Donald Trump - “nỗi phiền muộn” của nước Mỹ?

07:03' - 21/10/2016
BNEWS Chỉ còn gần một tháng nữa, người dân Mỹ sẽ biết được chủ nhân mới của Nhà Trắng khi mà cuộc đua giữa hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump đang bước vào chặng nước rút.
Ứng cử viên Donald Trump (giữa) và những người ủng hộ bên ngoài tòa nhà Trump Towers ở Manhattan, New York ngày 8/10/2016. Ảnh: EPA/TTXVN

Trước khi được đảng Cộng hòa chọn làm đại diện của đảng người ta chỉ biết đến tỷ phú Trump là “ông trùm của những ông trùm bất động sản”, “vua tiền mặt” hay “ông trùm truyền thông”. 

Còn khi đã ngồi lên ghế nóng tranh đua chiếc ghế Tổng thống Mỹ, ông Trump lại đối mặt với hàng loạt chỉ trích như coi thường phụ nữ, kêu gọi “cấm cửa” người Hồi giáo, nghi án trốn thuế...

Từ nhà tài phiệt bất động sản

Donald Trump sinh ngày 14/6/1946 tại New York, Mỹ. Cha của ông, Fred Trump, là một doanh nhân buôn bán bất động sản có tiếng ở New York. 50 năm trước, gia đình Trump đã có nhiều triệu USD với những tòa chung cư cho thuê ở các quận Brooklyn, Queens và State Island.

Thời học đại học, một trong những dự án đầu tiên của ông Trump là hồi sinh tổ hợp căn hộ Swifton Village ở Cincinnati, Ohio, được cha ông mua lại với giá 5,7 triệu USD vào năm 1962. Tốt nghiệp đại học, ông Trump gia nhập công ty bất động sản của cha là Elizabeth Trump & Son.

Công ty này chủ yếu khai thác lĩnh vực nhà cho thuê dành cho giới trung lưu tại các quận Brooklyn, Queens và Staten Island của New York.

Năm 1975, ông Trump lao vào thị trường địa ốc với những dự án lớn riêng: đầu tiên là khách sạn Commodore Hotel, sau là Grand Hyatt Hotel New York và hàng loạt công trình khác.

Đến thập niên 1980 ông Trump đã thực sự trở thành ông trùm bất động sản khi nhiều các dự án khách sạn, nhà cửa và bất động sản lớn tại Manhattan đều tập trung về tập đoàn kinh doanh bất động sản của ông.

Tiếng tăm của ông Trump trở nên nổi hơn bao giờ hết khi năm 1983 ông cho khánh thành toà nhà Trump Tower nguy nga và tráng lệ tại khu phố Manhattan sang trọng bậc nhất của nước Mỹ.

Ứng cử viên Donald Trump phát biểu trong chiến dịch vận động tranh cử ở Bethpage, New York ngày 6/4/2016. Ảnh: EPA/TTXVN

Tạp chí Forbes đánh giá tài sản của ông Trump là 4,1 tỷ USD, trong khi Wealth-X đưa ra con số gần 4,2 tỷ USD. Dù vậy nhiều công ty thẩm định giá tài sản vẫn cho rằng tài sản vô hình của "thương hiệu Trump" có thể khiến giá trị tài sản của vị tỷ phú tăng cao hơn thế.

Chính vì điều đó, ông Trump cho rằng tiềm lực tài chính là thứ khiến ông trở thành người phù hợp nhất cho vị trí người đứng đầu Nhà Trắng.

Không chỉ lập nên một đế chế bất động sản, Trump còn rất nổi tiếng trong giới giải trí. Ông Trump đã hai lần là ứng cử viên cho Giải Emmy, xuất hiện trong các chương trình truyền hình và phim ảnh trong vai diễn là chính mình nhưng dưới góc độ hài hước như The Fresh Prince of Bel-Air, Days of Our Lives, Wall Street: Money Never Sleeps.

Năm 2003, ông Trump trở thành giám đốc sản xuất và MC của chương trình truyền hình thực tế của đài NBC The Apprentice (Nhân viên Tập sự). Trong năm đầu tiên của chương trình, Trump kiếm được 50.000 USD mỗi tập (gần 700.000 USD cho mùa đầu tiên).

Tiếp nối thành công ban đầu, sau này ông được trả tới 3 triệu USD mỗi tập, đưa ông trở thành một trong những ngôi sao truyền hình có mức thù lao cao nhất.

… đến trở thành “nỗi phiền muộn” của nước Mỹ

Đến ngày 16/6/2015, ông Trump chính thức tuyên bố tham gia tranh cử tổng thống năm 2016 và tuyên bố sẽ tự bỏ tiền túi trang trải cho chiến dịch, không cần dùng tiền từ nhà tài trợ và các nhà vận động hành lang.

Tuy nhiên, trong vòng một năm kể từ khi tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng, "ông trùm" bất động sản này đã gây sự chú ý và hứng chịu búa rìu của dư luận khi có những phát ngôn gây sốc như xây dựng một bức tường để ngăn cản người di cư Mexico đến Mỹ.

Doanh nhân-chính khách này còn cam kết nếu đắc cử, ông sẽ trục xuất 11 triệu người nhập cư trái phép trên đất Mỹ. Ông cũng kêu gọi "cấm cửa hoàn toàn" người Hồi giáo vào Mỹ do lo ngại các vụ tấn công khủng bố.

Những đối tượng bị ông Trump công kích ngày càng mở rộng, bao gồm cả phụ nữ, những người biểu tình gốc Phi và các thành viên gia đình đối thủ. Theo danh sách được tờ The New York Times thống kê, vị đại diện của đảng Cộng hòa đã có những phát ngôn "động chạm" đến 210 cá nhân cũng như địa điểm trên trang mạng xã hội Twitter.

Ứng viên Donald Trump (giữa) gặp gỡ những người ủng hộ trong cuộc vận động tranh cử tại Charlotte, Bắc Carolina ngày 14/10. Ảnh: EPA/ TTXVN

Không chỉ bị chỉ trích vì những phát ngôn gây sốc, tỷ phú Trump  cũng đang đối mặt với nghi án trốn thuế, sau khi tờ The New York Times công bố một báo cáo thuế của công ty do nhà tỷ phú này đứng đầu cho thấy ông đã báo lỗ 916 triệu USD vào năm 1995.

Một đoạn trích trong bản khai thuế thu nhập năm 1995, do một người cung cấp thông tin giấu tên gửi đến tòa soạn tờ New York Times cho thấy các sòng bài của ông tại Atlantic City bị thua lỗ nặng. Theo các chuyên gia về thuế, mức lỗ này sẽ cho phép "ông trùm" bất động sản không phải nộp thuế thu nhập trong ít nhất 18 năm kế tiếp.

Sau khi hồ sơ thuế bị rò rỉ, ông Trump lại nhận thêm cáo buộc về sai phạm tài chính. Theo đó, quỹ từ thiện của ông bị buộc phải ngừng hoạt động ở New York do vi phạm pháp luật. Quỹ Trump do ông làm Chủ tịch được thành lập năm 1987, với mục đích để làm từ thiện từ số tiền thu được từ cuốn sách "The Art of the Deal" của ông.

Trong nhiều năm, ông Trump là nhà tài trợ duy nhất của quỹ này với đóng góp khoảng 5,4 triệu USD từ năm 1987 đến năm 2006. Nhưng từ đầu thập niên 2000, Quỹ Donald Trump có sự thay đổi và bắt đầu nhận tiền quyên góp từ cộng đồng.

Hồ sơ thuế cho thấy trong 10 năm qua, mỗi năm quỹ Donald Trump đều quyên góp được hơn 25.000 USD từ các mạnh thường quân không thuộc gia đình Trump.

Ngoài ra, đầu năm nay, quỹ này còn lập một trang web nhằm quyên góp tiền để giúp đỡ các cựu binh và thu được 1,67 triệu USD. Theo luật New York, nơi quỹ Donal Trump đặt trụ sở, bất kỳ tổ chức từ thiện nào quyên góp hơn 25.000 USD từ cộng đồng mỗi năm đều phải đăng ký hoạt động với chính quyền bang.

Hiện Văn phòng Tổng Chưởng lý yêu cầu quỹ của ông Trump phải cung cấp một số tài liệu cần thiết về các hoạt động gây quỹ, trong đó có các bản kê tài chính đã được kiểm toán và các báo cáo tài chính hàng năm.

Ứng viên đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton (phải) trong phiên tranh luận trực tiếp lần hai với ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump (trái) tại St. Louis, Missouri ngày 9/10. Ảnh: THX/ TTXVN

Sau cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên hôm 26/9 có phần "lép vế" so với bà Clinton, ông Trump đã phần nào lấy lại thần thái trong cuộc tranh luận trực tiếp lần hai đầy căng thẳng vào tối 9/10 giờ Mỹ tại hội trường Đại học Washington ở thành phố St. Louis của bang Missouri.

Tuy vậy, tại buổi tranh luận lần hai này, tỷ phú Mỹ thừa nhận mình trốn thuế khi người dẫn chương trình Anderson Cooper chất vấn rằng có phải ông sử dụng khoản tiền gần 1 tỷ USD thua lỗ để tránh thuế liên bang. Trước đó ngày 8/10 tờ Washington Post còn công bố một đoạn băng ghi lại những ngôn từ khiếm nhã mà ông nhằm vào phụ nữ.

Theo kết quả thăm dò ngày 9/10 của trang mạng RealClearPolitics, tỷ lệ ủng hộ ứng viên Trump đã giảm từ 44,5% xuống còn 42,9%, trong khi tỷ lệ ủng hộ bà Clinton tăng từ 47% lên 47,5%.

Cuộc tranh luận trực tiếp thứ ba và cũng là cuối cùng giữa bà Clinton và ông Trump dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 19/10 tới tại Đại học Nevada ở thành phố Las Vegas.

Theo giới phân tích, nếu không muốn tiếp tục “nếm trái đắng”, ông Trump cần phải kiềm chế hơn, hạn chế công kích đối phương và tránh những cử chỉ không đáng có trong cuộc tranh luận.

Quan trọng nhất, đại diện của đảng Cộng hòa cần phải có một màn thể hiện ấn tượng với những lập luận sắc sảo, quyết đoán và sự am hiểu đường lối đối nội, đối ngoại của một tổng thống Mỹ tương lai.

Các nhà phân tích cho rằng, dù ưu thế hiện tại đang nghiêng về ứng cử viên của đảng Dân chủ Clinton, song cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đã chứng kiến không ít bất ngờ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục