Doanh nghiệp vận tải thế nào khi không được vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn?

11:25' - 03/04/2024
BNEWS Việc đẩy các xe tải, xe đầu kéo sang Quốc lộ 1A mà không được vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn như trước là thiệt hại cho doanh nghiệp vận tải.
Xe ô tô tải từ 6 trục trở lên, xe đầu kéo, xe khách trên 30 chỗ, xe giường nằm sẽ được phân luồng lưu thông sang Quốc lộ 1 thay vì chạy vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn từ ngày mai 4/4. Theo các doanh nghiệp, việc này sẽ làm tăng chi phí vận tải cũng như thời gian vận chuyển khi phải thay đổi cung đường. 

 
Cục Đường bộ Việt Nam vừa đề nghị Ban Quản lý Dự án Đường Hồ Chí Minh khẩn trương cắm biển báo trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn điều tiết xe ô tô tải từ 6 trục trở lên, xe đầu kéo, xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm phân luồng sang Quốc lộ 1A hoặc các tuyến khác phù hợp, cấm các phương tiện này lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Theo bà Vũ Tuyết Hạnh, đại diện Công ty Vận tải Cường Thắng - chuyên vận tải hàng hóa Bắc Nam cho hay, việc đẩy các xe tải, xe đầu kéo sang Quốc lộ 1A mà không được vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn như trước là thiệt hại cho doanh nghiệp vận tải. Chạy sang Quốc lộ 1A sẽ tốn thời gian hơn, tốn xăng dầu, phí qua trạm hơn so với lưu thông trên cao tốc, chưa kể trên tuyến Quốc lộ 1A, lượng xe máy, người dân đi lại đông, nguy cơ mất an toàn từ đó cũng tăng cao.

“Theo đánh giá sơ bộ của chúng tôi, việc lái xe phải đi sang Quốc lộ 1 sẽ tăng chi phí xăng dầu, phí qua trạm, làm tăng tổng chi phí của doanh nghiệp từ 5 - 7% so với trước đây”, bà Hạnh nói.

Trao đổi với phóng viên, lái xe tải N.H.Tuấn cho hay, với việc phân luồng như hiện nay, anh em lái xe sẽ phải mất thêm từ 30 phút đến 1 tiếng tùy theo mật độ giao thông trên Quốc lộ 1A. Chưa kể trên tuyến đường này cũng không được an toàn như chạy trên cao tốc, vì lượng giao thông dày, hỗn hợp xe máy và có nhiều điểm trường học, bệnh viện trên tuyến.

“Việc xe tải chạy trên tuyến là tác nhân gây tai nạn như vừa qua là đánh giá chưa thực sự đúng. Bởi, mọi việc xảy ra là do ý thức của người lái xe, không thể đổ cho vì xe tải chạy chậm hơn nên các xe khác buộc phải vượt ẩu”, anh N.H.Tuấn nói.

Ông Tô Văn Hiệp, đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc phân luồng chắc chắn sẽ tạo thêm gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp vận tải, bởi cao tốc Cam Lộ - La Sơn là con đường ngắn và thuận lợi nhất với các doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Các doanh nghiệp lớn khi làm vận tải thường đã ký hợp đồng với đối tác để vận chuyển dài hạn với mức chi phí được tính toán từ đầu năm. Thay đổi như hiện nay sẽ làm đảo lộn các chi phí trong hợp đồng đã ký, doanh nghiệp chịu nhiều thiệt hại.

Các doanh nghiệp cho rằng, đánh giá nguyên nhân tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn là do các xe tải, xe container… là chưa đúng. Có thể việc phân luồng thực hiện trong ngắn hạn, nhưng cần sớm hoàn thiện nâng cấp cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên chuẩn 4 làn xe và có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải vì phải chịu thiệt do bị cấm vào cao tốc.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, cổ đông của Công ty Vận tải hàng hóa Hà Nội - Đà Nẵng, các cơ quan chức năng cần có giải pháp để xử lý thật nghiêm và nặng với những lái xe vi phạm trên cao tốc. Tai nạn xảy ra là do ý thức của những lái xe này, chạy ẩu, vượt ẩu… chứ không thể đổ tại do lượng xe lớn, xe chạy chậm. Nếu xe chạy sai tốc độ, thấp hơn hoặc cao hơn tốc độ cho phép đều phải bị phạt, sẽ không xảy ra tình trạng ùn ứ, nôn nóng vượt và gây tai nạn.

Mục tiêu của cao tốc Cam Lộ - La Sơn nhằm giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1. Nhưng hiện các xe tải lớn, xe khách trên 30 chỗ, xe đầu kéo được phân luồng trở lại Quốc lộ 1, nhiều doanh nghiệp, lái xe đánh giá là bất hợp lý.

Trước đó, 2 địa phương Quảng Trị và Thừa Thiên Huế cũng đã có ý kiến phản đối với phương án phân luồng của Cục Đường bộ Việt Nam đưa ra.

Theo đó, Ban An toàn Giao thông tỉnh Quảng Trị cho rằng, cần có phương án phân luồng giao thông theo thời gian phù hợp. Khi phân luồng giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn thì không phân luồng các phương tiện vào Đường tỉnh 585C, vì mặt đường tuyến này nhỏ, không có điện chiếu sáng, không bảo đảm an toàn giao thông.

Trước đây, xe tải lớn, xe container đi vào đã làm hư hỏng mặt đường, tạo thành những hố sâu, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Đồng thời, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông chết người, thiệt hại tài sản của nhân dân, cử tri tỉnh Quảng Trị bức xúc và đã nhiều lần phản ánh với các cấp quản lý.

Phía tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị, việc điều tiết phân luồng giao thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn cần phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Các đơn vị chức năng giao thông nên rà soát, bổ sung hệ thống báo hiệu giao thông trên cao tốc. Cùng đó, tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các lái xe vi phạm, tập trung vào các lỗi quá tốc độ, vượt ẩu, vượt sai quy định, đi sai làn…

Ban An toàn Giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho rằng, tuyến cao tốc giúp tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1 đi qua tỉnh giảm tỷ lệ, số vụ tai nạn giao thông. Ngoài ra, trên tuyến Quốc lộ 1 qua tỉnh có hàng trăm nhánh đấu nối, nhiều bệnh viện, chợ và thị trấn dân cư; làn xe trên Quốc lộ 1 hỗn hợp gồm cả người đi bộ, xe thô sơ. Giờ cao điểm, người và phương tiện tham gia giao thông lớn, trong khi hệ thống tuyến Quốc lộ 1 qua tỉnh đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, trước mắt cần tăng cường tuyên truyền và xử phạt nặng với lái xe vi phạm an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn; cắm biển báo hiệu trên tuyến. Về lâu dài, các cơ quan chức năng, Chính phủ sớm bố trí vốn để đầu tư nâng cấp cao tốc Cam Lộ - La Sơn nói riêng và nhiều tuyến cao tốc 2 làn (đầu tư phân kỳ) lên thành 4 làn để đảm bảo an toàn, lưu thông phương tiện.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục