Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc phát triển trong lĩnh vực M&A

17:05' - 10/11/2017
BNEWS Nhiều chuyên gia về M&A cho rằng, các thương vụ M&A từ Hàn Quốc với các nước Đông Nam Á đang gia tăng theo từng năm về số lượng và giá trị.
Hội thảo Mua bán và sáp nhập (M&A) Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Nhằm kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc và chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017, ngày 10/11, tại Hà Nội, Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Thương mại và đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (KOTRA) tổ chức “Hội thảo Mua bán và sáp nhập (M&A) Việt Nam - Hàn Quốc”.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Kim Ki Jun - Giám đốc khu vực Đông Nam Á - Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc nhấn mạnh: Kể từ khi gia nhập WTO đến nay, với những chính sách đối ngoại mở cửa tích cực, bao gồm các Hiệp định thương mại song phương, đa phương được ký kết, Việt Nam đã trở thành quốc gia có môi trường hấp dẫn nhất về đầu tư trong số các nước ASEAN.
Không dừng lại ở đó, hiện nay Việt Nam còn là nước có năng lực cạnh tranh rất cao trong lĩnh vực nông nghiệp và đạt được mức tăng trưởng ấn tượng. Đáng lưu ý, trong 5 năm trở lại đây, quy mô giao dịch thương mại giữa hai nước đã tăng gấp 2 lần.
Tính đến hết quí 3/2017, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt 47,2 tỷ USD và dự báo đây là năm đầu tiên đạt mức kỷ lục 50 tỷ USD. Đồng thời, đây cũng là năm có tổng mức đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 55,8 tỷ USD, vượt lên đứng đầu trong các quốc gia nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Theo ông Kim Ki Jun, Việt Nam đang đứng trước cơ hội để phát triển nhảy vọt thông qua Hiệp định chung kinh tế ASEAN, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU… Qua đó, thị trường Việt Nam sẽ được mở cửa nhiều hơn nữa theo từng ngành công nghiệp và doanh nghiệp cũng sẽ có thêm nhiều cơ hội và thách thức.
Chính vì vậy, với những chia sẻ của các công ty quản lý quỹ M&A lớn của Hàn Quốc, các công ty tư vấn M&A, Tổng công ty phát triển và kinh doanh vốn nhà nước Việt Nam và các đơn vị tư vấn Việt Nam sẽ tạo cơ hội giúp doanh nghiệp hai bên trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong lĩnh vực M&A ở các ngành xây dựng, thiết bị, công nghệ, sản xuất linh phụ kiện…
Nhiều chuyên gia về M&A cho rằng, các thương vụ M&A từ Hàn Quốc với các nước Đông Nam Á đang gia tăng theo từng năm về số lượng và giá trị bởi khi nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng dẫn tới hiện tượng dư thừa tiền mặt, kéo theo đó phải chọn cách đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt thông qua hình thức M&A.
Mặc dù tăng về số lượng và giá trị trên nhiều lĩnh vực đang "nóng" của Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn về các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp Việt, thiếu các cố vấn và chuyên gia am hiểu về doanh nghiệp Việt để đàm phán cho các thương vụ M&A.
Liên quan đến việc thoái vốn của các doanh nghiệp Việt, ông Lê Long -Trưởng ban Kế hoạch tổng hợp (Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước- SCIC) cho biết, theo kế hoạch chiều 10/11 SCIC chào bán 3,33% vốn tại Vinamilk, tương đương 48,3% triệu cổ phiếu VNM.
Rút kinh nghiệm trong đợt bán 9% vốn tại Vinamilk cuối năm 2016, đơn vị này đã phối hợp với Vinamilk tổ chức nhiều chương trình giới thiệu cơ hội đầu tư tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trước đó, trong đợt thoái vốn VNM cuối năm 2016, nhóm cổ đông F&B Dairy Investment đã mua thành công 5,4% vốn tại mức giá khởi điểm là 144.000 đồng. Sau thương vụ này, Nhà nước đã thu về gần 11.300 tỷ đồng, khoảng 500 triệu USD.
Ông Lê Long cho biết thêm, theo danh mục quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 7/2017, ngoài VNM, Tổng công ty sẽ phải thoái vốn tại 80 doanh nghiệp trong 2 tháng cuối năm 2017 với nhiều doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn FPT Sa Giang, Bảo hiểm Bảo Minh, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục