Đổi mới công tác quy hoạch: Bài 2- Quy hoạch cần có tính dự báo

07:02' - 07/12/2016
BNEWS Trong quá trình lập quy hoạch, việc dự báo quy hoạch có vai trò đặc biệt quan trọng, vì dự báo càng chính xác thì quy hoạch càng hiệu quả và có tính khả thi càng cao.
Công tác quy hoạch còn nhiều yếu kém. Ảnh minh họa: Hà Nội Mới

Đi tìm nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế, yếu kém của công tác quy hoạch, tại tờ trình Quốc hội về dự án Luật Quy hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo cũng chỉ rõ, ngoài những lý do như tư duy và nhận thức của các cấp, các ngành về quy hoạch còn bất cập; do ảnh hưởng của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, nên các cấp, các ngành chưa có sự nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của quy hoạch trong nền kinh tế thị trường, còn mang nặng tư tưởng cục bộ từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đến khâu lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện quy hoạch và việc ban hành những chính sách liên quan đến công tác quy hoạch.

Hay tư tưởng chủ nghĩa bình quân, căn bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ và sự phối hợp kém hiệu quả của các cấp, các ngành đã tác động tiêu cực đến công tác quy hoạch, làm cho quy hoạch thiếu khách quan, không khả thi và bị điều chỉnh tùy tiện là những nguyên nhân chính dẫn đến những tồn tại, bất cập của công tác quy hoạch như đã nêu trên.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, không thể không nhắc đến nguyên nhân của việc ban hành quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về công tác quy hoạch nhưng không đồng bộ, thiếu thống nhất. Hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch được ban hành quá nhiều với 95 luật, pháp lệnh điều chỉnh về hoạt động quy hoạch, song các văn bản này không đồng bộ và thiếu thống nhất, nhất quán với nhau.

Việc phân công, phân cấp về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch rất phức tạp với nhiều cấp quản lý khác nhau; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện quy hoạch còn rất hạn chế; biện pháp, chế tài xử lý vi phạm pháp luật về quy hoạch còn thiếu và chưa đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch.

Chính vì vậy, việc ban hành Luật Quy hoạch là cần thiết và cấp bách để khắc phục những hạn chế, yếu kém của công tác quy hoạch; đồng thời, hướng tới sự cải cách toàn diện để quy hoạch thực sự là công cụ quan trọng, hữu hiệu giúp Nhà nước kiến tạo sự phát triển.

Khẳng định, việc xây dựng và ban hành Luật là “không thể chậm trễ”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết: Luật Quy hoạch sẽ khắc phục hàng loạt vấn đề đang tồn tại của công tác quy hoạch hiện nay.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, một trong những cách quản lý quy hoạch của Nhà nước sẽ bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường. Điều này sẽ hạn chế tình trạng “xin - cho” đang diễn ra. Việc quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ được thực hiện theo phương pháp tích hợp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định quan điểm xây dựng luật lần này là để hệ thống quy hoạch phải tuân thủ nguyên tắc từ cao xuống thấp, từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch địa phương phải tuân thủ quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; quy hoạch chi tiết phải dựa trên quy hoạch tổng thể.

Trong quá trình lập quy hoạch, việc dự báo quy hoạch có vai trò đặc biệt quan trọng. Ảnh minh họa: TTXVN.

Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhận định, phương án này đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, khắc phục được tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, thiếu liên kết giữa các quy hoạch. Đồng thời tạo lập không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh về không gian phát triển, về mục tiêu, công cụ chính sách, phân bố nguồn lực, lựa chọn dự án, chương trình ưu tiên đầu tư.

Theo Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, quy hoạch phải đảm bảo chất lượng và tính ổn định, lâu dài. Để quy hoạch có chất lượng thì bản thân người lập quy hoạch phải có trách nhiệm và có tầm tư duy, bên thẩm định phải chặt chẽ.

Đặc biệt, trong quá trình lập quy hoạch, việc dự báo quy hoạch có vai trò đặc biệt quan trọng, vì dự báo càng chính xác thì quy hoạch càng hiệu quả và có tính khả thi càng cao. “Quan trọng nhất của công tác quy hoạch là phải dự báo được.

Một bản quy hoạch có thời hạn 10 đến 30 năm mà không làm tốt công tác dự báo thì bản quy hoạch đó cũng vô giá trị” - TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định.

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng công tác dự báo trước khi đưa ra quy hoạch chính lại là khâu yếu nhất hiện nay ở Việt Nam, dẫn đến tình trạng quy hoạch xa rời thực tế và thường xuyên phải điều chỉnh một cách bị động, mà chúng ta đã từng có không ít bài học đối với những lĩnh vực trọng yếu như giao thông, hạ tầng hay quy hoạch ngành như gang thép, xi măng…

Chính vì vậy, góp ý vào dự thảo Luật Quy hoạch mới đây, một số đại biểu Quốc hội đã đề xuất phải đưa nội dung "điều chỉnh trái quy hoạch" vào nội dung cấm. Ngoài ra, trong quá trình xét duyệt quy hoạch cũng cần lấy ý kiến rộng rãi của người dân, tránh tình trạng có sự tác động từ bên ngoài làm thay đổi quy hoạch.

Và cũng để đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của quy hoạch, TS. Lưu Bích Hồ cũng cho rằng phải giải quyết được vấn đề tích hợp các loại quy hoạch: kinh tế - xã hội với hạ tầng, với đất đai…; tích hợp quy hoạch từ quy mô cả nước đến các vùng, đến từng địa phương. Đặc biệt, phải làm cho quy hoạch bớt tính cứng nhắc; trong đó phải phân loại quy hoạch cứng và quy hoạch linh hoạt.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phải thu hút được tối đa chất xám của các chuyên gia và phải có sự cạnh tranh, minh bạch trong quá trình này để mỗi bản quy hoạch thực sự có tầm, có uy, có hiệu quả thực sự đối với các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo, điều hành và thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

"Chất lượng, chất lượng và chất lượng - đó chính là khẩu hiệu không chỉ dành riêng cho công tác quy hoạch mà rất nhiều việc khác chúng ta phải làm có chất lượng, có tri thức. Còn cứ lầm lũi với cái cũ, không đổi mới, không tiếp thu cái mới thì không thể phát triển.

Quan trọng là cần có sự đồng thuận nâng cao chất lượng và hiệu quả thực sự của công tác quy hoạch, từ khâu xây dựng, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đến khâu thực hiện quy hoạch ở tất cả các cấp, các ngành” -  TS. Lưu Bích Hồ nhấn mạnh./.

Xem thêm:

Đổi mới công tác quy hoạch: "Lạm phát" quy hoạch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục