Đồng euro lên mức cao nhất từ tháng 5/2018

18:45' - 01/09/2020
BNEWS Đồng euro đang tiếp tục đà tăng giá trong vài tháng qua, song lại có xu hướng yếu hơn so với một số loại tiền tệ khác.

Theo số liệu chính thức công bố ngày 1/9, giá tiêu dùng tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đã giảm mạnh trong tháng 8, với lạm phát lần đầu tiên xuống mức âm kể từ tháng 5/2016.

Cơ quan thống kê Eurostat thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho biết lạm phát tại Eurozone trong tháng 8 đã rơi xuống mức âm 0,2%, giảm sâu so với mức 0,4% trong tháng 7 và cách khá xa mục tiêu chính thức đặt ra là gần 2%. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng giảm sút mạnh do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Giới phân tích cho rằng số liệu trên sẽ đặt Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đứng trước nhiều thách thức trong việc cứu trợ nền kinh tế, cũng như gây thêm áp lực đối với các nước trong việc tăng chi tiêu công nhằm khôi phục nhu cầu và hồi phục nền kinh tế.

Trong khi đó, đồng euro đầu phiên giao dịch ngày 1/9 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2018 so với đồng USD, tiến sát mốc 1 euro đổi được 1,20 USD. Như vậy, đồng euro đang tiếp tục đà tăng giá trong vài tháng qua, song lại có xu hướng yếu hơn so với một số loại tiền tệ khác, như đồng dollar Australia (AUD), đồng krone của Na Uy hay đồng bảng Anh.

Trên thực tế, điều này cũng nằm trong xu hướng suy yếu của đồng USD. Chỉ số đồng USD - phản ánh giá trị của đồng tiền Mỹ so với rổ tiền tệ chính - hiện đang giảm nhanh chóng. Tháng 3 vừa qua, chỉ số này là 102,755, nhưng ở thời điểm hiện tại chỉ còn 91,808. Đây không chỉ là mức thấp nhất trong 2 năm rưỡi qua mà giá trị của đồng USD còn thấp hơn nhiều so với mức trung bình 50 năm qua là 98,7.

Cũng trong ngày 1/9, theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Chính phủ Đức đánh giá suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra sẽ không nghiêm trọng như nhận định trước đây, mà chỉ tương đương khủng hoảng tài chính hơn một thập kỷ trước.

Theo nhận định của Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Peter Altmaier, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức trong năm nay có thể chỉ giảm 5,8%, thấp hơn mức dự báo âm 6,3% đưa ra hồi tháng 4 và gần như ngang bằng mức suy giảm 5,7% của năm 2009, thời điểm diễn ra khủng hoảng tài chính.

Tuy nhiên, nhận định về tăng trưởng GDP trong năm 2021 lại ít lạc quan hơn so với dự báo trước đó. Các chuyên gia kinh tế của Chính phủ Đức đánh giá kinh tế Đức đang có xu hướng phục hồi theo hình chữ V, tức là tiếp theo sự sụt giảm sẽ là GDP tăng mạnh trở lại, nhưng dự báo tăng trưởng năm 2021 có thể chỉ đạt 4,4%, thấp hơn nhiều so với dự báo 5,2% được đưa ra từ mùa Xuân.

Liên quan tình hình thị trường lao động trong tháng 8 vừa qua, số người thất nghiệp ở Đức đang tăng trở lại, lên mức 6,4%. Theo số liệu công bố ngày 1/9 của Cơ quan Lao động Liên bang Đức (BA), đã có 2,95 triệu người thất nghiệp trong tháng qua, tăng 45.000 người so với tháng 7 và 636.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Mô hình làm việc thời gian rút ngắn (Kurzarbeit) vẫn đóng vai trò quan trọng để hạn chế số người thất nghiệp. Tuy nhiên, theo dữ liệu sơ bộ, trong tháng 6, Đức chỉ phải chi trả trợ cấp cho 5,4 triệu người lao động theo mô hình Kurzarbeit, đây là một tín hiệu tích cực cho thị trường lao động Đức – trước đó, con số này vào tháng 4 là 6 triệu lao động./.

>>>IMF cảnh báo sự mất cân bằng tài chính toàn cầu do COVID-19

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục