Doanh số bán lẻ của Singapore tiếp tục sụt giảm

07:08' - 08/11/2020
BNEWS Cục Thống kê Singapore (Singstat) cho biết doanh số bán lẻ trong tháng 9/2020 giảm 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu sự sụt giảm sâu hơn so với mức giảm 5,4% trong tháng 8/2020.

Tổng doanh số bán lẻ trong tháng 9/2020 đạt 3,2 tỷ SGD (khoảng 2,36 tỷ USD), trong đó doanh số bán hàng trực tuyến chiếm 11,2%. Nếu không tính doanh số bán các phương tiện gắn động cơ thì doanh số bán lẻ tháng 9 giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính theo cơ sở từng tháng thì doanh thu bán lẻ trong tháng 9/2020 giảm 4,5% và giảm 4,2% nếu không bao gồm các phương tiện có động cơ.

Theo Singstat, doanh số bán lẻ sụt giảm mạnh hơn trong tháng Chín chủ yếu do lĩnh vực máy tính và thiết bị viễn thông giảm 22,9%, với doanh số bán điện thoại di động thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019, dù tháng Chín hàng năm là thời điểm có nhiều mẫu điện thoại mới ra mắt.

Hầu hết các ngành bán lẻ tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm trong tháng 9/2020 so với cùng kỳ năm ngoái, với các lĩnh vực ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất là thực phẩm và đồ uống có cồn, các cửa hàng bách hóa, và các mặt hàng mỹ phẩm, đồ vệ sinh cá nhân và mặt hàng y tế, với các mức giảm tương ứng là 41%, 39,8% và 30%.

Ngoài ra, doanh số các mặt hàng quần áo và giày dép cũng giảm 28,4%, dịch vụ xăng dầu giảm 16,9%, sách báo và kính mắt giảm 18,3%, đồng hồ và đồ trang sức giảm 15,6% và các mặt hàng khác giảm 21,4%.

Trong khi đó, các hệ thống siêu thị và đại siêu thị tiếp tục có mức tăng trưởng doanh số bán hàng mạnh nhất trong tháng 9/2020, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán đồ nội thất và thiết bị gia dụng cũng tăng 10,9%, các mặt hàng và sản phẩm giải trí tăng 6%. Các siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi có doanh số ổn định so với một năm trước.

Trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, doanh thu trong tháng 9/2020 giảm 29,9% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức giảm 28,1% trong tháng 8/2020. Tổng doanh thu trong lĩnh vực này là 629 triệu SGD.

Tất cả các ngành trong lĩnh vực ăn uống đều giảm, trong đó doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ ăn uống vẫn bị ảnh hưởng nặng nề nhất (giảm 78,2%) do nhu cầu phục vụ sự kiện vẫn ở mức thấp.

Mức suy giảm doanh số trên cơ sở hàng năm cũng mạnh hơn đối với lĩnh vực dịch vụ nhà hàng (giảm 33,1%), quán cà phê, khu ăn uống và các địa điểm ăn uống khác (giảm 17,6%) cũng như các cửa hàng phục vụ thức ăn nhanh (giảm 13,9%)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục