Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với sạt lở: Bài cuối: Giải pháp nào để ứng phó hiệu quả?

18:41' - 17/04/2018
BNEWS Một chiến lược ứng phó và thích nghi trước tình trạng sạt lở bờ sông, biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long rất cần được nghiên cứu bài bản và được thực hiện một cách đồng bộ trên cơ sở liên vùng.
Điểm sạt lở đoạn gần chợ Tham Rôn (xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy,Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Trước khi có chiến lược, theo các chuyên gia, một quy hoạch tổng thể cần được nghiên cứu và chọn lựa bước đi chính xác để tạo thành “mắt xích” thúc đẩy sự chuyển dịch đồng bộ và đảm bảo lợi ích cho tất cả các ngành kinh tế.

Cần quy hoạch tổng thể 

Các chuyên gia về môi trường cho rằng, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập.

Đó là việc phát triển khu công nghiệp và đô thị theo các hướng dọc bờ sông nhằm thu hút đầu tư công nghiệp, hàng nghìn hecta đất dọc sông Tiền và sông Hậu được ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp được quy hoạch chuyển thành các khu công nghiệp và khu dân cư. Trong khi tại khu vực này có nền đất yếu và dòng chảy lũ có vận tốc lớn đã làm gia tăng sạt lở bờ sông.
Bên cạnh đó, ngoài tình trạng khai thác cát, đến nay việc cung cấp nước sạch dân sinh chỉ mới đảm báo khoảng 60 - 65% dân số đô thị, đối với dân cư nông thôn tỷ lệ này còn thấp hơn rất nhiều; phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ven biển cùng với các hoạt động khác đã làm tăng mức độ khai thác nước ngầm, khiến mực nước ngầm bị rút thấp xuống, gây nên sụt lún đồng bằng.
Theo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sụt lún đất ở đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức khoảng 1 - 3 cm/năm, lớn hơn so với mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu.
Để tháo gỡ thực trạng nói trên, thời gian qua, Chính phủ đã xây dựng nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế, ứng phó với biến đổi khu vực này. Tuy nhiên những nỗ lực này chưa phát huy hiệu quả vì cách tổ chức thực hiện còn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, thiếu liên kết nên nguồn lực đầu tư dàn trải.
Để các chương trình, dự án đang được triển khai ở đồng bằng sông Cửu Long phát huy tốt hiệu quả, các chuyên gia kiến nghị Chính phủ cần thực hiện quy hoạch không gian lãnh thổ dựa trên đặc thù, hiện trạng tài nguyên đất, nước và tác động của tình hình biến đổi khí hậu để có cơ sở phân vùng tự nhiên. Từ đó sẽ định hình rõ phương thức, mức độ đầu tư như thế nào và phát triển kinh tế ngành, định hướng phát triển đô thị cho phù hợp.
Theo Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thế Chinh, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên môi trường, dựa vào các kịch bản biến đổi khí hậu, thực trạng các khu vực bị tác động sạt lở để xác định các giải pháp mang tính lâu dài.

Chẳng hạn như đối với những hiện trạng đã hình thành khu vực tập trung đông dân cư, khu đô thị, công nghiệp… không thể di dời thì sẽ định hình và có những “giải pháp cứng” để bảo vệ an toàn; vùng sinh thái, những vùng nông nghiệp cần chuyển đổi linh hoạt và có các “giải pháp mềm” tuân thủ quy luật tự nhiên, tránh đầu tư lãng phí.
Chọn bước đi phù hợp
Với ý kiến của Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thế Chinh nói trên, nếu nhìn rộng hơn nữa sẽ thấy thêm một vấn đề là trong nhiều năm qua Việt Nam chưa chú trọng đúng mức đến những giải pháp phi công trình mà chỉ tập trung vào triển khai những công trình cứng.
Theo đó là các giải pháp về dự báo sạt lở, diễn biến của các dòng sông, kênh rạch… là yêu cầu bức thiết mà chính quyền địa phương ở các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long kiến nghị Chính phủ triển khai sớm.
“Biến đổi khí hậu, tình hình sạt lở xảy ra nghiêm trọng, phức tạp, tỉnh Đồng Tháp rất mong muốn Chính phủ có chính sách hỗ trợ, triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm cảnh báo sớm để các địa phương chủ động ứng phó hiệu quả, giảm thiệt hại”, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp kiến nghị.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, cho rằng việc trước mắt là xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, chuyên đề và được kết nối với nhau nhằm giúp các viện, trường, các nhà khoa học có thể khai thác. Bước tiếp theo là tập hợp các chuyên gia để xây dựng các mô hình kiểm soát những vùng cần theo dõi sạt lở.
Khi có số liệu và các mô hình theo dõi hợp lý nói trên thì việc xác định lượng cát, vị trí, thời gian khai thác dựa trên ngưỡng cân bằng bùn cát đảm bảo ổn định cho sông, ven biển sẽ do các cơ quan quản lý tài nguyên quyết định. Đồng thời công tác này được giao về cho một đầu mối quản lý (có thể là Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhằm nâng cao khả năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc khai thác mỏ cát, nạo vét tuyến đường thủy…
Đây cũng sẽ tạo “lực đẩy” để các ngành khác như xây dựng, giao thông, nông nghiệp triển khai các “giải pháp mềm” như nghiên cứu sử dụng các loại vật liệu thay thế trong xây dựng và san lấp. Đặc biệt là sử dụng lượng đất, bùn nạo vét để san lấp theo mô hình “Ngân hàng đất” mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nghiên cứu triển khai.
Đồng thời mô hình này sẽ giúp đẩy mạnh việc quy hoạch, xây dựng hệ thống hồ sinh thái chứa nước ngọt ở vùng, đây là giải pháp phi công trình đa mục tiêu nhằm chủ động khắc phục các nguyên nhân quan trọng của sạt lở, giảm sử dụng nước ngầm gây lún sụt đất, hạn mặn, ngập úng.
Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh cho rằng nên dành 10% quỹ đất ở mỗi khu vực xây dựng hồ sinh thái và sẽ cung cấp lượng đất đủ để san nền (giảm khoảng 80-90% nhu cầu khai thác cát) như là một giải pháp chủ động giảm thiểu sạt lở ven sông, ven biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với việc bảo vệ bờ biển là một chương trình lâu dài, tích hợp nhiều biện pháp từ xây dựng công trình đến quản lý khai thác, trong đó yếu tố ổn định rừng ven biển cần phải xác định là đặc biệt quan trọng. Kiểm soát di dân tự do, phá rừng ven biển làm đầm nuôi trồng thủy sản như từng xảy ra một vài nơi ở Cà Mau.
Những năm qua, các nhà khoa học trong lĩnh vực tài nguyên môi trường đã có nhiều nghiên cứu về khái niệm kinh tế “sinh thái nhân văn”. Khái niệm này nhằm xác định mối quan hệ qua lại giữa xã hội và sinh thái nhằm từ đó tạo ra những mô hình vừa phát triển sinh kế bền vững và đồng thời bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Đây có thể nói là nền tảng cho Chính phủ, các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long ban hành và xây dựng các chính sách quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững.
Ngoài ra, Chính phủ cần xem xét kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông về việc ban hành văn bản giữ nguyên 227 nghìn ha rừng của các tỉnh trong vùng, đặc biệt là 63 nghìn ha rừng ngập mặn, không được chuyển đổi dưới bất kỳ hình thức nào trừ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.
Đồng thời bổ sung đề án và tạo nguồn lực phát triển thêm rừng ngập mặn ở những nơi có điều kiện; có cơ chế khuyến khích đủ sức hấp dẫn các thành phần kinh tế tạo đất, rừng mới giữ bờ biển, lấn bờ biển bằng chính sách giao đất thời gian dài 50 - 70 năm với diện tích đất, rừng mới được tạo lập./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục