Phát triển kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc Bộ: Khơi dậy tiềm năng

14:51' - 19/08/2022
BNEWS Hội nghị lần này sẽ tập trung trao đổi thông tin, đề cập thực trạng, tiềm năng cũng như giải pháp để hướng tới mục tiêu cao nhất thúc đẩy hai khu vực trên theo hướng phát triển xanh và bền vững.

Ngày 19/8, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo thông tin Hội nghị Công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ được tổ chức ngày 27/8, tại thành phố Lào Cai.

Với chủ đề “Tiềm năng - Cơ hội - Hợp tác phát triển”, hội nghị thu hút khoảng 600 đại biểu, gồm đại diện các bộ, ngành, địa phương cũng tổ chức quốc tế, cơ quan tư vấn, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự kiến sẽ chủ trì hội nghị.

Thông tin tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, hội nghị lần này sẽ tập trung trao đổi thông tin, đề cập thực trạng, tiềm năng cũng như giải pháp để hướng tới mục tiêu cao nhất thúc đẩy hai khu vực trên theo hướng phát triển xanh và bền vững. các cơ quan chức và địa phương sẽ cung cấp thông tin, bàn luận về nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế một cách tổng hợp, đúng tầm và hợp lý với đặc điểm, tiềm năng cũng như sự cân thiết của khu vực. Đó là đầu tư cho hạ tầng giao thông, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển du lịch gắn liền với khai thác và bảo tồn bản sác văn hoá miền núi, đồng bào dân tộc; thu hút đầu tư cho sản xuất kinh doanh, tập trung vào canh tác, chế biến sản phẩm nông nghiệp sạch; phát triển các ngành công nghiệp; điện tử, bán dẫn và dịch vụ du lịch…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh, trước bối cảnh tình hình và yêu cầu phát triển mới, việc phát triển kinh tế-xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết bằng một tư duy mới, tầm nhìn mới, cơ hội mới và hợp tác phát triển mới. Theo Nghị quyết 11/NQ-TW, toàn khu vực trên sẽ phát triển bền vững và toàn diện; trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc…

Đánh giá chung của các cơ quan chức năng cho biết, hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đã được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng với cả nước. Mặc dù có tiềm năng nhưng mức độ phát triển kinh tế còn hạn chế, chưa đồng đều giữa các địa phương, còn nhiều khó khăn, thiếu hạ tầng và chịu ảnh hưởng của đặc thù địa hình, điều kiện tự nhiên.

Đại diện các cơ quan đơn vị sẽ tham khảo ý kiến của giới chuyên gia, đại diện tổ chức quốc tế cũng như tiếp thu các tham vấn mang tính chất chuyên đề về một số lĩnh vực. Đại diện giới doanh nghiệp cũng tiếp cận thông tin về tiềm năng, đặc điểm cũng như như cầu kêu gọi đầu tư; danh mục dự án đầu tư, quy hoạch liên quan tại các địa phương thuộc vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, với mục tiêu phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; là hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng- an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện nghị quyết này.

Chương trình hành động của Chính phủ được xây dựng bám sát quan điểm, mục tiêu, đồng thời là sự cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 11-NQ/TW; trong đó, xác định rõ các nhiệm vụ chủ yếu, các giải pháp cụ thể các dự án có quy mô lớn, liên vùng gắn với kế hoạch tổ chức theo lộ trình phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu của nghị quyết. Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 17 nhiệm vụ cụ thể và 33 dự án liên vùng, kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.

Cùng với đó, việc Hội nghị Xúc tiến đầu tư được tổ chức song song với lễ trao thỏa thuận hợp tác và các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư, sản xuất - kinh doanh của toàn vùng. Đây chính là điều kiện tiên quyết để các kế hoạch, mục tiêu chiến lược được đặt ra tại Nghị quyết số 11-NQ/TW có thể được hiện thực hóa.

Bên cạnh đó, Triển lãm Ảnh nghệ thuật “Vùng trung du miền núi phía Bắc: Tiềm năng và cơ hội” cũng sẽ được tổ chức trong hai ngày 27 và 28/8, nhằm giới thiệu vẻ đẹp của vùng đất và con người vùng trung du và miền núi phía Bắc, khắc họa những nét đẹp tiêu biểu trong đời sống văn hóa, tinh thần, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc của đồng bào trong vùng.

"Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của vùng trung du và miền núi phía Bắc, mở ra cơ hội mới cho vùng đất phên giậu của Tổ quốc”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục