Doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh tăng hơn 36%

15:36' - 08/05/2025
BNEWS Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 444.885 tỷ đồng và tăng 20% so với cùng kỳ.
Ghi nhận sức mua trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh sôi động từ đầu tháng 4/2025 kéo dài đến nay. Theo đó, lưu trú và ăn uống ngoài, cùng dịch vụ lữ hành đạt doanh thu tăng cao, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng này của thành phố đạt 128.886 tỷ đồng, tăng 17,9% so với tháng trước và tăng 37,6% so với cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 4 đạt 19.485 tỷ đồng, chiếm 15,1% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 44,3% so với tháng trước và tăng 87,5% so với cùng kỳ. Còn dịch vụ lữ hành tháng 4 đạt 7.012 tỷ đồng, gấp đôi so với tháng trước và so với cùng kỳ.

 
Kết quả này đạt được là nhờ những hoạt động trong chuỗi sự kiện Kỷ niệm 50 năm Thống nhất đất nước được triển khai với quy mô lớn, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ và thu hút đông đảo người dân trên địa bàn, du khách trong nước và quốc tế đến TP. Hồ Chí Minh. Trong khi đó, các đơn vị kinh doanh, phân phối, bán lẻ trên địa bàn thành phố tích cực thực hiện đa dạng chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng.

Đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết: Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 444.885 tỷ đồng và tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó, phần lớn các nhóm mặt hàng đều tăng so với cùng kỳ như nhóm lương thực, thực phẩm; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình… Đồng thời, một số dịch vụ khác, gồm: dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 16,5%; giáo dục và đào tạo tăng 18,1%; y tế tăng 22,2%; nhóm nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 32,6%...

Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) chia sẻ, hệ thống bán lẻ kích cầu tiêu dùng và sức mua thông qua chương trình khuyến mãi “Hành trình tuổi mới – Kết nối tự hào” kéo dài từ ngày 24/4 đến nay và sẽ kết thúc vào ngày 14/5/2025, nên khách hàng vẫn tiếp tục được tặng hàng triệu deal giảm giá đến 50%; cơ hội hoàn tiền khi mua sắm; những phần quà thiết thực trong tháng 5 này.

Tại Co.opmart và Co.opXtra còn giảm giá kịch trần ngành hàng thực phẩm tươi sống trong khung giờ từ lúc siêu thị mở cửa cho đến 11 giờ trưa trong chương trình “Món Việt nửa giá – Mừng ngày độc lập”; hay giảm giá từ 15-20%, mua 1 tặng 1 áp dụng cho các sản phẩm thủy hải sản, trứng gia cầm, thịt gia súc gia cầm, trái cây nội ngoại…

Ngay khi bước sang đầu tháng 5/2025, nhiều trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi… trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh như MM Mega Market, Satramart, LOTTE Mart, Aeon Mall, Bách hóa Xanh…cũng tung ra hàng loạt chương trình ưu đãi cho khách hàng để tiếp tục đà tăng sức mua trong tháng vừa qua. Đơn cử, tại LOTTE Mart triển khai chương trình khuyến mãi “Nắng chạm đỉnh, giá chạm đáy” từ nay đến 20/5, mang đến nhiều chương trình giảm giá lên đến 50%, đón hè sang – deal ngập tràn, trợ thủ deal cho mẹ, giảm giá sản phẩm giải nhiệt mùa hè…

Riêng tại chuỗi cửa hàng tiện lợi Bách hóa Xanh duy trì hoạt động giảm giá từ 10-40%, áp dụng cho một số nhóm mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau, củ, quả… sau 16 giờ hàng ngày để kích cầu tiêu dùng và san sẻ gánh nặng chi phí sinh hoạt hàng ngày cho các gia đình. Ngoài ra, chuỗi cửa hàng tiện lợi này còn triển khai chương trình đến toàn bộ nhà cung cấp rau, củ, quả, trái cây… nhằm xây dựng nên chuỗi cung ứng thực phẩm tươi sống an toàn và minh bạch.

Ở góc độ người tiêu dùng, chị Anh Đào, nhân viên văn phòng Quận 3, TP. Hồ Chí Minh cho hay, hiện nay trên thị trường, nhất là những kênh bán hàng như thương mại điện tử, mạng xã hội xuất hiện nhiều hàng kém chất lượng, hàng giả nên người dân có xu hướng quay trở lại với với kênh bán hàng trực tiếp. Trong đó, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi được người dân ưu tiên lựa chọn, nhưng nhà bán lẻ kinh doanh cũng phải minh bạch thông tin để người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Cùng quan điểm, nhiều người tiêu dùng khác trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, đối với những nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thuốc… thì người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng hàng ngày nên việc mua sắm phải hàng kém chất lượng, hàng giả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏa, chứ không dừng lại ở tổn thất tài chính. Do đó, việc ngày càng nhiều nhà bán lẻ cam kết chất lượng sản phẩm, cũng như tham gia các chương trình cam kết trách nhiệm, bình ổn thị trường… của TP. Hồ Chí Minh sẽ xây dựng được niềm tin của người tiêu dùng và giữ chân khách hàng.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, hiện tại trên địa bàn thành phố đã và đang thực hiện nhiều chương trình, không chỉ hướng đến mục tiêu bình ổn thị trường các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mà còn tăng cường cam kết trách nhiệm của những đơn vị tham gia chuỗi cung ứng các mặt hàng này.

Trong đó, có thể kể đến chương trình Bình ổn thị trường năm 2025 - Tết Bính Ngọ năm 2026 trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh với nhóm lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm 12 nhóm hàng lương thực; 6 nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu... Đồng thời, chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa (gọi tắt là chương trình Tick xanh trách nhiệm) được TP. Hồ Chí Minh phát động từ tháng 3/2024 đến nay, thu hút khoảng 11 hệ thống phân phối lớn và đã từng bước được lan tỏa mạnh mẽ trên thị trường và nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục