Doanh thu của các hãng sản xuất vaccine tăng trường mạnh thời đại dịch

10:19' - 16/08/2021
BNEWS Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn phức tạp, doanh thu của các hãng sản xuất vaccine càng trên đà tăng trưởng mạnh.

Ở nhiều nơi trên thế giới, số ca mắc COVID-19 đang gia tăng, đặc biệt là các ca nhiễm biến thể Delta rất dễ lây lan.

Điều này càng cho thấy sự cần thiết phải thúc đẩy các chương trình tiêm chủng, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển, để có thể đẩy lùi dịch bệnh.

Trong bối cảnh đó, doanh thu của các hãng sản xuất vaccine càng trên đà tăng trưởng mạnh.
*Các hãng dược "hái ra tiền"
Hãng dược phẩm Pfizer Inc (Mỹ) đã nâng dự báo doanh thu bán vaccine ngừa  COVID-19 của hãng này phối hợp với BioNTech (Đức) phát triển trong năm 2021 lên 33,5 tỷ USD, tăng 28,8% so với dự báo trước đó.

Thông báo được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia muốn đặt mua thêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech.
Pfizer cho biết quyết định nâng dự báo doanh thu vaccine được đưa ra dựa trên những thỏa thuận đã được ký kết về việc bán khoảng 2,1 tỷ liều vaccine trong năm nay.

Con số trên có thể sẽ tiếp tục tăng nếu công ty ký thêm các hợp đồng khác. Pfizer và BioNTech dự kiến sản xuất khoảng 3 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 trong năm nay.

Bên cạnh đó, doanh thu từ vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer có thể sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 sau khi hãng công bố thông tin rằng những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine của hãng có thể sẽ cần tiêm thêm một mũi vaccine thứ 3 trong tương lai.
Pfizer giành lợi thế lớn khi vaccine ngừa COVID-19 của hãng là loại vaccine đầu tiên được Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp vào tháng 12/2020.

Sau đó, các vấn đề trong khâu sản xuất cản bước các đối thủ cũng đã giúp Pfizer tiếp tục nới rộng khoảng cách dẫn trước trong cuộc đua sản xuất vaccine ngừa COVID-19.
Vaccine ngừa COVID-19 cũng làm nhiều người biết đến Moderna, một hãng công nghệ sinh học Mỹ mới ra đời năm 2010, trở nên có tiếng.

Hãng đã có doanh thu 4,35 tỷ USD nhờ bán vaccine trong quý II/2021, tăng đáng kể so với một năm trước, khi đó vaccine của Moderna chưa được thương mại hóa.
Trong quý II/2021, Moderna bán được 199 triệu liều vaccine, nâng tổng số liều vaccine bán được trong năm nay lên tới 302 triệu liều.

Hãng cho biết đã ký tổng cộng các hợp đồng giao vaccine tương lai trị giá 20 tỷ USD trong năm 2021 và hiện công ty đã ngừng nhận đơn hàng cho năm nay vì không đủ khả năng sản xuất nhiều hơn nữa.

Đến nay, Moderna cũng đã ký các hợp đồng bán vaccine tổng trị giá 20 tỷ USD cho năm 2022.
Thành công thương mại của Pfizer và Moderna "tương phản" với con đường phi lợi nhuận của AstraZeneca (Anh) và Johnson & Johnson (Mỹ) - hai hãng dược phẩm đang bán vaccine với giá thấp hơn nhiều.

Hai hãng dược phẩm này đã cam kết cung cấp vaccine trên cơ sở phi lợi nhuận cho đến khi đại dịch kết thúc. 

AstraZeneca tính phí từ 4,3-10 USD/2 liều vaccine, trong khi J&J đã tính phí 10 USD cho loại vaccine tiêm một mũi.
Dù vậy, vaccine ngừa COVID-19 mà AstraZeneca phát triển cùng Đại học Oxford vẫn mang lại cho hãng 572 triệu USD ở châu Âu và 455 triệu USD từ các thị trường mới nổi trong nửa đầu năm nay. 

Johnson & Johnson cũng công bố dự báo doanh thu vaccine ngừa COVID-19 trong năm 2021 là 2,5 tỷ USD.
*Dịch bệnh tiếp tục bùng phát
Tại châu Âu, sự gia tăng các ca nhiễm hiện nay do biến thể Delta, hiện chiếm đa số ở một số quốc gia, đe dọa sự bùng phát của làn sóng dịch bệnh thứ tư.
Biến thể Delta chủ yếu ảnh hưởng đến các quốc gia du lịch như Pháp, Italy, Bồ Đào Nha, Hy Lạp... và Tây Âu nói chung như Đức, Hà Lan, Bỉ… Ở các quốc gia này, những người nhiễm phần lớn trong độ tuổi 20-29 và chưa tiêm chủng.
Tuy nhiên, biến thể Delta cũng đang dần lan rộng khắp châu Âu, giờ đây thậm chí còn xuất hiện tại Slovenia, Slovakia, Ba Lan, Estonia và Latvia.

Chính phủ các nước đang nỗ lực tăng tốc các chiến dịch tiêm chủng, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi.
Theo tờ The Wall Street Journal, ở Vương quốc Anh, quốc gia có 90% dân số được tiêm chủng và nơi có biến thể Delta chiếm đa số, số ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng, nhưng số ca tử vong đang giảm.
Tại Mỹ, theo tờ The New York Times, dữ liệu sơ bộ thu thập được ở một số bang của nước này trong sáu tháng qua cho thấy 99,5% số người tử vong vì COVID-19 đã không được tiêm chủng.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết số ca mắc COVID-19 đang gia tăng ở hầu khắp nước Mỹ, nhất là những nơi có tỷ lệ tiêm vaccine thấp.
Trong khi đó, sự gián đoạn kinh tế ở Đông Nam Á do đại dịch gây ra đã trở nên tồi tệ hơn do tốc độ tiêm chủng chậm ở khu vực có 600 triệu dân này.
Chính phủ các nước đã phải áp dụng các biện pháp giãn cách và đóng cửa nền kinh tế khiến nhiều nhà máy không thể hoạt động.
Những thách thức này đe dọa tăng trưởng của một trong những khối thị trường mới nổi có khả năng phục hồi tốt trên thế giới, vốn đã chống chọi với nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu trong những thập kỷ gần đây.

*Thiếu hụt vaccine
Một vấn đề hiện nay là sự thiếu hụt trầm trọng và đáng báo động trong việc cung cấp cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp, đặc biệt là trong thời gian còn lại của năm 2021.
Trong một tuyên bố chung, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, Tiến sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus, và Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới, Tiến sỹ Ngozi Okonjo-Iweala đã kêu gọi các quốc gia có chương trình tiêm chủng COVID-19 tiên tiến phát hành càng sớm càng tốt về liều lượng và lựa chọn vaccine theo hợp đồng của họ đến COVAX, Quỹ tín thác mua lại vaccine cho người dân châu Phi của Liên minh châu Phi (AVAT), và các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.
Theo tuyên bố chung, mục tiêu là ít nhất 40% người dân ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp được tiêm chủng vào cuối năm 2021.

Các tổ chức trên ước tính rằng chưa đến 20% số vaccine cần thiết hiện đang được lên kế hoạch giao cho các quốc gia này, cho dù thông qua COVAX, AVAT hoặc các thỏa thuận song phương và các thỏa thuận chia sẻ liều lượng.
Tuyên bố chung kêu gọi các nhà sản xuất vaccine gấp đôi nỗ lực để mở rộng quy mô sản xuất vaccine đặc biệt cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp, đẩy nhanh việc giao hàng tới các nước đang phát triển và các nền kinh tế tiên tiến tăng quy mô vaccine được giao trong thời gian ngắn tới các nước đang phát triển.
Trong khi đó, một loại vaccine ngừa COVID-19 dạng uống đặc biệt hấp dẫn đối với các nước đang phát triển khi làm giảm gánh nặng hậu cần trong các chiến dịch tiêm chủng đại trà như không cần điều kiện bảo quản lạnh như vaccine dạng tiêm, nhờ đó việc vận chuyển sẽ dễ dàng hơn. Hãng dược Oramed của Israel đang hiện thực hóa ý tưởng này.
Đó cũng là giải pháp thu hút các nước giàu, nơi không ít người cảm thấy không thoải mái với kim tiêm nên còn do dự chưa tiêm chủng.

Theo một cuộc thăm dò gần đây, 19 triệu người Mỹ chưa tiêm chủng cho biết sẽ tiếp nhận vaccine ngừa COVID-19 nếu có một loại vaccine dạng viên uống.

Hãng công nghệ sinh học Mỹ Vaxart đang theo đuổi dự án sản xuất vaccine dạng viên sau khi đạt kết quả thử nghiệm Giai đoạn 1 đầy hứa hẹn.

Vaxart hy vọng có thể nộp đơn xin phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine dạng viên trong vòng một năm tới, đồng thời hướng đến sản xuất hàng triệu, thậm chí hàng tỷ liều vaccine mỗi năm với giá cả hợp lý./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục