Đồng Nai đối thoại gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp FDI

14:46' - 28/03/2025
BNEWS Sáng 28/3, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Hội nghị có sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp FDI cùng các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai.

 

Tại hội nghị, các doanh nghiệp nêu những vướng mắc, khó khăn liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng; tăng giá thuê đất; cắt giảm lượng cung cấp LNG; thiếu lao động; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình; giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn giao thông tại các tuyến đường trong khu công nghiệp.

Theo Chi hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đồng Nai, hiện có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc báo cáo về việc đại lý cung cấp khí đốt khu công nghiệp giảm lượng cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG, giảm 60% so với mức sử dụng trung bình hàng tháng). Điều này gây ra nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chi hội kiến nghị Sở Công Thương Đồng Nai xem xét, đảm bảo nguồn cung LNG.

Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Segis Việt Nam (Công ty Segis Việt Nam, Khu công nghiệp Tam Phước, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho biết, Công ty Segis Việt Nam hoàn thành xây dựng nhà xưởng và đi vào hoạt động từ năm 2006. Dù đã đóng đầy đủ thuế trước bạ,  nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình. Thời gian qua, doanh nghiệp đã liên hệ với ngành chức năng Đồng Nai để hoàn thiện các thủ tục pháp lý nhưng vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể.

Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng Nghiệp Formosa (Khu công nghiệp Nhơn Trạch III, tỉnh Đồng Nai), hơn 1 năm qua doanh nghiệp rất khó tuyển lao động, do thiếu công nhân nên đa số các nhà máy của công ty phải hoạt động cầm chừng. Doanh nghiệp mong chính quyền Đồng Nai hỗ trợ, kết nối cung cầu lao động.

Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho biết, năm 2025, nguồn cung khí nội địa của nước ta suy giảm khoảng 1 tỷ m3; trong đó, sản lượng khí nội địa tại khu vực Đông Nam Bộ cung cấp cho khách hàng đường ống và sản xuất khí thiên nhiên nén (CNG) sẽ thiếu hụt khoảng 200 triệu m3 so với nhu cầu. Sở Công Thương Đồng Nai đã làm việc với các đơn vị liên quan, đề nghị đơn vị cung cấp đảm bảo nguồn cung khí nội địa cho doanh nghiệp sản xuất trong các khu công nghiệp. Tổng Công ty khí Việt Nam có kế hoạch đầu tư hệ thống đường ống, kho chứa tại Đồng Nai để chủ động trong việc phân phối khí, hạn chế tình trạng cắt giảm, thiếu hụt nguồn cung khí. Các doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai cũng cần tính phương án chuyển sang sử dụng LNG nhập khẩu.

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, hiện ở Đồng Nai đang xảy ra tình trạng thiếu lao động. Nguyên nhân là có nhiều lao động dịch chuyển khỏi Đồng Nai, trở về các tỉnh miền Bắc, miền Trung làm việc; mức lương và chế độ phúc lợi chưa cạnh tranh; người trẻ có xu hướng không muốn làm việc trong các nhà máy.

Tới đây, ngành chức năng Đồng Nai sẽ tổ chức hội chợ việc làm chuyên biệt tại các khu công nghiệp nhằm tạo cầu nối trực tiếp giữa doanh nghiệp và người lao động; kết nối trung tâm giới thiệu việc làm với các trường nghề; tăng cường hợp tác, giúp doanh nghiệp tuyển lao động từ các địa phương lân cận như: Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước. Để thu hút và giữ chân lao động, doanh nghiệp Đồng Nai cần tăng lương và phúc lợi; hợp tác với các trường nghề; mở rộng hình thức làm việc linh hoạt hơn (bán thời gian) nhằm thu hút các nhóm lao động khác nhau vào nhà máy làm việc.

Theo ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, việc gặp gỡ, đối thoại là dịp để ngành chức năng Đồng Nai chia sẻ thông tin, nắm những khó khăn cụ thể, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp. Từ đó có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Tới đây, Đồng Nai sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Chiến lược của Đồng Nai là ưu tiên doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực có công nghệ hiện đại, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp bán dẫn, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường. Qua đó giúp công nghiệp Đồng Nai phát triển bền vững, nâng cao năng lực canh tranh của tỉnh.

Ông Dương Minh Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho rằng, hội nghị nhận được nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn của các doanh nghiệp, qua đó giúp ngành chức năng nhận thấy những vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật. Đồng Nai đang hướng đến phát triển công nghiệp xanh, xây dựng các khu công nghiệp hiện đại. Ngành chức năng, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp cần lưu ý vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn giao thông tại các khu công nghiệp. Hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình.

Theo Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, ngoài công nghiệp, tới đây Đồng Nai sẽ kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ, hạ tầng, ưu tiên các dự án cầu dường, cảng, giáo dục, khu phức hợp, triển lãm, khách sạn tại đô thị sân bay Long Thành; thu hút đầu tư các dự án chuỗi đô thị - dịch vụ - du lịch ven sông Đồng Nai.

Lũy kế đến nay Đồng Nai có hơn 1.700 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 36 tỷ USD đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục