Động lực thúc đẩy ASEAN theo hướng xanh, bao trùm và thích ứng

16:25' - 01/10/2020
BNEWS Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng với đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, kinh doanh bao trùm có tiềm năng trở thành động lực thúc đẩy ASEAN theo hướng xanh, bao trùm và thích ứng.

Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về kinh doanh bao trùm lần thứ ba được tổ chức hôm 29/9 theo hình thức trực tuyến đã thu hút sự tham dự của các quan chức chính phủ, lãnh đạo các doanh nghiệp, ngân hàng và thể chế tài chính, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các đối tác phát triển.

Hội nghị do Ban Thư ký ASEAN, Ủy ban Kinh tế-Xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP), Mạng lưới hành động kinh doanh bao trùm (iBAN), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức, đánh dấu sự tiếp tục cam kết của Cộng đồng ASEAN nhằm tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi cho kinh doanh bao trùm.

Phát biểu khai mạc, Phó Thư ký điều hành ESCAP, ông Kaveh Zahedi khẳng định rằng trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực đang tìm cách tái thiết từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, kinh doanh bao trùm có tiềm năng trở thành động lực thúc đẩy ASEAN theo hướng xanh, bao trùm và thích ứng.

Hội nghị cũng công bố Hướng dẫn thúc đẩy kinh doanh bao trùm trong ASEAN và tìm hiểu khả năng ứng dụng thực tế ở cấp độ quốc gia và khu vực. Trước đó, vào tháng 8/2020, Bộ tài liệu này đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 52.

Ông Bountheung Douangsavanh, Chủ tịch Ủy ban điều phối kết nối ASEAN về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (ACCMSME), nhấn mạnh rằng mô hình kinh doanh bao trùm cần kết hợp giữa các động lực của chính phủ, khu vực tư nhân, các cộng đồng nghèo và thu nhập thấp, trong đó có các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa nhằm đạt được các mục tiêu quốc gia và khu vực.

Cũng theo ông Bountheung, tài liệu Hướng dẫn nói trên cung cấp sự hiểu biết sâu sắc hơn về các động lực này cho các quốc gia thành viên ASEAN và toàn bộ khu vực, tiến tới xem xét tích hợp kinh doanh bao trùm trong các chính sách quốc gia và khu vực.

Với tư cách là cơ quan điều phối phát triển MSME trong khu vực và nhờ sự hỗ trợ của ESCAP, iBAN và OECD, ACCMSME đã đi đầu trong việc thúc đẩy các mô hình kinh doanh bao trùm trong ASEAN và ủng hộ việc tích hợp chúng trong các chính sách phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).

Ông Christian Jahn, Giám đốc điều hành iBAN, nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay cho thấy kinh doanh bao trùm có khả năng chống chịu tốt hơn trước các cú sốc từ bên ngoài và góp phần phục hồi nhanh chóng và bền vững hơn.

Về phần mình, bà Cristina Tebar Less, Giám đốc Trung tâm ứng xử kinh doanh có trách nhiệm thuộc OECD chia sẻ rằng việc khôi phục hậu đại dịch COVID-19 sẽ đòi hỏi nỗ lực của toàn xã hội.

Hợp tác giữa các chính phủ và tất cả các bên liên quan, các doanh nghiệp có thể đóng góp vào sự phục hồi bền vững và toàn diện bằng cách áp dụng các mô hình kinh doanh và đưa ra các quyết định phù hợp với các khuyến nghị quốc tế về hành vi kinh doanh có trách nhiệm.

Theo các nghiên cứu, kinh doanh bao trùm cung cấp hàng hóa, dịch vụ và sinh kế trên cơ sở khả thi về mặt thương mại cho những người nghèo, đưa họ trở thành một phần trong chuỗi giá trị của các công ty với tư cách là nhà cung cấp, nhà phân phối, nhà bán lẻ hoặc khách hàng.

Kể từ năm 2017, các nước ASEAN đã bắt đầu ban hành các chính sách nhằm khuyến khích sự phát triển kinh doanh bao trùm. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, cộng đồng tài chính và các bên liên quan khác cũng phát triển nhiều mô hình kinh doanh bao trùm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra các tác động xã hội trên quy mô lớn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục