Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó - Bài 2: Bà đỡ của doanh nghiệp

08:14' - 12/05/2020
BNEWS Nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng góp phần đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, với những chính sách ưu đãi về vốn góp phần giảm bớt gánh nặng kinh tế cho doanh nghiệp.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19, các ngân hàng đã đăng ký cung ứng với tổng số vốn 300.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn trước khi có dịch 0,5-2,5% và chủ động xác định tiêu chí giải ngân cho khách hàng.

Gói cứu trợ này đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần giải cứu khó khăn cho doanh nghiệp.

Giải cứu doanh nghiệp

Trước chủ trương tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch COVID- 19 của Chính phủ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dành 100.000 tỷ đồng với mức hỗ trợ lãi suất từ 1% lên đến 2,5%/năm.

Điều này giúp khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Chương trình được áp dụng cho các khoản vay giải ngân từ ngày 1/4/2020 đến thời điểm sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID- 19 hoặc đến khi giải ngân hết gói tín dụng 100.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trọng Chí, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bắc Ninh cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng bị ảnh hưởng dẫn tới doanh thu, thu nhập sụt giảm.

Từ đó, gây khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ gốc, lãi đến hạn và các nghĩa vụ cam kết khác từ đó tiềm ẩn rủi ro phát sinh tăng có thể chuyển thành nợ xấu trong năm 2020.

Thực hiện chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ngân hàng chủ quản, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bắc Ninh đã chủ động rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn; trong đó, lưu ý các khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, xuất khẩu…

Đồng thời, áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi tiền vay; miễn, giảm phí giao dịch ngân hàng điện tử…

Theo đó, qua rà soát, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có nhiều doanh nghiệp giảm hoặc không tiêu thụ được sản phẩm, hàng hóa, dẫn đến hàng hóa tồn kho tăng. Ngoài ra, các doanh nghiệp thiếu nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất, phụ tùng, thiết bị doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng hoặc ngừng sản xuất. Một số doanh nghiệp ngừng hoặc giảm quy mô sản xuất do thiếu lao động.

Cụ thể, chi nhánh tỉnh Bắc Ninh rà soát có 96 doanh nghiệp đang vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bắc Ninh chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 với dư nợ ảnh hưởng gần 1.700 tỷ đồng.

Bước đầu, chi nhánh đã thực hiện cơ cấu cho 10 khách hàng với dư nợ được giữ nguyên nhóm nợ sau cơ cấu 129 tỷ đồng; áp dụng cho vay lãi suất ưu đãi giảm 2% cho 34 khách hàng, dư nợ giải ngân mới đạt 98 tỷ đồng. Hiện nay, ngân hàng đang tiếp tục rà soát, triển khai các gói hỗ trợ đến với khách hàng.

Là một trong những đơn vị được đánh giá sớm vào cuộc và vào cuộc một cách tích cực trong tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Ngân hàng Vietcombank đã chủ động dành gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm 2-2,5% so với mặt bằng hiện nay. Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu sẽ được giảm tới 2,5% một năm và được hưởng mức lãi suất 4,5-5% một năm.

Cùng với đó, Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Ninh đã khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ. Bà Bùi Thị Ngọc Bích, Giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Ninh cho biết, từ ngày 10/2, Vietcombank có hướng dẫn giảm lãi suất từ 0,5% đến 2% cho những khách hàng có ngành nghề kinh doanh chính ảnh hưởng dịch COVID- 19.

Đặc biệt, vừa qua Vietcombank tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ giảm tiếp 10% lãi phải trả cho các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi COVID- 19 và 5% cho khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp.

Đến nay, có nhiều khách hàng được vay với lãi suất thấp. Tại Vietcombank Bắc Ninh đã có 453 khách hàng với mức dư nợ 1.950 tỷ đồng được giảm lãi suất theo chính sách này. Ngoài ra, Vietcombank cũng áp dụng giảm phí chuyển tiền liên ngân hàng cho cả đối tượng là khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020 tại tất cả các kênh giao dịch.

Theo ông Nguyễn Thạc Quảng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bắc Ninh cho biết đến ngày 28/4/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 200 khách hàng với dư nợ 460,8 tỷ đồng; miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 631 khách hàng với dư nợ là 3.179,5 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho 2.228 khách hàng với doanh số cho vay mới đạt 9.262,2 tỷ đồng.

Để kịp thời áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục thống kê, rà soát các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bảo đảm nguồn vốn được đưa đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Đón luồng gió mới

Cùng với áp lực suy thoái kinh tế, đến nay, nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng góp phần đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, với những chính sách ưu đãi về vốn góp phần giảm bớt gánh nặng kinh tế cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Kim Cương, Giám đốc Hợp tác xã vận tải Bắc Hà, tỉnh Bắc Giang cho biết, để phát triển sản xuất, doanh nghiệp đã vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bắc Ninh khoảng 40 tỷ đồng vốn trung hạn với lãi suất 10,5%/năm và vay 16 tỷ đồng vốn lưu động với lãi suất 8,5%/năm.

Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của dịch COVID- 19, cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ngân hàng đã chủ động rà soát, làm việc với doanh nghiệp, từ đó có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp được cơ cấu lại các khoản nợ đã đến hạn và giảm lãi suất cho các khoản vay hiện tại và những khoản vay mới. Cụ thể, với nguồn vốn trung hạn sẽ được giảm lãi suất còn 9,5%/năm và lãi suất với nguồn vốn lưu động (ngắn hạn) giảm còn 7,5%/năm.

Đặc biệt, vừa qua, doanh nghiệp nhận được thông báo từ phía ngân hàng sẽ có gói hỗ trợ đặc biệt 7%/năm cho những khoản vay mới. Đến nay, nhờ chủ trương kịp thời của các cấp chính quyền, hiện nay, ông không phải lo nhiều đến tiền lãi và trả gốc.

“Với khoản hỗ trợ này, doanh nghiệp có điều kiện chuẩn bị vật tư, nhiên liệu; đồng thời tu sửa, tân trang hoàn thiện hệ thống phương tiện sẵn sàng phục vụ nhu cầu vận tải của người dân. Sự vào cuộc từ phía ngân hàng đáp ứng nhu cầu cấp thiết doanh nghiệp trong thời gian này”, ông Nguyễn Kim Cương chia sẻ.

Không riêng gì đối với những doanh nghiệp trong nước, nhờ chính sách giảm lãi suất, những doanh nghiệp FDI cũng có điều kiện vượt qua khó khăn này. Ông Jin Juhyung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ITM Việt Nam, cho biết, Công ty thành lập tháng 4 năm 2014 với 3 nhà máy, số vốn đầu tư 58 triệu USD chuyên sản xuất mạch tích hợp bán dẫn và bảng mạch bảo vệ pin.

Để mở rộng sản xuất, kinh doanh, năm 2018, công ty vay vốn lưu động ngân hàng 10 triệu USD. Đến nay, nhờ những chính sách hỗ trợ giảm lãi suất đã giúp dòng tiền cung ứng cho sản xuất, đầu tư của công ty được ổn định. Qua đó, giúp công ty vượt qua khủng hoảng kinh tế, duy trì, đẩy mạnh sản xuất.

Trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19, mặc dù hiệu quả kinh doanh của ngân hàng giảm sút do nguy cơ nợ xấu gia tăng. Tuy nhiên, với cùng với chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, sự trách nhiệm của mình, ngành ngân hàng đang đồng hành, chung tay, san sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, mở lối doanh nghiệp “đón luồng gió mới”, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội đã đề ra./.

Bài 3: Đón thời cơ, phục hồi sản xuất

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục