Đổi mới thông tin kinh tế trong kỷ nguyên số hóa

06:25' - 16/10/2022
BNEWS Nhân dịp bán nguyệt san “Kinh tế Việt Nam & Thế giới” phát hành số thứ 1.000, các phóng viên thường trú ngoài nước của TTXVN đã có những chia sẻ thú vị về những trải nghiệm tác nghiệp nước sở tại.

Kỷ nguyên số cùng với “cú hích” dịch COVID-19 đã mang tới những thay đổi lớn về cách thức làm báo và xu hướng “tin tức tìm đến độc giả”. Trải qua chặng đường 1.000 số phát hành, bán nguyệt san “Kinh tế Việt Nam & Thế giới” của Ban Biên tập tin Kinh tế đã có sự chuyển mình nhanh chóng về hình thức tác nghiệp, nội dung, hình thức trình bày và đăng tải để thích ứng với những thay đổi của báo chí hiện đại, của xu hướng chuyển đổi số và những thay đổi bất ngờ và chưa từng có tiền lệ trong giai đoạn dịch COVID-19.

Nhân dịp bán nguyệt san “Kinh tế Việt Nam & Thế giới” phát hành số thứ 1.000, các phóng viên thường trú ngoài nước của TTXVN đã có những chia sẻ thú vị về những trải nghiệm tác nghiệp và xu hướng báo chí nước sở tại.

* Xu hướng “ePaper” hay “eMagazine”

Điểm qua một số tờ báo, tạp chí chuyên về kinh tế có uy tín nước ngoài, như The Economist hay The Financial Times, các tòa soạn báo này hiện đưa ra các gói thuê bao mua tin trên trang báo điện tử như “ft.com” hay “economist.com”, gói thuê bao “ePaper” hay eMagazine, hay gói mua tin trên trang báo điện tử và bản in, hoặc phiên bản trên điện thoại di động “FT mobile”…

Nhà báo Nguyễn Như Mai chia sẻ: “Khi là phóng viên thường trú TTXVN tại London (Vương quốc Anh), trang web Bnews.vn và ấn phẩm Bán nguyệt san 'Kinh tế Việt Nam & Thế giới' định dạng .pdf đăng tải trên trang tin điện tử - một hình thức ePaper hay eMagazine đang phổ biến tại các tòa soạn báo trên thế giới - là kênh thông tin hữu hiệu để giới thiệu tới các độc giả Việt Nam, độc giả nước ngoài và các chuyên gia tại Anh một cách nhanh chóng và tức thời.

Bán nguyệt san bản in sau đó sẽ được chuyển tới tay các chuyên gia trả lời phỏng vấn hay đưa ra nhận định trong các bài viết, chủ đề thực hiện cho các chuyên mục, trong đó có mục ‘Nhìn ra 5 châu’ của Bán nguyệt san, sau khi tôi nhận được ấn phẩm gửi qua bưu điện từ Việt Nam.

Họ đều bày tỏ sự trân trọng và vui thích khi nhận được bài viết có phần trả lời, nhận định và ảnh chân dung của họ, một phần vì tạp chí in ngày nay là một điều gì đó xa xỉ trong bối cảnh nhiều tòa soạn báo chuyển sang báo điện tử, cắt giảm hoặc bỏ hẳn báo in”.

Nhà báo Đào Thanh Tùng, Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Nhật Bản, cũng có những chia sẻ chi tiết về tình hình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng trong lĩnh vực báo chí, nhất là sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.  

Nhà báo Đào Thanh Tùng cho biết: “Do lượng phát hành báo in và lượng khán giả xem truyền hình đang giảm, các cơ quan báo chí ở Nhật Bản đã thay đổi phương thức phát hành theo hướng đầu tư nhiều hơn cho các website và ấn phẩm trực tuyến. Từ nhiều năm qua, hầu hết các tờ báo ở Nhật Bản đều áp dụng bán tin trên web song song với việc phát hành báo in.

Một số cơ quan báo chí như NNA Japan - bộ phận chuyên cung cấp thông tin kinh tế thuộc hãng tin Kyodo News - chỉ phát hành bản pdf và bán tin trên web thay vì phát hành báo in. Nikkei Inc. hay nhật báo Yomiuri đã phát triển báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí nhằm đa dạng hóa sản phẩm và tăng sức hút với độc giả”.

* Báo chí truyền thông đa phương tiện khẳng định vị thế

Từ thủ đô Paris (Pháp), Nhà báo Nguyễn Thu Hà, Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Pháp, cho hay: “Chưa bao giờ công nghệ số được ứng dụng trong lĩnh vực báo chí ở Pháp nhiều như hiện nay. Chưa bao giờ số lương độc giả truy cập các báo chí điện tử tại Pháp lại lớn đến thế, và cũng chưa bao giờ thông tin lại được cập nhật nhanh tới vậy”.

Thậm chí, trong giai đoạn dịch COVID-19, điều kiện y tế khắc nghiệt, đi lại khó khăn đã khiến báo giấy hoàn toàn nhường chỗ cho báo điện tử. 

Dù dịch bệnh hiện đã tạm lắng, nhưng theo nhà báo Nguyễn Thu Hà số lượng độc giả đăng ký đặt báo điện tử ngày càng tăng là một trong những bằng chứng cho thấy báo chí truyền thông đa phương tiện đã khẳng định được vị thế của mình trong lòng công chúng.

* Tác nghiệp và sản xuất báo chí thích ứng với cuộc “cách mạng số hóa”

Nhà báo Nguyễn Thu Hà chia sẻ về việc tác nghiệp tại Pháp, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19, phóng viên tác nghiệp từ xa, điện thoại di dộng dần thay thế cả máy ảnh, máy quay, thậm chí cả máy tính xách tay. Các phương tiện giúp chuyển tải thông tin như Wifi, Internet 3G, 4G thậm chí 5G, được tận dụng triệt để.

Các tòa soạn cũng phát huy tối đa vai trò của tòa soạn hội tụ, kết nối với phóng viên làm việc từ xa bằng các buổi giao ban thông tin trực tuyến, đăng tải tin bài gửi về trên các nền tảng kỹ thuật đa phương tiện.

Những thay đổi này góp phần giúp thông tin liên tục được cập nhật bằng các loại hình, từ tin văn bản, tin ảnh đến âm thanh, video, và với các thể loại từ phản ánh, phóng sự đến truyền hình trực tiếp.  

Nhà báo Nguyễn Diệu Linh, phóng viên thường trú TTXVN tại Sydney (Australia), cho hay hãng thông tấn Australia (AAP), đài ABC, tập đoàn truyền thông Nine (đơn vị chủ quản của các tờ báo như Sydney Morning Herald, The Age, Australia Financial Review, 9News…) đã chuyển sang hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ tòa soạn ảo.

Hầu hết biên tập viên được chuyển sang làm việc tại nhà, trong khi phóng viên được cung cấp các trang thiết bị như gậy nối dài gắn vào micro, để đảm bảo khoảng cách khi phóng viên thực hiện phỏng vấn trực tiếp với khách mời.

Nhận định về ứng dụng công nghệ số trong báo chí tại đất nước “Mặt Trời mọc”, Nhà báo Đào Thanh Tùng thường trú tại Tokyo, Nhật Bản, nói: “Nhiều năm qua, đài truyền hình NHK và một số cơ quan báo chí khác ở Nhật Bản đã sử dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (Machine learning) để phân tích nhu cầu thông tin và phản ứng của độc giả nhằm nắm bắt nhu cầu thông tin của xã hội, từ đó sản xuất các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của độc giả và cung cấp thông tin bằng nhiều ngôn ngữ cho người nước ngoài, nhất là trong trường hợp xảy ra thiên tai như động đất, sóng thần hay bão lũ”.

Nhà báo Đào Thanh Tùng cho biết thêm rằng kể từ sau khi dịch COVID-19 bùng phát, hầu hết các cơ quan báo chí đã thay đổi phương thức hoạt động theo hướng tăng cường sử dụng các phần mềm như Zoom hay Google Meet để giao ban, phỏng vấn hoặc tổ chức các hội thảo trực tuyến.

Như đánh giá của Nhà báo Nguyễn Diệu Linh, đại dịch COVID-19 góp phần làm thay đổi cách thức tác nghiệp, cũng như cách độc giả tiếp cận thông tin. Trước giai đoạn COVID-19, tại Australia, xu hướng ưa chuộng thông tin giải trí và truyền hình ngày càng được ưa chuộng, thì trong giai đoạn đại dịch, lượng truy cập vào thông tin kinh tế-xã hội đã tăng lên đáng kể. Cùng với đó, xu hướng đọc tin tức trên mạng xã hội cũng phát triển và tiếp tục cho tới thời điểm hiện tại và cả sau này. 

“Chuyển đổi số trong báo chí là điều tất yếu” là một trong nhưng cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong lĩnh vực báo chí và có lẽ đây là cách tốt nhất để báo chí tồn tại và có doanh thu như thu phí báo điện tử.

Để thực hiện điều này, thay đổi trong lối tư duy, đầu tư đào tạo lực lượng cầm bút với những bài viết của đội ngũ phóng viên trong nước và thường trú nước ngoài, và nhóm kỹ thuật, đón đầu xu hướng mới của báo chí thế giới là những tiêu chí của bán nguyệt san “Kinh tế Việt Nam & Thế giới” nói riêng và Ban Biên tập tin Kinh tế nói chung./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục