Đồng Nai: Rà soát, xử lý kiến nghị của HTX Dịch vụ Sản xuất nông nghiệp Gò Me

18:28' - 21/04/2022
BNEWS Ngày 21/4, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai triển khai chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc làm rõ những nội dung trong kết luận thanh tra, kiến nghị của HTX Dịch vụ Sản xuất nông nghiệp Gò Me.

Cụ thể, ngày 19/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi đã ký văn bản số 3817/UBND-KTN gửi Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai về việc tham mưu xử lý kiến nghị về kết luận thanh tra số 2519/KL-UBND ngày 11/3/2022 của Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất nông nghiệp Gò Me.

 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ngày 2/4/2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhận được văn bản của Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất nông nghiệp Gò Me về kiến nghị kết luận thanh tra số 2159.

Về việc này, Chủ tịch UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Biên Hòa và các đơn vị có liên quan xem xét nội dung kiến nghị kết luận thanh tra số 2159 ngày 11/3/2022 của Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất nông nghiệp Gò Me tại văn bản nêu trên; rà soát hồ sơ tham mưu đề xuất trình UBND tỉnh xử lý theo quy định. Kết quả thực hiện, Thanh tra tỉnh báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/5/2022.

Liên quan đến kết luận của UBND tỉnh về sai phạm đất đai tại Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất nông nghiệp Gò Me (gọi tắt là Hợp tác xã Gò Me) ở phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Hợp tác xã này đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng của tỉnh kiến nghị làm rõ từng nội dung.

Cụ thể, Hợp tác xã Gò Me được thành lập năm 1983, trên cơ sở sáp nhập từ 3 tập đoàn sản xuất 18, 19, 20. Năm 1984, Hợp tác xã Gò Me đi vào hoạt động với tổng diện tích đất (do 3 tập đoàn đóng góp để hợp tác xã quản lý) khoảng 80 ha và ngành nghề hoạt động là sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Trong quá trình hoạt động, Hợp tác xã Gò Me đã có 7 lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và mở rộng thêm nhiều ngành nghề kinh doanh như: buôn bán nhiên liệu rắn, lỏng, khí; vật liệu và thiết bị xây dựng.

Theo Hợp tác xã Gò Me, về hồ sơ nguồn gốc đất, năm 1978, Ban Nông hội và Ban Nông nghiệp của phường Thống Nhất đã vận động nông dân tự nguyện làm đơn xin tham gia và kê khai diện tích đất đưa vào làm ăn tập thể tại các tập đoàn sản xuất 18, 19, 20. Hồ sơ nông dân đưa đất vào tập đoàn do UBND phường Thống Nhất lưu trữ, Hợp tác xã không quản lý.

Do đó, kết luận thanh tra cho rằng Hợp tác xã Gò Me không có giấy tờ chứng minh việc đưa đất vào của từng xã viên là chưa thỏa đáng vì UBND phường Thống Nhất tiếp nhận việc người dân đưa đất vào làm ăn tập thể và không giao cho Hợp tác xã quản lý hồ sơ liên quan đến đất đai khi thành lập Hợp tác xã. Trong quá trình hoạt động, 80 ha do Hợp tác xã quản lý đã được giao khoán cho các xã viên và Nhà nước thu hồi để thực hiện các dự án nên Hợp tác xã chỉ còn trực tiếp quản lý, sử dụng 5,9 ha.

Đối với diện tích đất Hợp tác xã Gò Me đang trực tiếp quản lý, UBND tỉnh yêu cầu, sử dụng theo đúng mục đích quy định gồm hơn 0,3 ha được UBND tỉnh cho thuê kinh doanh xăng dầu; hơn 0,35 ha quy hoạch nằm trong dự án Hợp tác xã được quản lý, sử dụng đến khi Nhà nước thu hồi đất; hơn 1,8 ha đang tranh chấp xử lý theo bản án của tòa án; gần 1,8 ha cho thuê, 1,6 ha còn lại dùng làm bãi giữ xe và để trống.

Hợp tác xã đã thống nhất với các xã viên cho các cá nhân thuê đất buôn bán để tạo thêm nguồn thu nhập cho xã viên. Việc kinh doanh buôn bán tại các khu đất không phát sinh vi phạm và được thực hiện theo quy hoạch, khi Nhà nước thực hiện dự án thu hồi đất thì hợp tác xã sẽ đồng thuận.

Theo ông Phan Văn Thành, Giám đốc Hợp tác xã Gò Me, trong 2 năm 1976-1977, phường Thống Nhất thành lập Tổ đổi công, Tổ đoàn kết và năm 1978 sáp nhập các Tổ đổi công, Tổ đoàn kết thành 3 tập đoàn sản xuất 18, 19, 20. Đến năm 1984, Hợp tác xã Gò Me hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 tập đoàn trên và đất đai là của người dân góp vào từ khi tham gia Tổ đổi công, Tổ đoàn kết. Sau khi Hợp tác xã Gò Me ra đời, căn cứ vào Chỉ thị 100/CT-TW ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư, đã giao khoán gần 73 ha cho các xã viên để tiếp tục sản xuất từ năm 1990-2000.

Năm 1997, Luật Hợp tác xã có hiệu lực, UBND thành phố Biên Hòa chọn Hợp tác xã Gò Me chuyển đổi thí điểm và thành lập Ban trù bị chuyển đổi Hợp tác xã Gò Me. Sau đó, Ban trù bị căn cứ vào Điều 10 của Nghị định 16/1997/NĐ-CP ngày 21/2/1997 của Chính phủ, Thông tư 04/1997/BKH-QLKT ngày 29/3/1997 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã để xã viên thuê đất tự đăng ký xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có 183 xã viên tự kê khai xin cấp.

Năm 1998, Hợp tác xã Gò Me lập biên bản đánh giá hiện trạng sử dụng đất và kiến nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các xã viên. Ngày 2/4/2003, UBND tỉnh có văn bản số 1311/UBT chấp thuận cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình xã viên; đến nay đã cấp 73 giấy chứng nhận.

Cũng theo ông Phan Văn Thành, Hợp tác xã Gò Me đã có văn bản giải trình về kết luận thanh tra và kiến nghị các sở, ngành, thành phố Biên Hòa, UBND tỉnh làm rõ từng nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất xuyên suốt của Hợp tác xã trong 38 năm qua để từ đó khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quản lý, sử dụng đất.

Trước đó, theo kết luận của Thanh tra tỉnh Đồng Nai, việc cấp 73 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân là vi phạm điều 50 Luật Ðất đai 2003 và điều 100 Luật Ðất đai 2013. Diện tích đất do Hợp tác xã Gò Me trực tiếp quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, chưa phù hợp với ngành nghề đăng ký kinh doanh.

Kết luận thanh tra cho rằng hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân không có các giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất, nguồn gốc đất theo quy định nên không đủ điều kiện để xem xét. Vì vậy UBND thành phố Biên Hòa đã cấp 73 giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân là vi phạm Luật Đất đai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục