa nước ngoài ngay tại chính thị trường nội địa. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa hầu như chưa có sự chuẩn bị nên thường chỉ tự điều chỉnh để thích ứng thay vì tận dụng cơ hội.

Cùng với những khó khăn đó lại xuất hiện thêm nhiều rào cản khác ở thị trường các nước có FTA với Việt Nam như hàng rào kiểm dịch biên giới hay các biện pháp phòng vệ thương mại, ông Tuấn nêu thêm.
Từ thực tiễn của ngành nhựa, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch HĐQT Nhựa Rạng Đông kiêm Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, ngành nhựa có các sản phẩm liên quan đến áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tại thị trường. Thêm nữa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nhựa Việt Nam đang gặp khó khăn khi cạnh tranh về giá với hàng hóa Trung Quốc.

Trước diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nguy cơ sẽ có hàng trăm doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam sẽ tạm ngừng sản xuất và hàng nghìn công nhân sẽ mất việc do hàng hóa Trung Quốc "phá giá" hay có ý đồ lắp ráp sản phẩm và dán nhãn "made in Vietnam" để né tránh thuế.

Đó là những thách thức không hề nhỏ mà đa phần các doanh nghiệp ngành nhựa trong nước đang phải đối diện nên nếu thiếu sự hỗ trợ và tạo điều kiện kinh doanh của các cơ quan hữu quan thì việc tồn tại còn khó chứ chưa nói tới việc tự vươn lên nắm lấy cơ hội phát triển trong bối cảnh hội nhập.

Ngành hàng bán lẻ cũng không ngoại lệ, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, các cam kết về thuế quan, thương mại điện tử và mở cửa viễn thông hay cam kết về hải quan và tạo thuận lợi thương mại, mở cửa dịch vụ vận tải... là những lợi thế thấy rõ khi Việt Nam tham gia các FTA với cộng đồng quốc tế. Song cũng có những bất cập trong lưu thông hàng hóa từ nhà sản xuất nội địa đến nhà bán lẻ, hay thực trạng thiếu lao động, khó khăn về mặt bằng kinh doanh,  vốn... khiến các doanh nghiệp ngành bán lẻ Việt Nam thường có xu hướng yếu thế hơn trước sự xâm nhập của các nhà bán lẻ ngoại.

Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có thể khiến cho thị trường bán lẻ Việt Nam trở nên sôi động và kích thích tiêu dùng. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt học hỏi về kỹ năng quản trị. Song, bà Loan tỏ ý quan ngại về sức ép cạnh tranh của các nhà đầu tư nước ngoài, vốn có năng lực tốt hơn trên mọi bình diện sẽ thu hút hết nguồn nhân lực và khách hàng của các doanh nghiệp nội.

Trong bối cảnh hội nhập, đa phần các doanh nghiệp trong nước thường yếu về nội lực và thiếu về trình độ nên việc tận dụng lợi ích từ ưu đãi thuế hay dành được các chính sách hỗ trợ là không dễ dàng, bà Loan phân tích.

Doanh nghiệp kỳ vọng

Qua quá trình khảo sát và nắm bắt yêu cầu từ cộng đồng doanh nghiệp, bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho hay, các doanh nghiệp bày tỏ sự mong mỏi được tiếp cận thông tin đàm phán của các FTA sắp ký kết; được hướng dẫn để xác định và tự đánh giá được những tác động đối với doanh nghiệp.

Cơ bản nhất, doanh nghiệp muốn được tham vấn thực chất và thường xuyên trước mọi thay đổi về các chính sách đầu tư, kinh doanh có liên quan.

Với những FTA đã có, đa phần doanh nghiệp mong đợi được cung cấp các thông tin chính xác và đầy đủ để có thể hiểu một cách toàn diện về các FTA, được hướng dẫn cách thức thực tế để tận dụng các cơ hội; đồng thời, được tư vấn về các FTA bất cứ khi nào cần...

Đại biểu Trần Tất Thế, Đoàn Hà Nam. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Đại diện tâm tư của đa phần doanh nghiệp nói chung và hầu hết các doanh nghiệp ngành bán lẻ nói riêng, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển thuận lợi.

Đó là Chính phủ tạo điều kiện để hình thành các trung tâm kết nối các doanh nghiệp bán lẻ và nhà sản xuất; khuyến khích cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa; cải cách cơ chế hành chính về thuế đối với các doanh nghiệp nhỏ, lẻ. Cùng đó, Chính phủ khuyến khích đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực thi chặt chẽ các cam kết mở cửa thị trường...  

Đánh giá về việc tạo thuận lợi môi trường kinh doanh, đại biểu Quốc hội Trần Tất Thế (đoàn Hà Nam) cho rằng, trong những năm qua, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt chỉ đạo cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp, với khoảng 30% điều kiện kinh doanh được cắt bỏ và sửa đổi.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tổ chức quốc tế thì kết quả cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam vẫn còn rất chậm và chưa đi vào thực tế.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ quyết liệt hơn nữa vấn đề này; trong đó cần chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn liền với áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan nhằm tạo thông thoáng cho doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu hàng hóa.

Ở góc độ doanh nghiệp xuất khẩu, ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng nhìn nhận, khi thực thi các FTA, các thị trường nhập khẩu có các tiêu chí cao về kỹ thuật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhập khẩu. Vì vậy, ban thân người sản xuất cần phải nỗ lực rất nhiều để tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn mới nâng được thế cạnh tranh với sản phẩm cùng loại tại thị trường thành viên các FTA.

Đó quả thực là những nguyện vọng chính đáng và rất thiết thực. Bởi hơn ai hết, chính doanh nghiệp biết mình cần gì, thiếu gì để có thể bù đắp cho những hạn chế, lỗ hổng về nhận thức, trình độ, công nghệ và cả nguồn nhân lực..., những yếu tố mềm và cứng để tạo nền tảng tốt, đủ khả năng nắm bắt cơ hội và tận dụng tốt nhất những ưu đãi, lợi thế mang lại từ các FTA./.

>>> Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng của các doanh nghiệp Italy

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục