Doanh nghiệp Việt Nam- Lào được tiếp cận với mức ưu đãi thuế quan đặc biệt

12:55' - 05/08/2016
BNEWS Khi áp dụng Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào vào thực tiễn, nhiều loại hàng hóa được tiếp cận với mức ưu đãi thuế quan đặc biệt giảm bằng 0% hoặc bằng một nửa với trên 95% các dòng thuế hàng hóa.
Hội nghị phổ biến Hiệp định thương mại, Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam-Lào 2015. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, đặc biệt chú trọng đưa quan hệ kinh tế, thương mại đi vào trọng tâm, trọng điểm là nội dung “Hội nghị phổ biến Hiệp định thương mại, Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam-Lào 2015” do Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương Lào tổ chức sáng 5/8 tại Hà nội nhằm phổ biến về nội dung và các điểm mới của hai Hiệp định tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Lào.

Ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 3/2015, Việt Nam và Lào đã ký Hiệp định thương mại song phương để thay thế cho bản Hiệp định năm 1998.

Tháng 6/2015, hai nước tiếp tục ký Hiệp định Thương mại biên giới, dành cho nhau các ưu đãi đặc biệt vốn không áp dụng với bất cứ nước nào khác.

Do vậy, khi áp dụng Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào vào thực tiễn, nhiều loại hàng hóa được tiếp cận với mức ưu đãi thuế quan đặc biệt giảm bằng 0% hoặc bằng một nửa (50%) với trên 95% các dòng thuế hàng hóa so với mức thuế ATIGA trong ASEAN.

Trong khi đó, với Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào, các doanh nghiệp hai nước cũng sẽ được hưởng các ưu đãi riêng có đặc biệt.

Cũng theo ông Lê An Hải, trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN đã hình thành với nhiều cơ hội và thách thức, nếu các doanh nghiệp hai nước nắm bắt được những lợi thế mà hai hiệp định này mang lại sẽ góp phần tăng cường hoạt động thương mại song phương đồng thời sẽ giúp cho cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước trở nên đa dạng hơn.

Hai hiệp định này mở đường cho nhiều loại hàng hóa mới mà xưa nay chúng ta chưa có điều kiện để xuất khẩu, nhập khẩu được thuận lợi.

Theo ông Hải, ví dụ trước đây các mặt hàng do các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào trực tiếp sản xuất hoặc giao cho các cá nhân hoặc hộ gia đình người Lào sản xuất khi về Việt Nam không được ưu đãi về mặt thuế cũng như thủ tục nhưng từ nay sẽ được ưu đãi.

Điều đó sẽ tạo ra luồng hàng hóa mạnh hơn từ Việt Nam sang Lào, đồng thời có những mặt hàng mới sẽ được tận dụng ưu đãi này để sản xuất tại Lào để đưa về tiêu thụ tại Việt Nam.

Ông Thongsavanh Phomvihane, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHDCND Lào tại Việt Nam khẳng định Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp hai nước để khai thác tốt tiềm năng và cơ hội sẵn có, qua đó giúp nâng cao hoạt động thương mại và đầu tư song phương ngang tầm với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Lào.

Đặc biệt, thông qua hai Hiệp định này, doanh nghiệp hai nước sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn, đặc biệt là Hiệp định Thương mại biên giới, sẽ giúp việc buôn bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới hết sức thuận tiện, đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp.

Do đó, đây là cơ hội vô cùng tốt cho các doanh nghiệp hai nước, tạo cho giới doanh nghiệp niềm tin và động lực tốt hơn trong kinh doanh.

Thống kê cho thấy, thời gian qua, quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Lào đã phát triển khả quan thể hiện qua kim ngạch thương mại hai nước liên tục tăng trưởng nhất là giai đoạn 2010 - 2014, đạt mức tăng bình quân 25,8%/năm.

Năm 2015, quan hệ thương mại hai nước đánh dấu bước tiến mới với việc hoàn tất đàm phán, ký kết hai Hiệp định Thương mại song phương, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương có chiều hướng giảm. Năm 2015, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,123 tỷ USD, giảm 12,6% so với mức 1,285 tỷ USD trong năm 2014.

Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch thương mại hai nước chỉ đạt 433,3 triệu USD, giảm 34,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Chia sẻ thêm những lợi ích mà doanh nghiệp hai nước sẽ được hưởng, đại diện Vụ Thương mại miền núi (Bộ Công Thương) khẳng định, Hiệp định Thương mại biên giới giữa hai nước được ký kết với mục tiêu dành ưu đãi đặc thù cho thương mại biên giới giữa hai bên, góp phần thúc đẩy kim nagchj thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào, tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại và hội nhập khu vực ASEAN và Tiểu vùng Mê-kông Mở rộng (GMS).

Bên cạnh đó, qua Hiệp định này sẽ góp phần phát triển các cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam và Lào trở thành những của ngõ và cầu nối trung chuyển hàng hóa giữa các nước trong khu vực và thế giới cũng như phục vụ thuận lợi hóa thương mại trong khu vực.

Đặc biệt là giúp tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư qua biên giới giữa Việt Nam và Lào, góp phần củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện, góp phần xây dựng đường biên giới trên đất liền giữa hai nước trở thành đường biên giới của giao lưu, hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Để góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại song phương Việt Nam- Lào, hai bên đã đưa ra một số giải pháp trong đó có phối hợp nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển thương mại Việt Nam - Lào giai đoạn 10 năm tới.

Ngoài ra, nhanh chóng cụ thể hóa và tăng cường phổ biến các văn kiện quan trọng đối với quan hệ thương mại song phương đã ký giữa hai nước như Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục