Đối mặt áp lực lớn, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

15:34' - 20/12/2023
BNEWS Theo thông lệ nhiều năm qua thì càng về cuối năm khối lượng công việc đã thực hiện hoàn tất cũng càng nhiều và chính là thời điểm thưc hiện việc nghiệm thu, thanh toán, giải ngân cụ thể...

Đầu tư công đang là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư công luôn được đẩy nhanh hơn trong dịp cuối năm. Kết quả giải ngân nguồn vốn này đã có sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn cần “tăng tốc” để đạt kết quả tối đa.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngày 10/12 vừa qua là thời hạn cuối cùng để các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc phân bổ chi tiết toàn bộ vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023.

 

Cũng theo bộ này, trong tổng số 708.250 tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết, tính đến cuối tháng 11/2023, vẫn còn khoảng 19.260 tỷ đồng (chiếm khoảng 2,7% kế hoạch) chưa được các bộ, ngành, địa phương phân bổ chi tiết; trong đó, vốn ngân sách trung ương là 10.260 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 9.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân là một số dự án dự kiến khởi công mới trong năm 2023, nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư; bao gồm cả các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Chưa kể, do nguồn thu sử dụng đất, thu từ xổ số kiến thiết tại một số địa phương không đạt yêu cầu, nên không đủ nguồn lực để phân bổ…

Dù là nguyên nhân gì và các bộ, ngành, địa phương kịp thời phân bổ chi tiết theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thì gần như chắc chắn, nguồn vốn này chưa thể được giải ngân trong năm 2023. Và điều đó sẽ ảnh hưởng tới việc giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay, dù hiện tại, các con số cho thấy xu hướng khá tích cực.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng hợp từ thông tin của Bộ Tài chính, tính đến hết ngày 30/11/2023, ước tính, giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 461.000 tỷ đồng, bằng 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 6,77 điểm phần trăm về số tương đối và 122.600 tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, chỉ riêng tháng 11/2023, số vốn giải ngân được lên tới 71.300 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với con số trung bình của 11 tháng là 41.900 tỷ đồng/tháng. Riêng giải ngân vốn đầu tư phát triển kế hoạch năm 2023 từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, tính đến ngày 30/11/2023, đạt khoảng 62.920 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, kết quả trên cho thấy, những các giải pháp đôn đốc, thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng hoạt động của các tổ công tác của Chính phủ, đã và đang phát huy hiệu quả, mang lại những tín hiệu tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công.

Xu thế là tích cực, song chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận, áp lực giải ngân vốn đầu tư công là rất lớn. Bởi lẽ, số vốn chưa giải ngân kế hoạch năm 2023 còn khá lớn (khoảng 247.000 tỷ đồng, bằng khoảng 35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), trong khi thời gian còn lại không nhiều.

Mặc dù, đứng trước những khó khăn, khi niên độ ngân sách năm 2023 sắp kết thúc, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, lúc này là lúc tốc độ giải ngân có khả năng tăng tốc rất rõ nét, bởi nhiều chủ đầu tư, nhà thầu đã xong việc chuẩn bị, xác lập phương án thi công, huy động nguồn lực, nguồn cung ứng vật liệu để triển khai kế hoạch một cách chủ động. Các nhà đầu tư cũng đã hoàn thành những quy định, thủ tục cần thiết.

Theo thông lệ nhiều năm qua thì càng về cuối năm khối lượng công việc đã thực hiện hoàn tất cũng càng nhiều và chính là thời điểm thưc hiện việc nghiệm thu, thanh toán, giải ngân cụ thể. Tức là hầu hết các đơn vị đã lấy được “phong độ” và càng gia tăng tiến độ triển khai dự án trên thực địa.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi công điện đốc thúc giải ngân đến lãnh đạo 15 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân thấp. Hiện, nhiều bộ, cơ quan giải ngân dưới tỷ lệ trung bình cả nước đang chủ động, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân tối đa.

Là một trong những cơ quan có tỷ lệ giải ngân dưới tỷ lệ trung bình cả nước, đại diện Ban Quản lý dự án thuộc Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam cho biết, Liên minh HTX đã hoàn thiện quá trình phê duyệt Dự án Xây dựng giai đoạn II Trường Trung cấp nghề và đào tạo cán bộ HTX miền Nam; đồng thời, đang đẩy nhanh các bước tiếp theo của giai đoạn thực hiện đầu tư. Với các công việc mà chủ đầu tư có thể chủ động, Ban Quản lý sẽ đẩy nhanh tối đa, chuẩn bị trước các thủ tục, chuẩn bị đấu thầu để khi có vốn là giải ngân được.

Đại diện phía địa phương, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, để tăng tốc tốc độ giải ngân vốn đầu tư trong thời gian còn lại của năm, địa phương sẽ ưu tiên tập trung phối hợp, chỉ đạo điều hành để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành công trình, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mục đích cuối cùng là tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân.

“Cùng với thực hiện các giải pháp phù hợp, hiệu quả để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong năm 2023, Sóc Trăng sẽ phát huy và duy trì những chỉ tiêu đạt và vượt; phấn đấu thực hiện đạt 6 chỉ tiêu chưa đạt của năm 2023. Đồng thời, tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công; rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, công trình trọng điểm trên địa bàn”, Chủ tịch Trần Văn Lâu cho hay.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, giải ngân toàn bộ số vốn được giao; đồng thời, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tuần, phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2023…

“Phải kiểm tra, giám sát hiện trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải…; đôn đốc các nhà thầu, tư vấn tổ chức thi công ‘3 ca, 4 kíp’ để đẩy nhanh tiến độ các dự án…”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

“Nếu dồn sức giải ngân được 95% tổng vốn đầu tư công như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội có thể tăng 13,2% và đóng góp 2% vào mức tăng trưởng GDP năm 2023. Đây cũng là minh chứng cho tầm quan trọng của công tác giải ngân nguồn vốn này đối với toàn bộ nền kinh tế năm 2023”, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho hay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục