Đồng bào dân tộc thiểu số miền núi thoát nghèo nhờ vốn tín dụng

17:58' - 12/12/2023
BNEWS Nguồn vốn được triển khai kịp thời, đúng đối tượng, giúp hàng trăm hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số xóa nhà tạm, xây dựng nhà mới khang trang và mở rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.

Theo ông Trần Duy Cường, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi, Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ 2021 - 2025 có ý nghĩa quan trọng giúp đồng bào dân tộc thiểu số miền núi thoát nghèo bền vững.

Để Nghị định phát huy hiệu quả, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các tổ chức chính trị, đoàn thể các địa phương thường xuyên phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về điều kiện cho vay, đối tượng vay, nguồn vốn vay… Ngoài ra, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, đảm bảo hiệu quả nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.

 

Đến nay, nguồn vốn được triển khai kịp thời, đúng đối tượng, giúp hàng trăm hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số xóa nhà tạm, xây dựng nhà mới khang trang và mở rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.

Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Hà cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, tổng nguồn vốn cho vay trên địa bàn huyện đạt hơn 595 tỷ đồng, giúp 2.800 khách hàng được tiếp cận nguồn vốn.

Riêng đối với nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo làm nhà theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, trong năm 2023, Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã đáp ứng nguồn vốn vay 11 tỷ đồng, giúp hơn 200 hộ được tiếp cận vốn vay đầu tư làm nhà ở khang trang, theo đúng quy định, xóa nhà tạm, nhà dột nát ở địa phương.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện sẽ tập trung rà soát các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và các hộ chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện, phối hợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể, tổ vay vốn bình xét, công khai minh bạch, dân chủ cho người dân vay theo đúng mục đích. Về thủ tục cho vay cũng được ngân hàng thực hiện nhanh, gọn để người dân sớm được tiếp cận với nguồn vốn đầu tư phát triển, góp phần giảm nghèo.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà cho biết, Sơn Hà là địa phương miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao. Từ các chính sách của Đảng và Nhà nước, trong 3 năm qua Sơn Hà đã bố trí hơn 3 tỷ đồng từ ngân sách huyện bổ sung cho nguồn vốn vay ủy thác của ngân hàng chính sách xã hội.

“Vốn chính sách ưu đãi giống như chiếc cần câu cho hộ nghèo nên từ năm 2024, huyện sẽ tiếp tục bổ sung nguồn vốn ngân sách huyện từ 1,5 - 2 tỷ đồng/năm để Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay ưu đãi, giúp nhiều người nghèo được tiếp cận nguồn vốn hơn", bà Trà nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục