Doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội kinh doanh tại Pháp

11:52' - 15/09/2015
BNEWS Ngày 14/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Paris, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức buổi thảo luận "Cách thức kinh doanh tại Pháp và làm ăn với người Pháp".

Buổi thảo luận đã diễn ra rất sôi nổi và chất lượng với các chủ đề lớn là: Văn hóa kinh doanh tại Pháp, các vấn đề pháp lý, cách tiếp cận thị trường, hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại và những triển vọng sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực.

Ngài Matthias Fekl, Quốc vụ khanh phụ trách Ngoại thương, Xúc tiến du lịch và người Pháp ở nước ngoài của Cộng hòa Pháp phát biểu tại cuộc đối thoại tại Việt Nam hồi tháng 4/2015. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, nhấn mạnh 3 vấn đề đối với các doanh nghiệp Việt Nam:

Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam và Pháp có thể hợp tác khai thác các cơ hội tiếp cận thị trường và cơ hội đầu tư - kinh doanh do Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU mang lại mà không nhất thiết phải cạnh tranh đối đầu trực tiếp.

Mỗi bên sẽ không phải dàn trải các nguồn lực khan hiếm của mình để sản xuất nhiều loại sản phẩm mà sẽ tập trung sản xuất các loại sản phẩm có lợi thể cạnh tranh nhất, có chất lượng tốt hơn và giá thành thấp hơn các sản phẩm tương tự trên thị trường thế giới.

Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam và Pháp có thể và cần phải tránh những lỗi văn hóa hay văn phong khi tiếp xúc, giao dịch với nhau để không vô tình phá hỏng các cơ hội đầu tư - kinh doanh thực tế.

Ban giám đốc cần phải có giải pháp về quản lý để hạn chế tác động không mong muốn của công nghệ thông tin trong việc xây dựng tính chuyên nghiệp - kỷ luật của nhân viên và bảo vệ hình ảnh doanh nghiệp.

Thứ ba, doanh nghiệp Việt Nam nên tham gia nhiều hơn các hội chợ, triển lãm chuyên ngành hàng đầu thế giới tổ chức tại Pháp như hội chợ may mặc, hội chợ thực phẩm và đồ uống, hội chợ đồ trang trí nội thất, triển lãm công nghiệp hỗ trợ, triển lãm máy móc thiết bị nông nghiệp,… để xây dựng quan hệ đối tác, chuẩn bị cho chiến lược đón đầu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU.

Phần trình bày bằng tiếng Việt rất ấn tượng của ông Jean Philippe Eglinger, người sáng lập và hiện là Tổng giám đốc công ty "Việt Pháp Stratégies", đã cung cấp cho các đại biểu Việt Nam những thông tin hết sức cần thiết và hữu ích về văn hóa kinh doanh tại Pháp.

Qua đó, các doanh nhân có thể thấy được đặc trưng của người Pháp, "hình ảnh" một công ty Pháp, các vùng và "khu cạnh tranh" ở Pháp… từ đó có những giá trị tham chiếu cho việc thiết lập, hoạch định chiến lược làm ăn, kinh doanh tại Pháp.

Tiến sỹ Iana Dreyer, Tổng biên tập tạp chí mạng www.borderlex.eu , trình bày chủ đề về triển vọng khi EVFTA có hiệu lực. Theo bà Iana, cả EU và Việt Nam đều có những cơ hội rất tốt khi EVFTA có hiệu lực bởi hai bên đều có những "tham vọng" rất lớn khi ký EVFTA và cam kết dành cho nhau những ưu đãi về thuế quan ở mức tối đa.

Với EVFTA, Việt Nam không chỉ được thuận lợi khi phát triển quan hệ thương mại với EU mà còn được hưởng những ưu đãi khi quan hệ làm ăn với các đối tác khác mà đã ký hiệp định thương mại tư do với EU. EU không những rất coi trọng quan hệ thương mại với Việt Nam thông qua EVFTA mà còn xác định Việt Nam như là "hòn đá tảng" để từ đó phát triển quan hệ với khu vực Đông Nam Á.

Câu lạc bộ doanh nhân Việt Nam-Campuchia-Lào-Pháp (VCL-France Business Club) lại có tham luận rất hay về các khía cạnh pháp lý trong việc thành lập công ty cũng như làm ăn buôn bán tại Pháp qua phần trình bày của luật sư Pascal Le Dai.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Sinh, phụ trách hợp tác quốc tế của VCL-France Business Club cũng nêu bật những hoạt động của câu lạc bộ doanh nhân với gần 2.000 thành viên đến từ 42 nước trong đó phần đông là các chuyên gia, doanh nhân, nhân sự cấp trung hoặc cấp cao. VCL-France Business Club sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ VCCI cũng như các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam làm ăn, kinh doanh với Pháp và tại Pháp.

Ông Johann Sponar, Tổng giám đốc tập đoàn SALVEO, lại chia sẻ những kinh nghiệm trong việc thiết lập, điều hành và mở rộng hoạt động của một công ty tại Pháp. Ông Sponar cho rằng các doanh nhân có thể thành lập công ty tại Pháp với số vốn chỉ 1 euro và 1 nhân sự.

Các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam có thể bắt đầu tiến hành làm ăn tại Pháp ở quy mô và mức độ vừa phải, phù hợp với tình hình vốn, khả năng quản trị doanh nghiệp và để tránh bị những thiệt hại không đáng có trong thời gian đầu. Qua quá trình hoạt động sẽ điều chỉnh và phát triển thêm sau.

Bà Irmgard François, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris, phát biểu chào mừng các doanh nhân Pháp tới Paris và hy vọng các doanh nhân Việt Nam sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại Paris trong tương lai.

Với kinh nghiệm nhiều năm hợp tác với Cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và VCCI, Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris sẽ hết sức giúp đỡ các doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam trong làm ăn, buôn bán và hoạt động tại Paris.

Trong phần thảo luận và hỏi đáp, các đối tác Pháp đã trả lời các câu hỏi liên quan tới việc thành lập và làm sao để kinh doanh tốt tại Pháp mà các đại biểu và đại diện doanh nghiệp Việt Nam đưa ra.

Về những tác động khác của EVFTA, bà Iana Dreyer lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm, ngăn chặn tổn thất bởi lẽ hiện các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nhìn chung có sức cạnh tranh thấp nên khi hiệp định EVFTA có hiệu lực thì nông phẩm các nước sẽ vào Việt Nam ồ ạt và có thể "hủy diệt" hàng nông phẩm Việt Nam.

Vì thế, bà Iana cho rằng Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ nông dân và ngành nông nghiệp để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh trong nông nghiệp; bởi khi EVFTA có hiệu lực thì không thể dựng một hàng rào kỹ thuật nào để ngăn hàng EU vào Việt Nam.

Việt Sơn (P/v TTXVN tại Paris)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục