Đòn bẩy phát triển trung du, miền núi Bắc Bộ: Bài 1- “Lá phổi xanh” của Tổ quốc

08:31' - 31/12/2022
BNEWS Các tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có nhiều tiềm năng, đặc biệt là lợi thế diện tích rừng lớn, độ che phủ rừng cao, thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội từ rừng.

Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đã đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng nhưng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém.

Tiềm năng, lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là "vùng trũng" trong phát triển và là "lõi nghèo" của cả nước, liên kết vùng còn yếu.

Các địa phương trong Vùng đều chưa cân đối được ngân sách, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kết quả giảm nghèo chưa bền vững…

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sẽ là đòn bẩy giúp vùng trung du, miền núi Bắc Bộ phát triển đột phá.

Trong ảnh: Lực lượng Kiểm lâm phối hợp với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Yên Bái kiểm tra, phân loại và xác định mốc giới 3 loại rừng tại Khu bảo tồn Nà Hẩu, huyện Văn Yên, Yên Bái. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 5 bài viết chủ đề “Đòn bẩy phát triển trung du, miền núi Bắc Bộ”. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Bài 1: “Lá phổi xanh” của Tổ quốc

Các tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có nhiều tiềm năng, đặc biệt là lợi thế diện tích rừng lớn, độ che phủ rừng cao, thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội từ rừng.

Vì vậy, trong nhiệm vụ tổng thể phát triển, các địa phương đã coi trọng việc giữ rừng và trồng rừng, vừa bảo đảm phát triển xanh, bền vững; vừa chống lũ ống, lũ quét, bảo đảm an toàn cho người dân, thực sự là “lá phổi xanh” của Tổ quốc.

* Bảo vệ, khôi phục rừng

Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ bao gồm 14 tỉnh trực tiếp nằm trong Vùng và 21 huyện, 1 thị xã phía Tây tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An. Các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đã thực hiện hiệu quả nguồn hỗ trợ của Trung ương để làm tốt khoanh nuôi bảo vệ, trồng rừng thay thế nên diện tích rừng không ngừng tăng nhanh, tỷ lệ che phủ cao. Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ che phủ rừng của Vùng đạt khoảng 54-55%.

Là tỉnh miền núi, biên giới khó khăn, nhưng Lai Châu là một trong những tỉnh điển hình đi đầu trong công tác bảo vệ, trồng rừng thay thế. Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả nhất định, tạo đà phát triển lâm nghiệp bền vững; chất lượng rừng được nâng lên, độ che phủ rừng tăng theo từng năm, đã phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh về lâm nghiệp.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lai Châu nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 4 chương trình trọng điểm, trong đó có Chương trình phát triển rừng bền vững. Chi cục Kiểm lâm Lai Châu thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 487 nghìn ha rừng, độ che phủ đạt gần 52%. Mục tiêu đến năm 2030, Lai Châu phấn đấu trồng 35 nghìn ha rừng trồng mới, trồng lại sau khai thác, nâng tổng diện tích rừng trồng toàn tỉnh lên trên 55 nghìn ha, diện tích cây mắc ca đạt khoảng 35 nghìn ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 56%.

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng cho biết: Tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 3/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; phát triển kinh tế rừng bền vững dựa trên nguyên tắc phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, trồng rừng, khai thác, chế biến, thương mại lâm sản, dịch vụ môi trường rừng gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Tỉnh xây dựng thí điểm một số mô hình quản lý rừng bền vững dựa vào cộng đồng, đẩy mạnh phát triển kinh tế dưới tán rừng, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng có rừng và hưởng lợi từ rừng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo an ninh quốc phòng và an ninh nguồn nước. Đồng thời, đánh giá và hoàn thiện các thủ tục thành lập khu rừng đặc dụng tại huyện Mường Tè để quản lý, bảo tồn các loài động vật, thực vật quý hiếm, rừng biên giới; thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lâm sản gắn với khai thác rừng trồng sản xuất đến chu kỳ khai thác.

Yên Bái có tổng diện tích rừng 435 nghìn ha, tỷ lệ che phủ đạt 63%, là tỉnh đứng Top 4 toàn quốc về độ che phủ rừng. Tỉnh đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng, lồng ghép hiệu quả để hỗ trợ thiết thực, đảm bảo mục tiêu người làm nghề rừng sống được từ rừng. Ngoài việc nhận khoán bảo vệ rừng, người dân còn được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Ông Tô Xuân Quý, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Yên Bái cho biết: Toàn tỉnh đang chi trả dịch vụ môi trường rừng của gần 200 nghìn ha rừng phòng hộ đầu nguồn cho hơn 56 nghìn hộ dân. Với phương châm "lấy rừng để nuôi rừng”, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần đáng kể nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân vùng cao, thêm động lực để người dân gắn bó với rừng.

Là huyện vùng cao có diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ lớn nhất tỉnh Yên Bái, huyện Mù Cang Chải đang giao khoán bảo vệ, quản lý cho các nhóm hộ dân sinh sống tại 14 xã, thị trấn trong huyện toàn bộ diện tích trên 53 nghìn ha rừng, với đơn giá giao khoán là 720 nghìn đồng/ha/năm.

Ông Thào A Phềnh (bản Lả Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải) cho biết, toàn bộ hơn 100 hộ trong bản đều tham gia tổ bảo vệ rừng, hàng năm nhận được trên 400 triệu đồng từ dịch vụ môi trường rừng của gần 600 ha rừng. Số tiền trên được chia cho các thành viên theo ngày công đi tuần tra và trồng rừng, ngoài ra cho vào quỹ làm đường, hỗ trợ hộ nghèo. Tuy số tiền không lớn nhưng rất ý nghĩa đối với người trong bản.
 

* Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững

Phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, các huyện của tỉnh Yên Bái đã chú trọng trồng rừng với nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao. Đến nay, tỉnh Yên Bái đã hình thành 2 vùng rừng trồng chuyên canh tập trung, cung cấp nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến.

Với quy mô trên 80 nghìn ha, vùng trồng quế chuyên canh của huyện Văn Yên hiện là “thủ phủ” cây quế của tỉnh Yên Bái và cả nước. Theo ông Hà Đức Anh, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, sản lượng toàn huyện khai thác bình quân mỗi năm đạt trên 18 nghìn tấn vỏ quế khô, trên 85 nghìn tấn cành lá quế, chế biến 600 tấn tinh dầu quế và hơn 200 nghìn mét khối gỗ quế. Giá trị các sản phẩm từ quế đạt hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, quân bình cho thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi ha trồng quế.

 

Tỉnh Yên Bái sở hữu nhiều cánh rừng nguyên sinh đẹp bậc nhất vùng Tây Bắc đang thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan trải nghiệm, tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn hộ dân, đồng thời giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên rừng.

Bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nguyên sơ đang là yếu tố quan trọng, lợi thế để tỉnh thu hút đầu tư, phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, khám phá, nghỉ dưỡng... tạo sinh kế bền vững cho người dân giữ rừng. Nhận thức được điều này, những năm gần đây, ý thức bảo vệ môi trường cảnh quan, bảo vệ hệ động thực vật đa dạng, phong phú của đồng bào dân tộc được nâng lên đáng kể, người dân đã yên tâm, gắn bó với rừng.

Tuyên Quang cũng là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về độ che phủ của rừng, với tỷ lệ che phủ trên 65%. Để phát huy thế mạnh, Tuyên Quang đã và đang thực hiện nhiều chính sách, cơ chế phù hợp, góp phần đưa kinh tế lâm nghiệp phát triển nhanh và vững chắc, giúp nâng cao đời sống của người trồng rừng, đồng thời, tạo động lực mạnh mẽ để Tuyên Quang sớm hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh điển hình về phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững của cả nước.

Hiện nay, Tuyên Quang có gần 450 nghìn ha đất lâm nghiệp (chiếm 70% diện tích tự nhiên), trong đó có 190 nghìn ha rừng trồng, với sản lượng gỗ khai thác 1 triệu m3/năm, lớn nhất vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Đây chính là “cú hích” đưa Tuyên Quang trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ của Vùng.

Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020” đã tạo sự thay đổi trong diện mạo và phát triển của tỉnh Tuyên Quang.

Đặc biệt là kinh tế lâm nghiệp có bước phát triển nổi bật, tốc độ tăng trưởng ngành lâm nghiệp bình quân đạt trên 8%/năm, GRDP ngành lâm nghiệp năm 2021 đạt gần 2.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 40.000 lao động. Tỉnh duy trì hệ sinh thái bền vững, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là lụt bão, hạn hán, sạt lở đất.

Đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã thu hút được 8 nhà đầu tư lớn liên kết xây dựng các nhà máy chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm từ gỗ rừng trồng như giấy, bột giấy, đồ gỗ nội thất cao cấp, ván công nghiệp, viên nén năng lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu, Mỹ. Điển hình như Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa với công suất 130.000 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang công suất là 150.000 m3 sản phẩm/năm… Các nhà máy này đã tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động và bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ rừng trồng cho người dân.

Để đưa Tuyên Quang trở thành trung tâm sản xuất, chế biến gỗ của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho biết: Địa phương sẽ thực hiện rà soát, củng cố vùng nguyên liệu, phối hợp các địa phương trong vùng và các doanh nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu để đảm bảo nhu cầu phục vụ cho một trung tâm chế biến gỗ lớn trong tương lai; chuẩn bị tất cả các điều kiện để nâng cao năng suất, chất lượng của rừng trồng, trước tiên là chất lượng cây giống phục vụ trồng rừng.

Giải pháp để thực hiện nhiệm vụ theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là phải phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, không đánh đổi tăng trưởng bằng suy thoái môi trường, làm mất đi đa dạng sinh học, cân bằng tự nhiên; bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng theo hướng phát triển đa giá trị, bền vững và hiệu quả; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và kinh tế dưới tán rừng; tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn; mở rộng các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung, trồng cây gỗ lớn, lâm sản ngoài gỗ, quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế; phát triển công nghiệp chế biến theo hướng chế biến tinh, sâu, giảm dần chế biến thô, đẩy mạnh xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ./.

>>> Bài 2: Đột phá từ hạ tầng giao thông

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục