Đồng euro có thể gặp áp lực nếu ECB hạ lãi suất trước Fed

15:58' - 04/05/2024
BNEWS ECB có khả năng sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu, trừ khi có các bất ngờ lớn xảy ra. Dữ liệu lạm phát gần đây càng củng cố khả năng này.

Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có những hướng đi khác nhau về việc giảm lãi suất có thể sẽ có tác động "đặc biệt tiêu cực" đối với Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone).

 

ECB có khả năng sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu, trừ khi có các bất ngờ lớn xảy ra. Dữ liệu lạm phát gần đây càng củng cố khả năng này.

Các số liệu chính thức được công bố trong tuần này cho thấy lạm phát tại Eurozone ổn định ở mức 2,4% trong tháng Tư, trong khi nền kinh tế khu vực này đã tăng trưởng trở lại trong ba tháng đầu năm.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 0,3% trong quý I, cao hơn một chút so với dự đoán của giới chuyên gia. GDP của quý IV/2023 được điều chỉnh từ không tăng trưởng thành giảm 0,1%, có nghĩa là Eurozone đã rơi vào suy thoái kỹ thuật trong nửa cuối năm ngoái.

Trong khi đó, Fed ngày 1/5 đã quyết định giữ nguyên lãi suất, do "thiếu sự tiến triển hơn nữa" trong việc đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%. Fed cho biết sẽ không giảm lãi suất cho đến khi có thể tin tưởng hơn rằng lạm phát đang giảm một cách ổn định về mức mục tiêu. Đây cũng là thông điệp mà Fed đưa ra sau các cuộc họp tháng Ba và tháng Một.

Điều này cho thấy ECB khả năng cao sẽ giảm lãi suất trước Fed.

Tuy nhiên, ông Daniel Lacalle, nhà kinh tế trưởng tại Tressis Gestion, cho rằng nếu ECB bắt đầu cắt giảm lãi suất trước Fed, động thái này về cơ bản sẽ phát đi tín hiệu rằng đồng euro cần yếu đi. Và nếu đồng euro yếu đi, hóa đơn nhập khẩu của Eurozone sẽ tăng lên, khiến cho khu vực này càng khó tăng trưởng.

Ông Lacalle cho rằng việc ECB cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu sẽ không khiến các doanh nghiệp Đức, Pháp hoặc Tây Ban Nha tăng cường vay vốn, “vì một mức cắt giảm lãi suất nhỏ không phải là động lực thúc đẩy nhu cầu tín dụng".

Tuy nhiên, bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lại cho rằng sự khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa châu Âu và Mỹ sẽ ít cho tác động tiêu cực đến tỷ giá hối đoái. Bà cho biết phân tích của IMF cho thấy sự chênh lệch 0,5 điểm phần trăm giữa lãi suất của Fed và ECB có thể chỉ khiến tỷ giá biến động 0,1% đến 0,2%. Bà cho rằng đây không phải là vấn đề lớn với châu Âu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục