Doanh nghiệp Việt Nam giúp các địa phương Lào có thu nhập cao

14:00' - 18/12/2017
BNEWS Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Giúp bạn là giúp mình”, trong những năm qua, hàng trăm doanh nghiệp của Việt Nam đã sang Lào kinh doanh và đầu tư.
Sáng 15/12/2017, tại huyện Bounneua, tỉnh Phongsaly (Bắc Lào) diễn ra Lễ động thổ xây dựng Trường PTTH Bounneua, thuộc dự án xây dựng trường học sử dụng vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào. Ảnh: TTXVN

Điều này không những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Lào, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người dân địa phương, mà còn giúp biến đổi bộ mặt của các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của nước bạn Lào anh em.

Phóng viên TTXVN tại Lào đã có mặt tại huyện Bachiang, tỉnh Champasak vào những ngày cuối năm 2017, khi những cơn gió hanh hao bắt đầu tràn về, báo hiệu mùa khô khốc liệt của Lào đã tới.

12 năm trước, Bachiang từng là một trong những huyện nghèo của tỉnh Champasak.

Tuy nhiên, kể từ khi có các công ty của Việt Nam, trong đó có Công ty TNHH Cao su Việt – Lào về đầu tư trồng cây cao su tại huyện, đời sống của người dân cũng như cơ sở hạ tầng nơi đây đã thay đổi nhanh chóng, trở thành một trong những huyện có thu nhập khá của tỉnh.

Không những vậy, đầu tư của công ty còn giúp người dân thay đổi tập quán canh tác, bỏ được tập tục du canh du cư.

Chị Vi Inthakumman, công nhân Công ty TNHH Cao su Việt - Lào, tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi chỉ làm nương rẫy, không có gì cả, nhà cửa không có, tôi còn phải đi cắt cỏ để bán.

Từ ngày vào làm cho công ty vào năm 2005, gia đình tôi đã có tiền tích lũy, có tiền mua xe, làm nhà, cho con đi học. Chồng tôi cũng làm việc ở đây, mỗi tháng cũng được 2,5-3 triệu kip/tháng (7,5-9 triệu đồng), tôi thì được 3-4 triệu kip/tháng (9-12 triệu đồng).

Không chỉ gia đình tôi, nhờ sự đầu tư của công ty, cuộc sống của người dân nơi đây ngày được cải thiện tốt hơn, công nhân làm việc ở Công ty Cổ phần cao su Việt - Lào cũng có cuộc sống tốt hơn.

Điện, đường, trường, trạm đều có đủ cả, trường học bệnh viện công ty cũng xây cho người dân nơi đây”.

Ông Thavon Sukchaleun, công nhân Công ty TNHH Cao su Việt - Lào, chia sẻ: “Trước đây, đời sống của người dân rất khó khăn, làm không đủ ăn, đi lại rất khổ, kể từ ngày công ty trồng cao su tại huyện, một lượng lớn lao động địa phương được nhận làm công nhân, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, trình độ nhận thức được nâng cao, từ bỏ cuộc sống du canh du cư, phá rừng làm nương rẫy; lương được trả xứng với công sức của mình bỏ ra, trung bình khoảng 3 triệu kip/tháng (9 triệu đồng), ai chịu khó, có thể được 4-5 triệu/tháng (12-15 triệu đồng), cuộc sống no đủ, có tiền mua xe, sắm các vật dụng thiết yếu cho gia đình.

Đơn cử như gia đình tôi, trước kia chỗ ở cũng không có mà bây giờ không những có nhà đẹp để ở mà hàng tháng còn có lương.

Ngoài ra, phía công ty còn xây dựng cho dân bản rất nhiều công trình phúc lợi xã hội, như đường sá, trường học, bệnh viện.

Đặc biệt, công ty cũng rất có trách nhiệm chăm lo cho cuộc sống của người dân, như ốm đau công ty sẽ có xe đưa đi bệnh viện, hàng năm công ty còn tổ chức đưa y bác sĩ từ Việt Nam đến khám sức khỏe cho công nhân.

Người dân chúng tôi rất biết ơn công ty đã giúp đem một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Bắt đầu trồng cao su tại huyện Bachiang vào năm 2005 trên tinh thần giúp bạn xóa nghèo, trong những năm qua, Công ty TNHH Cao su Việt – Lào đã làm tốt nhiệm vụ kinh tế, tạo công ăn việc làm cho 3.000 người dân địa phương.

Bên cạnh đó, công ty luôn chú trọng tới công tác an sinh xã hội nhằm đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Cao su Việt-Lào cho biết dự án này mang tính chất là sự phối hợp giữa hai nhà nước.

Chủ trương của lãnh đạo tập đoàn cũng như công ty là phải đầu tư vào một khoản phúc lợi xã hội, trích từ nguồn lãi lợi nhuận hàng năm để đầu tư xây dựng đường điện, trạm y tế, trường học, các ngôi chùa, chợ và các công trình phúc lợi xã hội khác.

Mục đích là xây dựng xã hội từ chỗ nghèo khổ, nghèo khó ở nơi đây thành một xã hội đẹp đẽ, có cuộc sống ổn định cho các cán bộ công nhân viên chức.

Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại tỉnh Champasak, trong đó chủ yếu trong lĩnh vực trồng cây cao su.

Đầu tư của các công ty Việt Nam không chỉ được người dân hoan nghênh mà còn được chính quyền tỉnh đánh giá cao bởi không chỉ góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh mà còn làm thay đổi cuộc sống của người dân địa phương.

Ông Buasone Vongsongkhon, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Champasak, khẳng định cho đến nay, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Champasak rất hiệu quả, không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mà còn thay đổi cuộc sống của người dân ở những khu vực đầu tư.

Sở dĩ như vậy là vì ngoài việc tạo việc làm cho người dân địa phương, các công ty Việt Nam còn rất chú trọng tới công tác xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản như bệnh xá, trường học, đường điện và giúp xóa nghèo cho người dân.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, tính đến hết năm 2016, Việt Nam đã có trên 400 dự án được cấp phép tại Lào với tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực: thủy điện, khai khoáng, giao thông vận tải, trồng cây công nghiệp, dịch vụ..., điều này không chỉ giúp đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Lào, tạo việc làm, tạo thu nhập cho người dân địa phương, mà còn góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam – Lào anh em./.

>>>Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt đại biểu công dân Lào có công với cách mạng Việt Nam

>>>Kỷ niệm trọng thể 55 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục