Động lực từ vận tải hàng hoá hàng không
Cụ thể đó là thị trường du lịch tăng mạnh trở lại, cùng đó là động lực mới đến từ vận tải hàng hoá hàng không.
*Khôi phục và mở rộng
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam có báo cáo về mạng đường bay khai thác quốc tế cho thấy, nửa đầu năm 2024 có 63 hãng hàng không nước ngoài; trong đó có 4 hãng Việt Nam gồm: Vietravel Airlines, Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vietjet Air, khai thác gần 160 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.
Mạng đường bay quốc tế đã khôi phục tương đương giai đoạn trước dịch COVID-19 và còn tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới ở Trung Á, Ấn Độ, Australia...
Ngành du lịch nhộn nhịp tiếp đón du khách quốc tế với lượng khách từ châu Âu tăng vượt trội. Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch khi thu hút gần 10 triệu du khách quốc tế trong 7 tháng đầu năm 2024, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra đại dịch COVID-19.
Đáng chú ý, ngành du lịch ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng du khách từ châu Âu với mức tăng 47,3%. Điều này nhờ vào các chính sách thị thực thông thoáng và các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch đã được các địa phương trên cả nước đẩy mạnh.
Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) cho biết, các hãng hàng không dự báo tổng lượng hành khách trong hai thập niên tới sẽ tăng gấp đôi từ mức 4,3 tỷ lượt người vào năm ngoái. Dẫn đầu sự tăng trưởng là các thị trường mới nổi như châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông.
Trong báo cáo cập nhật mới nhất, IATA dự báo rằng số lượng hành khách sẽ tăng trung bình 3,6% mỗi năm cho đến năm 2043. Riêng trong năm nay, mức tăng trưởng dự báo đạt 9,7%.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu với mức tăng trưởng trung bình 4,8%, chủ yếu được thúc đẩy nhờ mức tăng trưởng khả quan ở các quốc gia như Ấn Độ (6,9%), Trung Quốc (5,8%), Thái Lan và Việt Nam (mỗi nước tăng 6,4%).
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cũng đánh giá năm 2024 sẽ là giai đoạn cuối cùng trong quá trình phục hồi của ngành. Lợi nhuận năm 2024 của tất cả các công ty trong ngành sẽ được cải thiện nhờ số lượng hành khách quốc tế tăng lên, chi phí nhiên liệu thấp hơn và tình trạng dư cung giảm.
Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kirin Capital nhận định rằng, Sân bay Long Thành sẽ là cú hích lớn về cơ sở hạ tầng cho ngành hàng không Việt Nam.
Theo Kirin Capital, cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án hạ tầng giao thông trọng điểm cấp quốc gia với tổng vốn đầu tư lên đến xấp xỉ 336.000 tỷ đồng, Việc khởi công xây dựng Sân bay Long Thành cho thấy quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ ngành hàng không Việt Nam của Đảng và Nhà nước.
Ngay từ năm 2015, khi sân bay Tân Sơn Nhất (Tp. Hồ Chí Minh) quá tải, Quốc hội Việt Nam đã thông qua nghị quyết về xây dựng và đầu tư sân bay quốc tế Long Thành. Bước vào giai đoạn vận hành, sân bay Long Thành được định hướng sẽ phục vụ tới 80% chuyến bay quốc tế và lượng chuyến bay nội địa chỉ chiếm 20%.
Đi kèm với đó, sân bay được thiết kế để phục vụ 1,2 triệu tấn hàng hóa vào năm 2026 và 5 triệu tấn hàng hóa sau khi kết thúc giai đoạn 3. Điều này sẽ giảm tải áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất và đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng.
Vận tải hàng hoá bằng đường hàng không vẫn được sử dụng mặc dù chi phí của nó cao hơn 10-20 lần so với các phương tiện vận chuyển khác và tốc độ nhanh chóng là lý do chính.
Ngoài yếu tố kể trên, một số yếu tố khác cũng đóng góp vào việc ra quyết định lựa chọn vận tải hàng hoá hàng không bao gồm giá trị, yêu cầu đặc biệt, độ tin cậy của việc giao hàng đúng hẹn. Tuy nhiên, song song với sự phát triển mạnh mẽ của vận tải hàng không những năm qua, chi phí cũng đang giảm dần. Điều đó có được là nhờ sự gia tăng đầu tư của nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới vào thị trường tiềm năng này.
Sự tiếp cận vào internet và các cửa hàng trực tuyến nhiều hơn là cơ hội tích cực cho ngành thương mại điện tử phát triển. Động lực chính của sự tăng trưởng giữa thương mại điện tử và vận tải hàng không đến từ sự phổ biến ngày càng tăng của mua sắm trực tuyến và chi phí vận chuyển hàng hóa trực tuyến giảm.
Ngoài ra, thương mại điện tử đang được tích hợp nhiều hơn vào các kênh bán lẻ truyền thống, với các nhà bán lẻ lớn như Amazon và Walmart ngày càng bán các sản phẩm vận chuyển hàng không trực tiếp cho người tiêu dùng.
Sự tích hợp này giúp khách hàng dễ dàng mua các sản phẩm vận chuyển hàng không và nhận chúng nhanh hơn.
Với thị trường trong nước, thị trường thương mại điện tử cũng chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ sau hơn 10 năm phát triển.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam, thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng kép trong 10 năm qua, ghi nhận ở mức trên 20%/năm, đồng thời chiếm đến 8% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Không chỉ trên thế giới, mà ngay cả ở Việt Nam, vận tải hàng hoá bằng đường hàng không đang ngày càng nhận được sự quan tâm sát sao đến từ nhiều “tay chơi” lớn trong nước.
Động lực lớn nhất để các nhà vận tải hàng hoá để ý đến chính là nhờ sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử trong nước.Việt Nam được Công ty Nghiên cứu thị trường eMarketer (Hoa Kỳ) đánh giá cao và xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu trên thế giới, do đó ngành vận tải hàng hoá hàng không sẽ là “chìa khoá” giúp cho thị trường thị trường thương mại điện tử nước ta không chỉ phát triển ở trong nước mà có thể vươn tầm trong toàn khu vực Đông Nam Á, Kirin Capital nhận định.
*Doanh nghiệp đảo chiều lãi
Nhờ điều kiện kinh doanh thuận lợi, nhiều doanh nghiệp hàng không báo lãi lớn. Thậm chí có doanh nghiệp lỗ nặng trong quý cùng kỳ năm ngoái đã đảo chiều thành lãi lớn trong quý II/2024.
Báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2024 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: ACV) cho thấy, doanh thu thuần ở mức 11.178 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.
Lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm ở mức kỷ lục, đạt 6.150 tỷ đồng, tăng mạnh 45% và hoàn thành 81% mục tiêu lợi nhuận năm đề ra. Biên lợi nhuận lên đến 63%, cho thấy khả năng sinh lời cao của doanh nghiệp.
Công ty lý giải về việc lãi kỷ lục trong quý II chủ yếu do thị trường hàng không quốc tế được phục hồi. Thống kê cho thấy sản lượng hành khách qua các cảng hàng không do ACV quản lý đạt 54,7 triệu khách, đạt 48% kế hoạch năm 2024, giảm 3,8% so với cùng kỳ 2023.
Cụ thể, khách quốc tế đạt trên 20 triệu khách, tăng 38,5% và phục hồi gần bằng mức trước dịch COVID-19; khách trong nước đạt 34,4 triệu khách, giảm 18,5% do khó khăn về đội tàu bay nên các hãng hãng hàng không Việt Nam phải điều chỉnh giảm cung ứng trên các đường bay nội địa.
ACV hiện đang quản lý, đầu tư, khai thác khai thác hệ thống 22 Cảng hàng không trong cả nước, bao gồm 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa.
Dù là doanh nghiệp quy mô lớn, nhưng ACV mới chỉ giao dịch trên UPCOM. Chốt phiên 8/8, ACV có giá 103.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 56% so với cuối năm 2023.
Với Công ty cổ phần Hàng không VietJet (Vietjet – mã chứng khoán: VJC) trong 6 tháng đầu năm 2024 vận chuyển 13,1 triệu khách, khai thác 70.154 chuyến bay, cao hơn năm 2019. Trong đó, Vietjet vận chuyển trên 5,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 52%.
Về kết quả kinh doanh hợp nhất, Vietjet đạt trên 34.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% và mức lãi đạt 1.117 tỷ đồng, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Vietjet kết quả tăng trưởng vượt bậc đó một phần quan trọng nhờ thời gian qua hãng hàng không mở ra rộng khắp mạng bay quốc tế tầm trung.
Với việc liên tiếp mở thêm các đường bay quốc tế mới, đến nay, Vietjet đang khai thác 111 đường bay quốc tế trong tổng số 149 đường bay hãng đang khai thác, nổi bật là đường bay Tp. Hồ Chí Minh - Tây An (Trung Quốc), Phú Quốc - Đài Trung (Đài Loan, Trung Quốc), Nha Trang - Daegu (Hàn Quốc)…
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VJC được niêm yết trên HOSE và chốt phiên giao dịch ngày 8/8 ở mức 99.000 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ hơn 8% so với cuối năm ngoái.
Đáng chú ý nhất có lẽ là trường hợp của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines – mã chứng khoán: HVN) khi chuyển từ lỗ thành lãi lớn. Doanh nghiệp này báo cáo nửa đầu năm 2024 có doanh thu hợp nhất hơn 53.126 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế hơn 5.476 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái công ty lỗ gần 1.400 tỷ đồng).
Dù thời gian gần đây cổ phiếu HVN có điều chỉnh giảm trở lại, nhưng tính từ cuối năm ngoái đến hết phiên 8/8/2024, HVN tăng gần 63%.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Hàng không Incheon được chọn là nhà thầu tư vấn vận hành sân bay Long Thành
09:23' - 09/08/2024
Tổng công ty Cảng hàng không quốc tế Incheon ngày 8/8 thông báo đã được chọn là nhà thầu ưu tiên dự án tư vấn vận hành sân bay quốc tế mới Long Thành của Việt Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội: Bảo đảm tiến độ thi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành
14:31' - 08/08/2024
Sáng 8/8, tại Đồng Nai, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã khảo sát thực địa triển khai Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
-
Kinh tế và pháp luật
7 hãng hàng không Hàn Quốc bị phạt vì vi phạm quy định hỗ trợ người khuyết tật
11:17' - 08/08/2024
7 hãng hàng không Hàn Quốc đã bị phạt vì không chỉ định hoặc cung cấp chỗ ngồi ưu tiên, cũng như các thông tin cần thiết cho hành khách gặp khó khăn trong việc di chuyển.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích doanh nghiệp
Yếu tố nào hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phục hồi?
18:32' - 23/08/2024
Bất động sản phục hồi, vốn FDI chảy vào Việt Nam tăng cao và giải ngân đầu tư công là những yếu tố hỗ trợ ngành xây dựng.
-
Phân tích doanh nghiệp
Tồn kho bất động sản đang ở mức cao
13:39' - 21/08/2024
Hàng tồn kho bất động sản ở mức cao trong bối cảnh giá bán liên tục thiết lập mặt bằng mới.
-
Phân tích doanh nghiệp
Xuất khẩu tăng, nhưng lợi nhuận doanh nghiệp thủy sản giảm
11:40' - 16/08/2024
Trong bối cảnh xuất khẩu tăng, giá xuất khẩu bình quân giảm, nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản có hiệu quả kinh doanh kém khả quan, lợi nhuận giảm mạnh.