Đồng NDT yếu: “Con dao hai lưỡi” Trung Quốc dùng để đối phó với thuế quan của Mỹ

14:14' - 11/08/2018
BNEWS Một đồng NDT yếu sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn, phần nào giảm thiểu ảnh hưởng từ các biện pháp thuế quan của Mỹ lên lượng hàng hóa nhập khẩu nhiều tỷ USD từ Trung Quốc.
Đồng NDT yếu: “Con dao hai lưỡi” Trung Quốc dùng để đối phó với thuế quan của Mỹ. Ảnh minh họa: TTXVN

Sự sụt giảm gần đây của đồng nhân dân tệ (NDT) đã hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc khi họ phải đối mặt với một cuộc chiến thương mại với Mỹ, nhưng nó cũng mang đến những rủi ro tài chính cho nước này và khiến Bắc Kinh phải thực hiện các biện pháp nâng giá đồng nội tệ.

Giữa lúc các thị trường đang lo ngại trước sự bế tắc trong việc tháo gỡ những căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, một đồng NDT yếu sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn, qua đó phần nào giảm thiểu ảnh hưởng từ các biện pháp thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lên lượng hàng hóa nhập khẩu nhiều tỷ USD từ Trung Quốc.

Đồng NDT đã giảm 7% khoảng kể từ tháng Sáu tới nay. Hồi đầu tuần, đồng NDT từng rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017 là 6,85 NDT/USD và hiện vẫn đang ở quanh mức này. Chính sự suy giảm nêu trên đã khiến Washington cáo buộc Bắc Kinh thao túng đồng nội tệ.

Dù cho phép các lực lượng thị trường đóng một vai trò nhất định, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vẫn duy trì đồng NDT nằm trong khoảng tỷ giá trung tâm biên độ hẹp được điều chỉnh hàng ngày.

Lần này, các nhà phân tích nhận định sự suy giảm của đồng NDT là do tâm lý nhà đầu tư lo ngại một cuộc chiến tranh thương mại, cũng như quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ của PBoC nhằm ứng phó với những rủi ro đe dọa triển vọng của nền kinh tế, chứ không phải một động thái có chủ đích của Bắc Kinh.

Song các chuyên gia cũng chỉ ra rằng Bắc Kinh rõ ràng không lựa chọn việc ngăn chặn đà trượt giảm của đồng NDT. Hồi tháng trước, PBoC đã không bán ra dự trữ ngoại hối của họ, một động thái thường được sử dụng để hỗ trợ đồng NDT.

Nhà phân tích Julian Evans-Pritchard tại công ty tư vấn đầu tư Capital Economics cho biết sự suy giảm của đồng NDT sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc khi tính theo đồng USD thậm chí rẻ hơn mức trung bình trước khi các căng thẳng thương mại leo thang. Và với việc 70% hàng xuất khẩu của Trung Quốc được định giá bằng USD, các nhà xuất khẩu này có thể điều chỉnh giá bán của họ khá nhanh chóng.

Ông Olivier Blanchard, nhà cựu kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã đăng trên Twitter cá nhân rằng sự yếu đi của đồng NDT có thể đủ để bù đắp cho 250 tỷ USD giá trị hàng hóa bị Mỹ dự kiến áp thuế.

Nhưng khi một đồng NDT yếu hơn có lợi cho các nhà xuất khẩu, các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những hóa đơn đắt đỏ hơn khi mua các sản phẩm kinh doanh được định giá bằng đồng USD. Nó cũng tạo thêm gánh nặng cho các công ty Trung Quốc phải thanh toán nợ bằng đồng USD.

Ông Christy Tan, người đứng đầu mảng chiến lược thị trường tại Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB), cho biết những nỗ lực cải thiện tình trạng nền kinh tế, cải cách tài chính và quá trình quốc tế hóa của đồng NDT có thể bị trật bánh nếu đồng tiền này tiếp tục yếu đi.

Chuyên gia Christy Tan cho rằng PBoC chắc chắn sẽ can thiệp mạnh mẽ nếu đồng NDT rơi xuống mức hơn 7 NDT đổi 1 USD. Trung Quốc đã phải trải qua một giai đoạn đồng NDT mất giá sâu hồi tháng 8/2015, dẫn đến tình trạng thoái vốn ồ ạt của nhà đầu tư - điều mà các nhà chức trách Trung Quốc không muốn tái diễn. Bắc Kinh khi ấy chắc chắn sẽ ngăn chặn một kịch bản như vậy bằng cách "đóng cửa" dòng vốn nếu cần thiết.

>>> Chiến tranh tiền tệ liệu có nguy cơ xảy ra?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục