Hoạt động tín dụng chính sách - điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo

22:26' - 15/08/2020
BNEWS Đại hội đại biểu Đảng bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội lần thứ V nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã diễn ra trong 2 ngày 14-15/8.

Phát biểu tại Đại hội, ông Dương Quyết Thắng, Uỷ viên BCH Đảng bộ khối doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ủy viên HĐQT - Tổng Giám đốc cho biết, nhiệm kỳ qua, Đảng ủy Ngân hàng Chính sách Xã hội đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách; bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, đặc biệt là Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. 

Hoạt động tín dụng chính sách đã được lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, là một trong những “điểm sáng” trong các chính sách giảm nghèo.

Đại hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội lần thứ V, thống nhất ý chí và quyết tâm thực hiện mục tiêu “Xây dựng Đảng bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội trong sạch, vững mạnh toàn diện; sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ, có đầy đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp.

Cùng với đó là phát triển Ngân hàng Chính sách Xã hội thành tổ chức có khả năng tự chủ và phát triển ổn định lâu dài, đồng thời, duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ. Đổi mới, mở rộng tín dụng chính sách xã hội theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách, ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, gắn liền với mục tiêu xây dựng nông thôn mới".

Đại hội đã nhất trí xác định các nhiệm vụ trọng tâm để hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra trong nhiệm kỳ. Đồng thời, giao Ban Chấp hành Đảng bộ khóa V tiếp thu ý kiến đóng góp, chỉnh sửa, hoàn thiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội để ban hành chính thức và lãnh đạo tổ chức thực hiện, phấn đấu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội khóa IV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 nêu rõ, trong nhiệm kỳ qua, vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 12 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp hơn 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo.

Vốn tín dụng chính sách cũng thu hút, tạo việc làm cho hơn 1,3 triệu lao động, giúp hơn 346 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 7,4 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 2,8 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, gần 115 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, hơn 11 nghìn căn nhà ở xã hội.

Đến 31/7/2020, tổng nguồn vốn tín dụng đạt hơn 231,5 nghìn tỷ đồng, tăng gần 90 nghìn tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,1%, tổng dư nợ đạt hơn 220 nghìn tỷ đồng, tăng gần 85 nghìn tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,1%, với trên 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách khác còn dư nợ của hơn 20 chương trình tín dụng chính sách.

Cùng với việc tăng trưởng quy mô tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được nâng cao tỷ lệ nợ quá hạn chỉ 559 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ rất thấp 0,25%/tổng dư nợ, giảm 0,17% so với với đầu nhiệm kỳ, thấp hơn so với mục tiêu Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách Xã hội và Nghị quyết Đại hội.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã chủ động tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đến 31/7/2020 cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm, cân đối, bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền là hơn 19,6 nghìn tỷ đồng.

Vốn tín dụng chính sách xã hội tác động toàn diện, giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống cho người nghèo, đối tượng chính sách khác, nhất là khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Vốn tín dụng chính sách cũng mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần tác động tích cực nhằm đẩy lùi, ngăn chặn sự tác động tiêu cực của "tín dụng đen".

Đồng thời, tín dụng chính sách cũng tạo nguồn lực giúp các địa phương thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.

Tại Đại hội, ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tiếp tục được bầu vào vị trí Bí thư Đảng uỷ Ngân hàng Chính sách Xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục