Đầu tư công nghiệp năm 2023: Châu Âu thụt lùi, châu Á vượt trội

06:30' - 19/12/2023
BNEWS Châu Âu hiện không còn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, thậm chí đang có nguy cơ tụt lại phía sau so với châu Á và châu Mỹ.

 

Nhìn lại bức tranh đầu tư công nghiệp thế giới năm 2023, tạp chí La Tribune (Pháp) dẫn bảng đánh giá toàn cầu được thực hiện bởi Viện tư vấn đầu tư và việc làm Trendeo, cho biết trong tổng số 1.300 tỷ euro vốn đầu tư được ghi nhận trên toàn thế giới, châu Á chiếm đến 54%, châu Mỹ chiếm 28%, trong khi châu Âu chỉ thu hút được 10%.

Điều này cho thấy châu Âu không còn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, thậm chí đang có nguy cơ tụt lại phía sau trong cuộc đua này.

Theo báo cáo năm 2023 được công ty Trendeo công bố hôm 10/12, đầu tư công nghiệp trên toàn thế giới vẫn chưa đạt được mức trước đại dịch COVID-19. ‘‘Năm 2020, chúng ta đã trải qua khủng hoảng do đại dịch COVID-19 và sau đó có một sự phục hồi tích cực trong các quý tiếp theo’’, David Cousquer, người sáng lập công ty, cho biết trong một buổi họp báo.

Sự suy giảm nguồn vốn đầu tư ở châu Âu

Sau cú lao dốc lịch sử năm 2020, đầu tư công nghiệp đã tăng mạnh vào năm 2021. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, khối lượng đầu tư được ghi nhận vẫn thấp hơn so với thời kỳ trước đại dịch. Trung bình đầu tư trong giai đoạn từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2023 là 525 tỷ euro, thấp hơn nhiều so với số liệu của giai đoạn trước đại dịch (665 tỷ euro).

Kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn không ổn định. Nhưng tại Mỹ, các chỉ số cho thấy đang có một sự "hạ cánh mềm" của các hoạt động kinh tế. Việc siết chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không gây ra sự tăng đột biến của tỷ lệ thất nghiệp và tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho thấy tình hình vẫn tiến triển tốt ( đạt mức tăng trưởng 5,2% trong quý III/2023).

Trong khi đó, kinh tế châu Âu lại đang bộc lộ những dấu hiệu giảm tốc độ tăng trưởng. Đầu tàu kinh tế Đức vẫn đang chìm trong suy thoái. Tăng trưởng GDP của Pháp khả dĩ hơn, mặc dù vẫn rất trì trệ. Bối cảnh đầy bấp bênh này khiến các doanh nghiệp do dự trong việc xuất vốn đầu tư, cho dù nhu cầu tái công nghiệp hóa và khử carbon của các cơ sở hiện có là rất lớn.

Số liệu đánh giá của Trendeo cho thấy rõ ràng châu Âu đang gặp khó khăn. ‘‘Tình hình đầu tư ở châu Âu đang có sự chững lại. Tỷ trọng đầu tư của Liên minh châu Âu (EU) có tăng nhưng rất khiêm tốn trong nền kinh tế thế giới’’, chuyên gia Cousquer xác nhận. Ở cấp độ toàn cầu, Mỹ đang tăng tốc với 28% tổng giá trị đầu tư, trong khi tỉ lệ này của châu Âu chỉ là 9,9%. Châu Á vẫn là nơi tập trung mạnh mẽ các dự án công nghiệp với 54% tổng giá trị đầu tư được ghi nhận. Ngược lại, châu Phi (5,7%) và châu Đại dương (1,4%) đứng ở cuối của danh sách.

Sự chậm lại của châu Âu còn được thể hiện trong giá trị mỗi dự án. Theo chuyên gia Cousquer: “Tổng giá trị đầu tư của châu Âu vào dự án công nghiệp chỉ đạt 40%, nhỏ hơn so với mức trung bình của thế giới”. Ở cấp độ toàn cầu, số tiền đầu tư trung bình cho mỗi dự án lên tới 470 triệu euro, so với 276 triệu euro ở châu Âu.

Nghiên cứu của Trendeoc cũng cho thấy chiến lược đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu chủ yếu là hướng ngoại. Các doanh nghiệp này đang tập trung vốn đầu tư của mình ở các khu vực hoặc thị trường ngoài EU. Ông Cousquer khẳng định: “Các công ty của EU có xu hướng xuất ngoại”. Cụ thể là vào năm 2023, số tiền đầu tư trung bình của một công ty châu Âu ra bên ngoài là 251 triệu euro, trong khi đầu tư trong khu vực EU của họ chỉ đạt 91 triệu euro.

Lạm phát đã cản trở hoạt động đầu tư

Lý giải nguyên nhân chững lại của châu Âu, các chuyên gia kinh tế cho rằng sự hỗn loạn tại các cảng giao thương trong thời kỳ đại dịch, khó khăn về nguồn cung và khủng hoảng năng lượng đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng lên mức cao kỷ lục vào năm 2022. Đối mặt với sự tăng vọt về giá cả này, các ngân hàng trung ương đã thắt chặt chính sách tiền tệ. Sau nhiều năm thực hiện chính sách tiền tệ thích ứng, các ngân hàng trung ương quyết định tăng lãi suất và giảm việc mua lại trái phiếu chính phủ.

Động thái thắt chặt các điều kiện tài chính và khả năng tiếp cận tín dụng đã giáng một đòn mạnh vào quyết định chiến lược đầu tư của các công ty ở châu Âu. Ông Bruno Sanchez, Giám đốc công ty kỹ thuật công nghiệp Fives, tóm tắt: ‘‘Chậm trễ trong đầu tư có thể được giải thích bởi nhiều yếu tố: Một thế giới lạm phát, khó khăn trong việc chuyển gánh nặng của các khoản tăng giá này vào chi phí sản xuất, khả năng tiếp cận vốn tín dụng khó’’.

Bên cạnh đó, sự gia tăng của hiện tượng nóng lên toàn cầu đã gây ra nhiều thiệt hại trong những năm gần đây. Đối mặt với cuộc khủng hoảng khí hậu, EU đã cam kết giảm mạnh lượng khí thải carbon xuống 55% vào năm 2030 và đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050.

Để đạt được những mục tiêu này, “lục địa già” đang trông cậy vào ngành công nghiệp xanh để khởi động lại một chu kỳ mới của đầu tư xanh như một phần trong Thỏa thuận xanh châu Âu.

Nhưng liệu công nghiệp xanh có trở thành đòn bẩy để giúp châu Âu khắc phục sự chậm trễ trong phát triển hay không? Chuyên gia Cousquer cho rằng: “Châu Âu có quan điểm tích cực đối với môi trường nhưng vẫn thiếu nhiều yếu tố để đạt được mục tiêu”. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạn chế đáng kể triển vọng đầu tư của các doanh nghiệp.

Đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng mang tính lịch sử, các quốc gia châu Âu đã tìm cách giảm bớt cú sốc bằng các biện pháp bảo vệ thương mại, như việc áp đặt thuế quan để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa khỏi sự cạnh tranh từ thị trường quốc tế hoặc để giải quyết vấn đề thương mại. Nhưng với xu hướng bảo hộ này, việc quay trở lại với các quy tắc và nguyên tắc liên quan đến quản lý ngân sách và tài chính trước kia sẽ có thể làm cho tình hình kinh tế của châu Âu trở nên phức tạp và khó giải quyết.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục