Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó - Bài 1: "Giữ chân" người lao động

08:10' - 12/05/2020
BNEWS Trải qua hơn 3 tháng chống chọi với dịch COVID- 19, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, kéo theo các vấn đề về an sinh xã hội cũng bị ảnh hưởng.

Dịch COVID- 19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn thể mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, đặc biệt sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Thể hiện sự chung tay, đồng hành cùng các doanh nghiệp, tỉnh Bắc Ninh đã sớm đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua thách thức, phục hồi nền kinh tế, nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra.

Nhóm phóng viên TTXVN tại Bắc Ninh thực hiện ba bài viết nói về những khó khăn của doanh nghiệp, sự vào cuộc của ngân hàng và hơn cả là sự đồng hành của các cấp chính quyền tỉnh Bắc Ninh trong việc tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp "cất cánh".

Bài 1: "Giữ chân" người lao động

Trải qua hơn 3 tháng chống chọi với dịch COVID- 19, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, kéo theo các vấn đề về an sinh xã hội cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất. Trong khi chờ các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh để "giữ chân" người lao động.

Doanh nghiệp gặp khó

Công ty Vận tải hành khách Bắc Hà là một trong những doanh nghiệp lớn về hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách bằng xe buýt, tuyến Bắc Giang -Hà Nội. Từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, việc đi lại của người dân, đặc biệt các tuyến liên tỉnh tiềm ẩn nguy cơ cao gây lây lan dịch bệnh.

Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg năm 2020 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/4, Ban Giám đốc công ty đã cho tạm dừng toàn bộ 120 xe khách, với trên 300 lao động phải nghỉ việc.

Theo ông Nguyễn Kim Cương, Giám đốc Công ty Vận tải hành khách Bắc Hà, việc tạm dừng hoạt động vận tải hành khách đã gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2019 doanh thu 3 tháng đầu của công ty đạt khoảng 24 tỷ, tuy nhiên, 3 tháng đầu năm 2020 doanh thu đạt khoảng 15 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, trong tháng 4, do dịch bệnh COVID-19 công ty đã  dừng hoạt động các tuyến xe buýt, vì thế không có doanh thu.

"Từ khi đi vào hoạt động, chưa bao giờ doanh thu của công ty lại bị sụt giảm sâu như vậy. Hiện, công ty đang gặp nhiều khó khăn trong việc trả tiền lương cho người lao động, bảo trì, bảo dưỡng xe. Lo lắng nhất của công ty lúc này là việc giữ chân người lao động ", ông Nguyễn Kim Cương nói.

Tương tự, Công ty TNHH sản xuất điện tử PCB Cát Tường, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh cũng đang "ngồi trên đống lửa", khi nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất từ nước ngoài bị gián đoạn, trong khi sản phẩm làm ra bị "tồn kho", ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất của công ty.

Ông Phạm Tiến Dũng- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH sản xuất điện tử PCB Cát Tường chia sẻ, sản phẩm đầu vào của ngành điện tử phần lớn nhập khẩu từ các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

Năm 2019 công ty đã nhận được một số đơn đặt hàng lớn từ nhiều đối tác nước ngoài, tuy nhiên, dịch COVID-19 xuất hiện và lan rộng, ảnh hưởng đến việc đến việc giao hàng, khiến hàng "tồn kho".

Trong khi đó, nguồn nguyên liệu cung cấp để phục vụ sản xuất bị gián đoạn, ảnh hưởng lớn đến tiến độ giao hàng cho các đối tác mới. Vì thế, công ty đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

"Trong 3 tháng đầu năm 2019 doanh thu của công ty đạt 3 triệu USD, tuy nhiên, đến 3 tháng đầu năm nay công ty chưa thu được một đồng nào. Để giữ chân người lao động, công ty buộc phải lấy nguồn vốn dự trữ để trả lương cho công nhân. Đây là việc làm cần thiết để ổn định tâm lý cho người lao động, giúp họ yên tâm sản xuất, gắn bó với công ty", ông Dũng bộc bạch.

Không chỉ doanh nghiệp trong nước, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đang "đau đầu" trong việc tìm "lời giải" cho bài toán sản xuất, kinh doanh. Ông Jin Juhyung- Tổng Giám đốc Công ty TNHH ITM Việt Nam chia sẻ, là công ty điện tử chuyên sản xuất bảng mạch bảo vệ pin và mạch tích hợp bán dẫn cho điện thoại di động phục vụ cho các tập đoàn sản xuất điện thoại di động lớn ở nước ngoài. Do đó, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.

Theo ông Jin Juhyung, dự kiến trong năm 2020, doanh thu của công ty sẽ đạt 290 triệu USD. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dự kiến trong quý II/2020, doanh thu của công ty chỉ đạt khoảng 70% kế hoạch. Hiện công ty đang đẩy mạnh việc sản xuất để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Giữ chân người lao động

Trước khó khăn do những tác động của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp cân nhắc, tính toán để đưa ra các giải pháp nhằm ứng phó vượt qua đại dịch. Trong khi một số doanh nghiệp chọn giải pháp cắt giảm lao động nhằm giảm bớt chi phí, xác định nguy cơ thiếu hụt lao động khi trở lại, thì nhiều doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực "giữ chân" người lao động.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH sản xuất điện tử PCB Cát Tường Phạm Tiến Dũng cho rằng, mối lo ngại lớn nhất của các doanh nghiệp chính là nguyên vật liệu sản xuất, nguồn lao động và vốn quay vòng. Trong đó, công ty xác định rõ việc "giữ chân" người lao động trong và sau đại dịch là ưu tiên hàng đầu.

"Dù đang rất khó khăn, nhưng chúng tôi chưa từng nghĩ đến việc sẽ cắt giảm bất cứ lao động nào. Thay vào đó, chúng tôi đang cố gắng hết sức có thể để duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Dù công ty có cắt giảm ca làm nhưng vẫn duy trì lực lượng lao động, đồng thời bảo đảm chế độ khen thưởng cho người lao động. Qua đó, góp phần động viên người lao động cùng doanh nghiệp cố gắng vượt qua đại dịch.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ cố gắng tiếp cận các chính sách về lao động việc làm, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ để vượt khó và giữ chân người lao động", ông Dũng cho hay.

Gắn bó với Công ty TNHH sản xuất điện tử PCB Cát Tường hơn 6 năm nhưng chưa bao giờ anh Hà Ngọc Phương, quê tại Bắc Giang phải chứng kiến công ty gặp khó khăn như lúc này. Anh Phương chia sẻ, dù gặp khó khăn nhưng công ty luôn tạo điều kiện bố trí công việc, trả lương đầy đủ cho người lao động, không ai trong công ty bị mất việc.

Đây là một sự nỗ lực rất lớn của ban lãnh đạo công ty. Trong lúc khó khăn công ty vẫn không "bỏ rơi" người lao động, vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng làm việc để cùng công ty vượt qua dịch bệnh này.

Dù trong tháng 4, Công ty Vận tải hành khách Bắc Hà không có doanh thu, trong khi đó chi phí lương, phụ cấp cho người lao động là rất lớn, nếu cắt giảm sẽ có thể giúp công ty giảm bớt "gánh nặng". Tuy nhiên, công ty này vẫn sẵn sàng "móc hầu bao", chấp nhận thua lỗ để trả lương cho người lao động, để họ yên tâm làm việc tại công ty.

Ông Nguyễn Kim Cương- Giám đốc Công ty Vận tải hành khách Bắc Hà cho biết, nếu cắt giảm lao động để giảm chi phí trong giai đoạn khó khăn bởi dịch COVID-19 sẽ khiến công ty phải đối diện với nguy cơ thiếu hụt người lao động trong giai đoạn phục hồi sau dịch, nhất là những lao động có tay nghề, nên bằng mọi cách chúng tôi phải "giữ chân" người lao động.

Theo ông Cương, dịch COVID-19 như "liều thuốc thử" cho mỗi doanh nghiệp, là dịp để cộng đồng doanh nghiệp rút ra những bài học, tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp trong tình hình dịch bệnh. Trong thời gian dừng hoạt động, Công ty Vận tải hành khách Bắc Hà đã lên phương an tu sửa, bảo dưỡng, tân trang lại phương tiện để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân một cách tốt nhất.

Bên cạnh đó, trong thời gian ngừng hoạt, công ty đã chủ động liên hệ với ngân hàng để đề xuất các phương án tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp, giãn nợ để duy trì hoạt động vận tải.

"Doanh nghiệp chúng tôi không bao giờ đơn độc, bởi phía sau luôn có sự hỗ trợ kịp thời của các của các ngân hàng và hơn cả là sự đồng hành của chính quyền để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp", ông Nguyễn Kim Cương nói./.

Bài 2: Bà đỡ của doanh nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục