Dốc toàn lực chống dịch, đảm bảo duy trì tăng trưởng bền vững

20:22' - 11/08/2021
BNEWS Chiều 11/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7.

Chiều 11/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 thông tin về các nội dung cuộc họp Chính phủ trực tuyến toàn quốc đầu tiên nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Theo đó, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về nhiệm vụ trọng tâm triển khai chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và về dự thảo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, Chính phủ tập trung thảo luận về phòng, chống dịch COVID-19; tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm; nhiệm vụ những tháng cuối năm.

Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, Chính phủ coi việc phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất hiện nay.

Đối diện với nhiều thách thức do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, đại diện các bộ, ngành và địa phương cũng đã đề xuất nhiều giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, kiểm soát giá cả, duy trì tăng trưởng bền vững.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo kịp thời quyết liệt trong phòng chống dịch, nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh, những hành động trong giai đoạn này mang tính quyết định cần tranh thủ tối đa thời gian giãn cách để có hướng xử lý phù hợp; tiếp tục đẩy mạnh chiến lược vaccine; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, thông thương hàng hóa, không để xảy ra đứt gãy sản xuất; đảm bảo lao động việc làm theo hướng vừa sản xuất vừa chống dịch.

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đẩu tư, dịch COVID-19 trong tháng 7 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của nền kinh tế, nhất là các vùng động lực, địa phương nhiều khu công nghiệp ở phía Nam.

Dịch đã khiến hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiêu dùng tại các khu vực này bị đứt gãy, đình trệ.

Ngoài ra, sức mua trong nước và xuất khẩu giảm sút; đời sống người dân tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội, nhất là công nhân lao động trong các khu công nghiệp, lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề.

Mặc dù dù chịu tác động mạnh từ dịch bệnh, nhất là trong tháng 7 nhưng sản xuất, kinh doanh 7 tháng đầu năm được duy trì.

Tính chung 7 tháng, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 373 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 185 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục