Đồng bạc xanh mạnh lên kéo giá dầu thế giới đi xuống

08:05' - 15/08/2023
BNEWS Chốt phiên ngayf 14/8, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 60 xu Mỹ, xuống 86,21 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 68 xu Mỹ, dừng ở mức 82,51 USD/thùng.

 

Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần 14/8, do những lo ngại về sự phục hồi kinh tế đang chững lại của Trung Quốc lớn dần lên và đồng bạc xanh tiếp tục mạnh hơn, đạt mức cao nhất trong hơn một tháng.

Chốt phiên, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 60 xu Mỹ, tương đương 0,69%, xuống 86,21 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 68 xu Mỹ, tương đương 0,82%, dừng ở mức 82,51 USD/thùng.

 
Chuyên gia Walter Zimmerman, Trưởng bộ phận phân tích kỹ thuật của công ty phân tích ICAP-TA, cho biết kỳ vọng nhu cầu dầu của nền kinh tế Trung Quốc sẽ sớm trở lại mức trước đại dịch đang mờ dần và thị trường dầu mỏ đang đối mặt với triển vọng tăng trưởng yếu trong tương lai.

Theo chuyên gia Phil Flynn, nhà phân tích tại tập đoàn tài chính Price Futures, các nhà giao dịch đang căng thẳng cân nhắc giữa sự cân bằng cung-cầu chặt chẽ cùng với các dấu hiệu nhu cầu suy yếu từ Trung Quốc.

Nhưng chuyên gia Vandana Hari, người sáng lập công ty phân tích thị trường dầu mỏ Vanda Insights, tin rằng thị trường dầu thô có thể sẽ điều chỉnh khi những kỳ vọng về sự điều chỉnh khai thác sẽ thu hẹp khoảng cách cung – cầu. Bà Hari lưu ý trọng tâm là kinh tế Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới, đã xuất hiện các tín hiệu lạc quan. Điều này phần nào làm mờ đi những lo lắng từ những cơn gió ngược về kinh tế ở Khu vực đồng euro (Eurozone) và Trung Quốc.

Chịu áp lực từ giá dầu, đồng USD tiếp tục tăng mạnh, tiếp nối đà tăng duy trì từ đầu tháng Bảy. Việc đồng bạc xanh mạnh hơn gây áp lực lên giá dầu, vì được định giá bằng đồng USD.

Vào ngày 14/8, một phát ngôn viên của công ty khai thác dầu Shell cho biết xuất khẩu dầu thô Forcados của Nigeria đã được nối lại vào ngày 13/8, khoảng một tháng sau vụ việc kho dầu tại cảng xuất khẩu buộc phải đình chỉ do có khả năng bị rò rỉ.

Theo báo cáo của hãng tin Reuters (Anh), việc dừng xuất khẩu dầu của Nigeria là nguyên nhân lớn thứ hai khiến sản lượng dầu thô sụt giảm mạnh trong tháng Bảy, chỉ sau lệnh giảm khai thác dầu của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là nhóm OPEC+.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo kế hoạch cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga sẽ làm giảm lượng cung dầu trong thời gian còn lại của năm, có khả năng đẩy giá dầu cao hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục