Đổi mới sáng tạo xanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

12:35' - 26/07/2024
BNEWS Đổi mới sáng tạo xanh giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tăng khả năng sinh lời theo chuỗi giá trị, giúp doanh nghiệp đáp ứng trước các quy định ngày càng nghiêm ngặt hơn của thị trường...
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 26/7, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM ) và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam" với trọng tâm là hệ thống hóa và làm rõ một số khái niệm cơ bản, khung phân tích về thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, báo cáo nghiên cứu đề xuất định hướng giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, thông qua thời gian nghiên cứu, nhóm công tác đã đưa ra những kết quả, số liệu quan trọng, đáng ghi nhận về hoạt động đổi mới sáng tạo hướng tới chuyển đổi xanh và tăng trưởng xanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sự kiện nhấn mạnh lợi ích khi thực hiện chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh cũng như bài học kinh nghiệm quốc tế.

"Đổi mới sáng tạo xanh giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tăng khả năng sinh lời theo chuỗi giá trị, giúp doanh nghiệp đáp ứng trước các tiêu chuẩn và các quy định ngày càng nghiêm ngặt hơn, thu hút đầu tư và giúp doanh nghiệp tăng năng suất, năng lực công nghệ…", ông Nguyễn Hoa Cương cho hay.

Ở Việt Nam, đổi mới sáng tạo xanh đã được các doanh nghiệp; trong đó, có doanh nghiệp nhỏ và vừa, quan tâm thực hiện ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, hàng tiêu dùng, xử lý chất thải, năng lượng, chế biến thực phẩm...

Tại nhiều địa phương, chính quyền và doanh nghiệp đã nhận thức được sự cần thiết phải đổi mới sáng tạo theo hướng xanh, chuyển đổi xanh, chuyển đổi để bắt kịp với sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng, đặc biệt các yêu cầu của thị trường quốc tế.

Nhiều mô hình kinh tế hướng tới thân thiện với môi trường được doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã đẩy mạnh áp dụng như kinh tế dưới tán rừng, kinh tế tuần hoàn, du lịch tái tạo, du lịch sinh thái, nông nghiệp xanh, giao thông xanh...

Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo xanh thông qua thực hành ESG (thực hiện đổi mới sáng tạo trong trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị), đổi mới công nghệ sản xuất sạch hơn, xanh hóa sản xuất nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm thực hiện.

Tuy nhiên, đại diện CIEM cho biết, mặc dù, được quan tâm thực hiện nhưng hoạt động đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khá hạn chế. Mức độ ứng dụng và cập nhật công nghệ trong doanh nghiệp còn khá thấp, các sản phẩm sản xuất ra có giá trị gia tăng không cao, sản phẩm mới với doanh nghiệp nhưng ít mới với thị trường…

Theo bà Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu thể chế kinh tế (CIEM), thực hiện đổi mới sáng tạo xanh sẽ giúp doanh nghiệp thu hút thêm nguồn đầu tư, tăng sinh lời nhiều hơn từ chuỗi giá trị; tuân thủ tốt các quy định về bảo vệ môi trường đóng góp vào phát triển bền vững; tăng năng suất và năng lực công nghệ...

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, thời gian qua, Nhà nước đã từng bước đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong thực hiện đổi mới sáng tạo xanh. Khung chính sách chung thúc đẩy đổi mới sáng tạo nói chung và đổi mới sáng tạo xanh đã được hình thành với nhiều cơ chế, chính sách pháp luật liên quan được ban hành và hoàn thiện; nhiều tổ chức hỗ trợ được hình thành. Các nhóm giải pháp chính sách tài chính và chính sách phi tài chính hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển và thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo xanh.

Theo đó, trong nhóm giải pháp chính sách tài chính, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp nhận được cao nhất. Những chính sách về thuế, phí đã tạo động lực và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo theo hướng xanh, sản xuất và tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Bên cạnh nguồn vốn tài chính từ ngân sách nhà nước, việc thực hiện các giải pháp chính sách tài chính thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo xanh đã thu hút, huy động thêm được các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt nguồn vốn đối ứng từ doanh nghiệp.

Nhiều địa phương cũng huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các tổ chức quốc tế…. để tổ chức các chương trình, các cuộc thi nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo xanh.

Tại nhiều địa phương, khía cạnh "xanh" và khai thác hiệu quả hơn tài nguyên bản địa đã được đặc biệt quan tâm. Nhiều địa phương đã có các chương trình, sáng kiến về mô hình phát triển xanh, huy động sự tham gia của nhiều đơn vị, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình đào tạo, tập huấn, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo theo hướng xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Để tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, lãnh đạo CIEM đề xuất, Chính phủ cần nghiên cứu quy định cụ thể về đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo xanh; tiêu chí xác định doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh làm cơ sở để xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp

Cùng với đó, Chính phủ cần tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý và hệ thống chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo xanh, bao gồm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các chính sách về thuế, tài chính, đầu tư; các chính sách về thị trường, tiêu dùng; các chính sách về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu và phát triển; chính sách phát triển công nghiệp môi trường đối với các sản phẩm, thiết bị và công nghệ phục vụ cho thực hiện đổi mới sáng tạo xanh, các chính sách khuyến khích liên kết giữa ngành, lĩnh vực, địa phương trong thực hiện đổi mới sáng tạo xanh và các công cụ chính sách khác…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục