Đồng Nai và con đường trở thành “thủ phủ” của ngành công nghiệp hỗ trợ

18:22' - 07/11/2020
BNEWS Đồng Nai là tỉnh có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh mẽ với chiến lược phát triển bài bản, đưa địa phương này dần trở thành “thủ phủ” của ngành công nghiệp hỗ trợ ở nước ta.

Với việc sản xuất, cung ứng linh kiện, phụ tùng hay các quy trình kỹ thuật, công nghiệp hỗ trợ được coi là ngành có tính chất “xương sống” của nền công nghiệp, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng.

Đồng Nai là tỉnh có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh mẽ với chiến lược phát triển bài bản, đưa địa phương này dần trở thành “thủ phủ” của ngành công nghiệp hỗ trợ ở nước ta.

Sức hút với nhà đầu tư

Ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai khẳng định, thực tế các doanh nghiệp để phát triển được thì phải có công nghiệp hỗ trợ. Ở Việt Nam nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng, trước đây, số lượng doanh nghiệp còn ít.

Những doanh nghiệp lớn không muốn đầu tư vào với lý do là không có công nghiệp phụ trợ và muốn lắp ráp hoàn chỉnh một sản phẩm thì phải nhập từ nước ngoài, nên sẽ đẩy chi phí lên rất cao.

Nhận thức rõ được vấn đề này tỉnh Đồng Nai đã có chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Ông Cường cho biết thêm, hiện Đồng Nai có 35 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có 32 khu đã đi vào hoạt động, 2 khu đang trong giai đoạn triển khai xây dựng, hoàn thiện thủ tục để thu hút đầu tư trong giai đoạn tới.

Tỉnh chủ trương phát triển các khu công nghiệp, thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, sử dụng lao động có tay nghề, dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ, dự án thân thiện môi trường.

Công ty TNHH Tương Lai (tại xã Lộc An, huyện Long Thành, Đồng Nai) là một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chuyên sản xuất và cung ứng sản phẩm nhựa và cao su kỹ thuật cao cho các công ty hàng đầu trong và ngoài nước như: Thaco, Piagio, Peugeot, Kymco, Sym, Aqua, Marshall...

Mỗi quý doanh nghiệp này sản xuất trung bình từ 1,2 - 1,5 triệu sản phẩm, linh kiện phục vụ cả khách hàng trong nước và xuất khẩu.

Đánh giá về các chính sách thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của các cơ quan chức năng và chính quyền tỉnh Đồng Nai, bà Trần Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Tương Lai chia sẻ, Đồng Nai là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp nên doanh nghiệp chọn đầu tư nhà máy tại Đồng Nai là rất phù hợp để cung ứng sản phẩm cho cả thị trường nội địa và xuất khầu.

Quá trình hoạt động, phát triển, doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều của các cơ quan chức năng. Trong đó, các thủ tục liên quan lĩnh vực hải quan, thuế đã được cải cách rất nhiều.

Doanh nghiệp không phải tới tận nơi để làm các thủ tục như trước, mà chỉ cần làm thủ tục điện tử và có vướng mắc sẽ được giải thích, hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai Nguyễn Trí Phương, nếu như năm 2015 trên địa bàn Đồng Nai mới có hơn 420 danh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, thì trong giai đoạn 2016 - 2019 tỉnh đã thu hút được trên 190 dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ với tổng vốn đăng ký trên 1,6 tỷ USD.

Hiện nay, số doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Đồng Nai là trên 660 doanh nghiệp, tập trung ở các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày, điện tử, cơ khí chế tạo…

Trong đó, có 4 doanh nghiệp được Bộ Công Thương xác nhận Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản xuất công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển trên cả nước.

Đó là Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất thiết bị Aureole, Công ty TNHH Chemtrovina, Công ty TNHH Hyosung Việt Nam và Công ty TNHH HSPolytech.

Mặc dù trong năm 2020, hoạt động của các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 kéo dài trên toàn cầu, song ước tính giá trị sản xuất công nghiệp của ngành công nghiệp hỗ trợ tỉnh Đồng Nai đạt trên 130 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 21 - 23% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Tạo thêm "cú hích”

Đề cập về những giải pháp để ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Đồng Nai có thêm trợ lực, tiếp tục phát triển mạnh, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, bà Nguyễn Hoàng Quyên, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp - Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay, trong nhóm các ngành công nghiệp mũi nhọn, tinh Đồng Nai xác định ngành công nghiệp công nghệ cao và ngành công nghiệp hỗ trợ là những ngành công nghiệp cần phát triển lâu dài.

Theo đó, nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, tháng 4/2020, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025 với nhiều mục tiêu như: thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; tạo điều kiện để doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh có mặt bằng sản xuất, kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp; nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Tỉnh phấn đấu từ năm 2021 - 2025, tỷ lệ nội địa hóa của nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ theo danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo Quy định tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ đến năm 2025 tăng bình quân từ 2 - 5%.

Tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương và của tỉnh đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển; rà soát quỹ đất đất sạch tại các khu, cụm công nghiệp và xây dựng chuyên mục phổ biến thông tin về quỹ đất, nhà xưởng cho thuê để doanh nghiệp tham khảo; tiếp nhận và tổng hợp nhu cầu về mặt bằng sản xuất của doanh nghiệp, giới thiệu và kết nối giữa doanh nghiệp có nhu cầu về mặt bằng sản xuất với chủ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.

Trong khi đó, liên quan đến các giải pháp kết nối, mở rộng thị trường cho ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, cuối tháng 10 vừa qua, Ban quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã ký thỏa thuận hợp tác với Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp - khu kinh tế thuộc các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa Vũng Tàu.

Thỏa thuận hợp tác này có mục tiêu hình thành mạng lưới tổ chức, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ bằng giải pháp kết nối cũng như liên kết vùng; tăng cường liên kết về công nghiệp hỗ trợ giữa Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương lân cận.

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực ngành công nghiệp hỗ trợ bằng cách tạo kênh kết nối trực tiếp cung - cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ giữa các doanh nghiệp, giới thiệu đơn vị sản xuất công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục